Người xưa cho rằng lời nói phải thật thà, chất phác, nói lời cần cẩn trọng, nói được làm được, thậm chí có thể làm trước nói sau. Luận Ngữ nói rằng: “Hoa ngôn xảo ngữ ở bề ngoài, loại người này rất hiếm có lòng nhân”. Nghĩ một đằng, nói một nẻo, trong ngoài bất nhất, không phải là nhân cách lành mạnh, người như vậy rất khó trở thành bậc nhân nghĩa, thậm chí hại người hại mình.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp kiểu người “hoa ngôn xảo ngữ”. Họ thường biết khéo lấy lòng người khác bằng những lời lẽ dễ nghe nhưng không thật. Người hiện đại cho rằng đó là giỏi ăn nói, nhưng người xưa lại không coi trọng những người như vậy.

Khổng Tử nói: “Xảo ngôn loạn đức”, ý tứ chính là những lời hoa ngôn xảo ngữ không chân thật sẽ làm bại hoại đạo đức của con người. Người mà cổ nhân không tán đồng nhất là người hay nói những lời ngụy biện, dối trá, bởi đó là hạng người có phẩm chất đạo đức không tốt, không thiện.

Trí tuệ cổ nhân: Hoa ngôn xảo ngữ hại mình hại người
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh, Public Domain)

“Ngôn trung tín, hành đốc kính”, nói chuyện nhất định phải thành thật, không giả dối, không nói lời qua loa lấy lệ để tránh cho việc bất công, thiên lệch bị khuyếch đại. Người hoa ngôn xảo ngữ bởi vì khuyết thiếu “sỉ”, khuyết thiếu “đức”, nên làm việc thường hay phóng túng cái ác, tùy tiện làm bậy. Kết quả hoa ngôn xảo ngữ có thể khiến người ta được lợi trước mắt, nhưng về lâu dài lại gánh chịu quả báo do chính mình tạo nên.

Thượng Quan Kiệt thời Hán là một ví dụ về người thích hoa ngôn xảo ngữ. Ông ta từ chỗ là kẻ chăn ngựa, nhờ nịnh nọt Hán Vũ Đế mà được trọng dụng, được đề bạt làm Kị Đô Uý, Thái Bộc, rồi được phò tá ấu chủ.

Sau khi Vũ Đế băng hà, Thượng Quan Kiệt trở thành đại thần phò tá triều chính, nhưng lại mưu mô, lộng quyền, hãm hại trung lương, thậm chí còn âm mưu phế truất ấu chủ. Nhưng kết cục của kẻ hoa ngôn xảo ngữ cũng không thể tốt đẹp. Tới năm Thuỷ Nguyên thứ 7, Thượng Quan Kiệt bị Hán Chiêu Đế tra xét, xử tội chết.

Dương Quốc Trung dưới thời Đường Huyền Tông cũng là một nhân vật đại diện cho những lời hoa ngôn xảo ngữ. Ông ít học vấn, hành vi bất chính, rượu chè, cờ bạc, kỹ nữ, không việc gì là không làm. Cuốn “Tân Đường Thư” bình luận về ông ta như sau: “Xu nịnh, chuyên chiều theo dục vọng của Hoàng đế, không quản tới thiên hạ thành hay bại”. Dương Quốc Trung thông qua Dương Quý Phi mà nắm bắt tâm lý và những điều tốt xấu của Đường Huyền Tông, nịnh nọt lấy lòng, nên rất nhanh chóng được sủng ái, tín nhiệm.

Sau này Dương Quốc Trung làm Tể tướng, thân kiêm hơn 40 chức vụ. Cũng bởi ông không lo cho an nguy của đất nước nên dẫn đến loạn binh tấn công vào kinh thành. Lúc này ông vẫn đố kỵ với các lão tướng nhà Đường mà khiến cho kinh thành thất thủ. Trên đường chạy loạn, Hoàng đế phải đồng ý để quân sĩ giết Dương Quốc Trung cùng Dương Quý Phi. Nhà Đường sau biến động này cũng chuyển thịnh thành suy.

Gian thần Hoà Thân thời nhà Thanh coi hoa ngôn xảo ngữ là một thứ bản lĩnh. Ông là vị quan được sùng ái bậc nhất trong mắt Hoàng đế, mặc sức vơ vét tiền tài, giao kết với nhiều kẻ xấu khác. Nhưng khi chỗ dựa của Hòa Thân là Hoàng đế Càn Long chết đi thì chẳng bao lâu sau Hoà Thân bị hoàng đế Gia Khánh tuyên bố tội trạng 12 điều. Hòa Thân cuối cùng phải thắt cổ tự vẫn, gia sản bị tịch thu của ông ta ước tính lên tới 8 trăm triệu lượng bạc trắng.

Từ lịch sử có thể thấy rằng những người hoa ngôn xảo ngữ không chỉ hại người, mà cuối cùng lại hại cả chính mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: