“Khang Hy gia huấn” là tác phẩm mà Khang Hy dùng để dạy dỗ các hoàng tử, trong đó có rất nhiều những lời cảnh tỉnh đầy trí tuệ và đạo lý sâu xa.

Cách Hoàng đế Khang Hy dạy dỗ các hoàng tử
(Tranh: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Trong gia huấn của ông có viết:

Dạy rằng: người phàm đối nhân xử thế, nên biết đồng cảm. Thấy người có chuyện vui, thì nên cảm thấy vui vẻ; thấy người có việc buồn, thì nên cảm thông. Những điều này đều có lợi cho mình. Nếu ghen tức với thành công của người khác, vui vẻ trên thất bại của họ thì có ý nghĩa gì? Tự ôm những suy nghĩ xấu xa vô ích. Cổ ngữ có câu: ‘Nhìn sự thành của người như sự thành của mình; xem mất mát của người như mất mát của bản thân.’ Nếu biết giữ lòng như thế, ắt sẽ được Trời giúp đỡ.

Một người khi đối nhân xử thế, lúc nào cũng nên giữ lòng khoan dung, nhường nhịn. Thấy người khác có chuyện vui thì nên cảm thấy vui vẻ, mừng cho họ. Khi người khác gặp phải những việc không vừa ý thì nên cảm thông, đồng cảm với họ, giúp đỡ họ. Tâm thế này bất cứ lúc nào cũng có ích cho bản thân. Nếu một người luôn ghen tị với thành công của người khác, vui vẻ trên sự thất bại của họ thì tuy không gây tổn hại đến người khác, mà khiến cho đạo đức của chính mình trở nên bại hoại.

Khang Hy là một vị hoàng đế vĩ đại, 8 tuổi lên ngôi, tại vị 62 năm, xây dựng được rất nhiều thành tựu to lớn. Những lời trong gia huấn chính là tổng kết cuộc đời của chính ông, cũng là lời nhắc nhở đối với vị hoàng đế tương lai nằm trong số các hoàng tử. Chính vì thế, lời gia huấn trên còn có nhiều tầng ý nghĩa khác.

Là hoàng đế của một nước, nắm trong tay tứ hải, đất đai bãi bờ và hoàng cung, cả thiên hạ đều là của mình, đương nhiên là Khang Hy hy vọng người dân trong thiên hạ đều hạnh phúc, sung túc. Bởi vì dân yếu hay mạnh quyết định sự mạnh yếu của đất nước. Dân nghèo thì nước yếu, dân giàu thì nước mạnh. Vậy thì khi người dân có việc vui, đương nhiên người làm vua cũng nên vui vẻ. Khi dân chúng gặp phải tai họa, sống trong khổ cực, đương nhiên vua cũng sẽ lo buồn, cảm thông với người dân, cố gắng tìm cách giúp người dân vượt qua khó khăn. Có vậy lòng dân và đất nước mới ổn định được. Đây chẳng phải là điều có ích nhất đối với vua hay sao?

Ngược lại, nếu vua cứ luôn đi ngược lại ý dân, ghen ghét khi dân chúng có việc vui, vui sướng với những mất mát của họ thì e là sớm muộn người dân cũng sẽ khởi nghĩa. Đây không chỉ là thất bại về đức hạnh của quân vương mà còn làm đất nước hỗn loạn, quả thật rất đáng sợ. Vì vậy nếu các vị vua luôn có thể vui với niềm vui của dân, buồn với nỗi khổ của họ thì lẽ nào trời cao lại không bảo vệ vị vua tốt như vậy chứ?

Tuy gia huấn này là những lời để giáo dục các hoàng tử, nhưng cũng có tác dụng tối với các đại thần trong triều, bởi vì trước khi trở thành vua, hoàng tử và đại thần đều có nhiệm vụ an dân phò quốc. Giữa các triều thần khó mà tránh được tranh chấp, ghen ghét lẫn nhau, thậm chí là xung đột với nhau. Nếu có thể hành động theo gia huấn, thì sẽ xóa bỏ được lòng đố kỵ, người có cũng như ta có, người mất thì ta cũng mất. Đối xử chân thành với người khác ắt sẽ có nhiều bạn bè, dần dần tâm lý tranh đấu cũng sẽ mất đi. Điều này rất có ích cho việc tu thân dưỡng tính. Hơn nữa tâm lý làm tổn hại lẫn nhau giữa các triều thần cũng sẽ được giảm xuống mức thấp nhất.

Khi ta xem điểm mạnh của người khác là thế mạnh của mình, những gì chúng ta thể hiện ra đều là khen ngợi ưu điểm của người khác, sẽ không có ai ghét điều này, mà ngược lại sẽ cảm thấy người này vô cùng rộng lượng, có thể đảm đương trọng trách. Đây chẳng phải là để xây dựng nên một triều đình chính trực ngay thẳng, yêu người như chính mình sao? Vì nước vì dân, đây quả thật là một việc cực kỳ tốt. Những người làm theo gia huấn cũng nhất định sẽ nhận được tình yêu thương của trời cao.

Đối với một người bình thường không quyền thế không tài sản, gia huấn này cũng có thể coi là phương hướng đối nhân xử thế, là liều thuốc cứu thế an dân. Tục ngữ có câu “Thêm một người bạn thêm một con đường, thêm một kẻ thù thêm một ngõ cụt.” Bạn bè từ đâu đến, kẻ thù từ đâu ra. Nói chung đều xuất phát từ lòng phân biệt của chúng ta với họ quá mạnh mẽ, cố chấp, đặt nặng cái tôi, khiến bạn thì ít mà thù thì nhiều. Nếu có thể bỏ qua thành kiến, bỏ qua cái tôi, vui với niềm vui của người khác, xem điểm mạnh của họ như điểm mạnh của mình, nhìn nguy nan của họ cũng như của chính bản thân, như vậy thì trong lòng ắt có thần linh phù trợ.

“Thiên đạo vô thân, thường vu thiện nhân”, Lẽ trời thường đứng về phía người tốt. Quy luật của lẽ trời là bao dung không có tư thân, một cách công bằng mà khiến cho người tốt được báo đáp. Khi chúng ta phù hợp với quy luật này, bỏ qua cái tôi, bao dung ưu khuyết điểm của người khác, đây chẳng phải là cách tốt nhất để được thần linh phù hộ đó ư? Đạo gia giảng rằng “Thiên nhân hợp nhất” (Trời và người hòa làm một), khi lòng chúng ta đến gần với đạo, phù hợp với lẽ trời, luân lý làm người và đặc tính của vũ trụ, thì thật sự rất có ích cho chúng ta. Khi chúng ta mở rộng tấm lòng này để đối xử với mọi sự mọi vật, xem niềm vui của trời đất như niềm vui của mình, lo buồn vì nỗi lo của trời đất thì khoảng cách của chúng ta đến với đạo không còn xa nữa.

Nguồn căn của đạo đức tốt đẹp xuất phát từ tấm lòng rộng mở, ý nghĩa của gia huấn này rất sâu xa, khiến người ta phải suy ngẫm. Dù đối với người trong triều đình hay người dân bình thường thì gia huấn này cũng đã mở ra con đường “Thiên nhân hợp nhất” cho chúng ta, khiến chúng ta biết đến đạo lý để có được sự bảo vệ của trời cao và cũng giúp chúng ta nhìn thấy được tấm lòng rộng lớn của vua Khang Hy.

Tiểu Minh

Xem thêm:

Mời xem video: