Có câu cổ ngữ rằng: “Vạn ác dâm vi thủ”, nghĩa là trong vạn cái ác thì việc không kiểm soát được dục vọng là căn nguyên nhất, là thứ đứng đầu dẫn theo những điều ác tiếp sau. Bởi vì Đạo trời coi tội tà dâm rất nặng, do đó trừng phạt cũng là khắc nghiệt nhất. Bất kể đế vương, quan tướng hay thường dân đều không ai có thể được ngoại trừ. Dân thường dâm tà thì sẽ tổn hại bản thân, tan cửa nát nhà, họa lây đến cháu con. Đế vương, quan tướng nếu dục vọng vô độ thì không chỉ làm hại bản thân, bại hoại gia phong mà còn bại hoại kỷ cương triều chính, hỗn loạn triều đình, khiến Trời giận người oán, cuối cùng mất cả giang sơn, người dân khắp thiên hạ cũng rơi vào khổ nạn.

Hoang dâm bỏ triều chính, thất đức mất giang sơn
(Tranh minh họa: Kanō Eitoku, Wikipedia, Public Domain)

Từ xưa đến nay, đế vương hoang dâm vô Đạo nhất phải kể đến là Tùy Dương Đế Dương Quảng. Ông làm bại hoại nhân luân cương thường, ban đêm đùa giỡn với em gái ruột, em gái không nghe theo bị ép trầm mình xuống sông tự tử. Sau đó ông lại đùa giỡn với cung phi của phụ hoàng Tùy Văn Đế, cũng chính là người dì của ông, Tuyên Hoa phu nhân. Sau khi bị Tùy Văn Đế phát hiện ra, Dương Quảng ra tay trước, sai thân tín đi sát hại phụ thân một cách tàn nhẫn. Sau đó ông ta lại dùng rượu độc hại chết người anh ruột là Dương Dũng, cưỡng chiếm chị dâu Tiêu Thị.

Sau khi Dương Quảng soán ngôi liền lập Tiêu Thị làm hoàng hậu. Sau đó ông ta tuyển chọn mỹ nữ khắp thiên hạ đưa vào hậu cung. Người có nhan sắc đẹp thì phong làm phi tần hoặc phong làm quý nhân, phóng túng dâm loạn hành lạc. Người nhan sắc kém hơn đôi chút thì chọn làm cung nữ hoặc chọn làm vũ nữ, tùy ý sai khiến. Sau này Tùy Dương Đế lại xây dựng hành cung quy mô lớn ở Lạc Dương, chọn nhiều mỹ nữ, ăn uống chơi bời không việc gì là không đến cực điểm, muốn làm gì liền làm nấy…

Tùy Dương Đế hoang dâm vô độ, bỏ bê triều chính, người dân oán thán ngút trời. Những việc ác, thất đức của ông ta cuối cùng đã khiến Trời nổi giận, dân uất hận, thiên hạ đại loạn. Khắp nơi xảy ra khởi nghĩa, tổng cộng có 18 nhóm nghĩa quân dấy binh thảo phạt hôn quân. Cuối cùng, năm 618, Tùy Dương Đế bị gian thần sủng tín là Vũ Văn Hóa Cập và quân phản loạn giết chết ở hành cung Giang Đô. Liền theo đó, giang sơn triều Tùy sụp đổ.

Giang sơn đổi chủ, triều Đường dựng lên, nhanh chóng đạt đến huy hoàng dưới thời Đường Thái Tông. Nhưng đến thời cháu nội của Thái Tông là Đường Huyền Tông Lý Long Cơ thì triều chính chuyển từ thịnh sang suy.

Đường Huyền Tông trong quãng thời gian đầu đời là một vị minh quân được ca ngợi. Nhưng về cuối đời thì ông lại làm ra chuyện bại hoại nhân luân thất đức, khiến nhà Đường suy vi.

Năm 736, cung phi Vũ Huệ được Đường Huyền Tông sủng ái ốm chết. Bấy giờ con trai của Vũ Huệ là Thọ vương Lý Mạo có người phi là Dương Ngọc Hoàn sắc đẹp tuyệt luân. Thế là bất chấp lễ tiết, Đường Huyền Tông lấy danh nghĩa lừa đưa Dương Ngọc Hoàn vào cung.

Để che đậy hành động cướp đoạt vợ con trai, Đường Huyền Tông để Dương Ngọc Hoàn đứng ra thỉnh cầu xin làm nữ quan, sống ở Tiến Nam cung, và ban cho danh hiệu Thái Chân. Để an ủi con trai, Đường Huyền Tông lại ép Thọ Vương lấy một người cung phi. Sau này Đường Huyền Tông nạp Dương Ngọc Hoàn làm quý phi, đây chính là Dương Quý Phi nổi tiếng trong lịch sử.

Để làm vui lòng Quý Phi, Đường Huyền Tông đã vắt hết tâm trí. Chiều theo tâm lý thích trang sức của Quý Phi, Huyền Tông lập riêng đội ngũ trên 700 người chuyên làm y phục. Để Quý Phi được ăn trái vải yêu thích, Huyền Tông còn hạ lệnh khai mở con đường cống tiến từ Lĩnh Nam đến Trường An dài mấy nghìn dặm để tiện cho ngựa nhanh chóng chuyển trái vải đến Trường An. Đây chính là:

Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu,
​Vô nhân tri thị lệ chi lai.

Dịch thơ:

Ngựa cuốn bụi hồng Quý Phi cười,
Nào ai hay biết trái vải tươi.

Đường Huyền Tông đã làm bại hoại nhân luân, bỏ bê triều chính, mất lòng quân sỹ, tổn hại ý dân. Dù trước đó vị hoàng đế này có là minh quân thì báo ứng cũng đến thật nhanh.

Năm 755, An Lộc Sơn và Sư Tư Minh kéo cờ phản loạn. Triều chính bê trễ, quân đội liên tiếp thua trận thoái lui. Sau đó kinh thành Trường An mất, Đường Huyền Tông dẫn theo tàn quân chạy trốn đến Tứ Xuyên. Ở dốc Mã Ngôi, để ngăn chặn binh biến, Đường Huyền Tông buộc phải giết hai anh em Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi.

Năm 761, Lý Long Cơ qua đời khi đã là thái thượng hoàng, nhưng cả ông và con là Đường Túc Tông đều không có thực quyền, bản thân ông bị giam lỏng. Nhìn lại cuộc đời của Đường Huyền Tông, có thể thấy rằng cực thịnh cực suy, thế sự đảo điên, loạn lạc kinh sợ, nhưng thực tế đằng sau không thể nói là không có nhân quả báo ứng.

Theo “Văn sử mạn đàm: Hoang dâm bỏ triều chính, thất đức mất giang sơn
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Vũ Chân

Xem thêm: