Trong hoài niệm của thế hệ đi trước, vẫn còn đó một Hà Nội cổ xưa với 36 phố phường, là nguồn cảm xúc sáng tạo bất tận trong câu thơ, lời hát. Mỗi một hàng cây, một con phố, dòng sông tạo nên vẻ đẹp hiền hòa cổ kính cho thủ đô Hà Nội.

Nhắc đến Hà Nội hẳn nhiều người vẫn không quên Kẻ Chợ – 36 phố phường xưa kia, mà ngày nay chỉ còn đọng lại một vài dấu tích nơi khu phố cổ. Thăng Long – Kẻ Chợ đã từng là trung tâm thương mại của Đàng Ngoài, nhiều người nước ngoài và người Tây phương có mặt tại đây để buôn bán.

pho hang mam 1
Phố Hàng Mắm năm 1905. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Khu thương mại này nằm ở phía đông Kinh thành Thăng Long nên người dân gọi là Đông Kinh, nhưng vào thế kỷ 17 người phương Tây lại gọi là Kẻ Chợ.

Trong từ điển của A. de Rhodes giải thích rằng: “Kẻ Chợ: Là những người ở trong chợ. Nghĩa là những người ở Kinh đô Đông Kinh”.

Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích rằng: “Đây là tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long ngày xưa, theo nghĩa hẹp, chỉ khu phố phương dân cư của Kinh thành Lê – Trịnh, phân biệt với khu Hoàng thành của vua quan”. Cũng theo từ điển này thì “kẻ” là chỉ người, giống như “kẻ ở người đi”, còn “chợ” là chỉ nơi mua bán trao dổi hàng hóa. Như vậy Kẻ Chợ chỉ nơi tập trung dân cư ở Đông Kinh, phân biệt với Hoàng thành là nơi các vua quan ở.

Giáo sĩ Richard ở thế kỷ 8 mô tả Kẻ Chợ rằng: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (Âu châu), ngay thành phố Vơnidơ (Venise) nữa với tất cả những thuyền lớn thuyền nhỏ của nó cũng không thể đem đến cho người ta được một ý niệm về sự hoạt động buôn bán về dân số trên sông Kẻ Chợ” (Theo “Lịch sử thủ đô Hà Nội”).

Hoài niệm về Kẻ Chợ - 36 phố phường Hà Nội xưa
Phố Hàng Bè. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Khi thành Thăng Long còn mang tên là thành Đại La, khu vực này đã hình thành chợ lớn của cả lưu vực sông Hồng, dân cư tụ họp buôn bán, hình thành các làng nghề, tiền đề cho việc hình thành các phố phường nghề sau này. Do là nơi tụ họp của các con sông nên hàng hóa tấp nập được chuyển về đây, đúng như câu thơ sau này:

Nhị Hà qua Bắc sang Đông,
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Khi vua Lý Thái Tổ chọn Đại La làm Kinh đô mới, đổi tên Đại La thành Thăng Long, thì nơi đây lại càng tấp nập. Để đáp ứng nhu cầu giao thương, Triều đình đã cho mở thêm hàng loạt các bến như Triều Đông, Thái Cực, Thái Tổ, Giang Tân, Thiên Thu, Đại Thông, v.v…

Khi các bến được mở ra thì đồng thời chợ cũng hình thành. Các ghi chép thời kỳ này cho thấy thuyền buôn nước ngoài theo sông Nhị Hà đến thẳng Thăng Long. Đến thời vua Lý Anh Tông thì thương cảng lớn Vân Đồn được hình thành, các tàu buôn nước ngoài có thể dừng lại ở đây.

Các thợ thủ công của từng ngành nghề thường cùng quê, lập thành nơi buôn bán gọi là phường, khu Kẻ Chợ có đến 61 phường hình thành vào thời nhà Lý. Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thì “phường” không chỉ là đơn vị hành chính mà còn là nơi tập hợp những người cùng nghề. Các cửa hàng kéo dài trên các con phố thường bán chung một mặt hàng, “buôn có bạn, bán có phường”. Đây là khởi nguồn cho những phố “Hàng …” sau này. Các ghi chép cho thấy Thụy Chương và Nghi Tàm dệt vải, dệt lụa; Yên Thái làm giấy; Đồng Nhân bán áo diệp y; v.v…

Đến thời nhà Lê, triều đình chú trọng phát triển nông nghiệp, hạn chế dân cư các nơi khác nhập cư đến Kinh đô, 61 phường chỉ còn 36 phố phường, dù thế nhưng 36 phố phường rất sầm uất, buôn bán phát triển. “Đất lành chim đậu”, sau này người Hoa cũng đến đây buôn bán hình thành các khu phố Tàu.

Đến giữa thế kỷ 17, các phố có tên “Hàng” xuất hiện như Hàng Cót, Hàng Hòm, Hàng Chiếu, Hàng Mã, Hàng Gà. Một người phương Tây là Filippo de Marini từng đến Thăng Long thời gian này có viết: “Ở đầu mỗi phố đều treo một tấm biển gỗ trên đó có ghi tên mặt hàng”.

Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn, định đô ở Phú Xuân, Thăng Long không còn là Kinh đô nữa. Thời điểm này các thương cảng lớn như Phố Hiến, Vân Đồn không còn, vì thế mà Kẻ Chợ vẫn giữ được vị trí huyết mạch quan trọng giao thương ở phía bắc.

Đến thời thuộc Pháp, các đầm và hồ được lấp lại, các khu phố được chỉnh trang. Người Pháp và người Ấn cũng đến đây buôn bán, hai chợ nhỏ được giải tỏa để thành lập chợ Đồng Xuân rộng lớn hơn.

36 phố phường
Chợ Đồng Xuân. (Ảnh: Pierre Dieulefils/Wikipedia, Public Domain)
Hoài niệm về Kẻ Chợ - 36 phố phường Hà Nội xưa
Phố Hàng Nón. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Thời kỳ này 36 phố phường vẫn sầm uất, các thuyền buôn vào được đến tận bên trong các khu phố để mua bán trao đổi hàng hóa.

Đến năm 1990, nơi đây được gọi là khu phố cổ.

Trong “Việt Nam thi văn hợp tuyển”  của Dương Quảng Hàm có ghi lại ca dao về 36 phố phường như sau:

Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Bài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

Trần Hưng

Tư liệu tham khảo:

  • “Kinh thành trong sông – Kẻ Chợ” – Báo Hà Nội Mới
  • “Hà Nội và cái tên Kẻ Chợ” – Báo Pháp luật và Xã hội

Xem thêm:

Mời xem video: