Khang Hy Đế được đánh giá là vị Hoàng đế tài ba lỗi lạc bậc nhất, là người đã thiết lập sự thịnh trị suốt hơn trăm năm của nhà Thanh. Trong suốt cuộc đời mình, Khang Hy Đế không chỉ chuyên tâm việc triều chính, chăm lo dân chúng mà còn rất coi trọng việc giáo dục con cháu. Hoàng đế Khang Hy từng nói với các đại thần rằng: “Trẫm thường xuyên nhớ đến trọng trách mà tổ tiên giao phó, đồng thời ghi nhớ việc chăm lo giáo dục các hoàng tử càng sớm càng tốt, không dám lơ là, chậm trễ”.

Vài nét trong cách Khang Hy đế giáo dục con cháu thành Hoàng đế lỗi lạc
(Tranh minh họa: Giuseppe Castiglione/Wikipedia, Public Domain)

Hoàng đế Khang Hy giáo dục các hoàng tử, hoàng tôn hết sức nghiêm khắc. Đa số các hoàng tử, hoàng tôn đều văn võ song toàn. Dưới sự quản thúc của ông, các hoàng tử, hoàng tôn đều trở thành những người tài đức về nhiều phương diện như trị lý, văn hóa, nghệ thuật. Cả Ung Chính và Càn Long, hoàng tử và hoàng tôn của ông, sau này đều trở thành những Hoàng đế kiệt xuất, mang lại cảnh ấm no, thái bình thịnh trị.

Trong “Khang Hy giáo tử đình huấn cách ngôn” viết rằng:

Khi trời còn chưa sáng trẫm đã đích thân kiểm tra đốc thúc việc học tập, từ Thái tử Đông Cung cho đến các hoàng tử khác, theo thứ tự lần lượt lên điện đọc kinh thư. Khi mặt trời xuống núi còn lệnh cho hoàng tử học chữ, học bắn cung đến tận đêm khuya. Bắt đầu từ ngày xuân cho đến ngày cuối năm không có ngày nào lười biếng.

Tác phẩm “Khang Hy khởi cư chú” và một số tác phẩm khác đã mô tả chi tiết về phương pháp giáo dục con của Hoàng đế Khang Hy:

Một ngày bình thường của các hoàng tử, hoàng tôn học tập tại “Vô Dật Trai” bắt đầu từ 3 giờ sáng đến 7 giờ chiều, không ngừng nghỉ trong suốt cả mùa Hạ và mùa Đông.

Từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng, các hoàng tử phải ôn lại bài học ngày hôm trước. Từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng, Hoàng đế Khang Hy rời khỏi Hoàng cung để kiểm tra việc học tập của con trẻ. Ông nói: “Khi ta còn trẻ ta phải đọc to 120 lần, và sau đó còn phải đọc thuộc lòng 120 lần. Khi cả đoạn thuộc rồi mới học tới đoạn tiếp theo, cứ học như vậy từng đoạn một” . Một đại thần hỏi: “Liệu đọc thuộc 100 lần có được không ạ?” Hoàng đế trả lời rằng phải đúng 120 lần.

Từ 9 giờ sáng đến 11 giờ sáng, các hoàng tử luyện viết thư pháp, và được yêu cầu viết mỗi chữ 100 lần. Bữa trưa bắt đầu vào lúc 11 giờ trưa và kết thúc vào 1 giờ chiều. Sau bữa trưa, các hoàng tử tiếp tục việc học. Từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều, các hoàng tử ra ngoài sân luyện tập các kỹ năng như cưỡi ngựa và bắn cung.

Từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, hoàng đế Khang Hy lại tới Vô Dật Trai để kiểm tra việc học tập của con trẻ lần nữa. Ông lại nghe các hoàng tử đọc thuộc bài học. Các hoàng tử xếp thành một hàng và thay phiên nhau đọc thuộc cho Hoàng đế nghe.

Từ 5 giờ chiều đến 7 giờ chiều, mọi người ra ngoài sân tập bắn cung, đây là bài học cuối cùng trong ngày.

Bên cạnh thời gian biểu nghiêm khắc, Hoàng đế Khang Hy còn để lại những tâm đắc về việc tu dưỡng đạo đức trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”. Đây là cuốn sách có tầm ảnh hưởng to lớn và xuyên suốt đến các đời của hoàng gia sau này, và cũng chính là một trong những cơ sở kiến lập và ổn định vương triều Mãn Thanh trong hơn 200 năm.

Trong “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy dạy:

Phàm là lúc rảnh rỗi, vô sự, nếu một người có thể duy trì trạng thái chủ động như khi có việc để đề phòng những sự cố có thể xảy ra thì sẽ không có bất luận chuyện gì xảy ra ngoài ý muốn. Ở vào lúc có chuyện xảy ra, nếu có thể duy trì được trạng thái ung dung bình thản, ổn định lại suy nghĩ của mình thì sự tình tự nhiên sẽ được giải quyết. Cổ nhân nói: “Tâm yếu tiểu nhi đảm yếu đại”. Mỗi khi gặp chuyện đều nên là như vậy.

“Tâm yếu tiểu nhi đảm yếu đại”, ý tứ là phải có cái tâm cẩn thận, chín chắn, nhưng còn phải có gan to. Tức là làm người không thể không cẩn trọng, nhưng lại cần phải có dũng khí.

“Lúc không có việc, phải giữ tâm như khi có việc” cũng có ý nghĩa giống như “sống yên ổn nghĩ tới ngày gian nguy”, có phòng bị trước thì sẽ tránh được những tai hoạ có thể xảy ra sau này. “Lúc có việc, lại giữ tâm như khi không có việc” là có ý khuyên răn mọi người khi gặp chuyện thì không nên hoảng hốt sợ hãi, phải bình tĩnh ứng phó mới có thể xử lý được tốt.

Một nét nữa trong những lời dạy của Hoàng đế Khang Hy là về sự cần cù chịu khó. Thượng Thư Phòng là nơi mà Hoàng đế dạy học cho con cháu trong Hoàng tộc. Dưới thời Hoàng đế Khang Hy, Thượng thư phòng được đặt tại “Vô Dật Trai” ở Trường Xuân Viên, với hàm nghĩa là học hành thì không có sự an dật.

Trong “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy viết:

“Con người sống trên đời đều thích an nhàn, không thích vất vả. Nhưng ta lại cho rằng chỉ khi con người vất vả mới hiểu thế nào là an nhàn. Nếu luôn ở trong cảnh nhàn tản, thì căn bản sẽ không biết an nhàn là thứ gì, khi gặp cảnh khốn khó cũng không thể nhẫn chịu. Cho nên trong Kinh Dịch nói: Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng. Như vậy xem ra, thánh nhân coi khó nhọc là phúc, an nhàn là họa.”

“Truy cầu an nhàn, thoải mái là bản tính của con người. Trong thiên hạ có ai là người không thích an nhàn và vui vẻ. Nhưng an nhàn, vui vẻ quá độ lại không được phép. Cho nên người quân tử thành khẩn ước thúc ngôn hành của bản thân, không dám biếng nhác, ức chế dục vọng mà không dám phóng túng. Vui chơi có tiết chế mà không dám quá độ, trân quý phúc phận mà chẳng dám xa hoa, an phận thủ thường mà không dám làm càn. Như vậy bản thân mới được bình an, có được phúc trạch bền lâu. Trong Thượng thư nói: Người quân tử không truy cầu an nhàn. Thi Kinh cũng giảng: Ham vui nhưng không uổng phí, người nhân đức siêng năng cần cù. Câu này là hay nhất.”

Về tâm thế làm việc thì cẩn trọng mà có chính kiến, về làm người thì không ngừng nghiêm khắc với bản thân, còn về xử thế thì Khang Hy Đế cũng khuyên:

“Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác.”

Có thể thấy rằng sở dĩ Hoàng đế Khang Hy cả đời thành tựu về văn hóa giáo dục trong khi xử lý việc chính sự nhiều vô kể, một phần không nhỏ là do ông am hiểu đạo thánh nhân và vận dụng rất sâu sắc trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: