Trong lịch sử Trung Hoa có một số vị Hoàng đế đặc biệt kính ngưỡng Phật Pháp, rất tôn trọng những người tu hành. Triều đại mà các vị Hoàng đế này trị vì cũng đều rất thịnh vượng, văn hóa phát triển, quốc thái dân an. 

Hoàng đế kính Phật
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Thời Nam Triều, Lương Vũ Đế Tiêu Diễn là một vị Hoàng đế sùng kính Phật Pháp bậc nhất trong lịch sử. Sau khi Tiêu Diễn lên ngôi Hoàng đế, sự nghiệp trị vì của ông vô cùng hiển hách. Ông tiếp thu bài học giáo huấn từ sự diệt vong của nước Tề, chuyên cần chính sự. Bất kể là xuân hạ thu đông, mỗi ngày ông đều thức dậy vào lúc canh tư để phê duyệt tấu chương và công văn, có lúc trời đông lạnh cóng cả tay. Ông sẵn sàng tiếp thu những lời khuyên can, lắng nghe ý kiến của quần chúng, cố gắng hết sức sử dụng người tài.

Lương Vũ Đế một lòng thành kính Phật Pháp. Lúc còn trẻ, ông xem việc chinh chiến là để trui rèn bản thân nên không thể vào chùa dâng hương bái lễ. Khi đã lên ngôi, việc thành tâm lễ Phật đã trở thành nơi kí thác tâm linh sâu thẳm của ông, đồng thời cũng trở thành một nghi thức lễ bái quan trọng nhất của quốc gia thời đó.

Hoang de kinh Phat 01
Lương Vũ Đế. (Tranh: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Vào năm 504, năm thứ hai sau khi Lương Vũ Đế lên ngôi, ông đã đích thân dẫn dắt hai mươi nghìn người bao gồm tăng nhân và bách tính bình dân cùng viết “Xả Đạo Sự Phật Văn” ở Trọng Vân Các tại Trọng Vân Điện để biểu đạt chí hướng cũng như ý nguyện một lòng hướng Phật của mình. Biểu hiện thành tâm của Lương Vũ Đế cũng khiến cho người khác hết sức kính trọng ông.

Trong sử sách có ghi chép một câu nói về ông là: “Nhất quan tam niên, nhất bị nhị niên”, ý nói ông có thể đội một chiếc mũ trong ba năm và đắp một chiếc chăn trong hai năm. Bởi vì phải giết chết rất nhiều tằm để lấy tơ dệt lụa, đi ngược lại với mong muốn không sát sinh của Phật gia cho nên ông chỉ mặc quần áo làm từ sợi bông, không cần lụa là gấm vóc. Mỗi ngày ông chỉ ăn đúng một bữa cơm với rau. Vào những lúc bận rộn, ông chỉ húp cháo cho qua cơn đói. Ông cũng không uống rượu, không nghe nhạc, nhưng bản thân ông lại là một người rất am hiểu về âm luật. Ông là vị Hoàng đế có cuộc sống thanh bần bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Lương Vũ Đế cho xây dựng chùa tháp, đúc tượng Phật, truyền rộng Phật giáo giúp Nam triều xuất hiện cảnh tượng phồn hoa. Trong phạm vi bốn mươi dặm xung quanh thành Kiến Khang có hơn năm trăm ngôi chùa. Chùa chiền và bảo tháp mọc lên ở khắp mọi nơi, tạo nên một khung cảnh tráng quan vô cùng.

Mỗi lần triều đình phán quyết tử hình đối với một số phạm nhân thì Lương Vũ Đế thường có biểu hiện không vui trong mấy ngày liền. Cho đến những năm cuối, Lương Vũ Đế đã thực hiện nghi thức quy y.

Lương Vũ Đế chấn hưng Phật Pháp nhưng đồng thời cũng tạo nên sự hưng thịnh của Nho học. Từ Hoàng đế cho đến vương công quý tộc, ai nấy đều nỗ lực đề cao văn hóa tố chất của bản thân. Cho nên trong quãng thời gian chưa đầy năm mươi năm Lương Vũ Đế trị vì đã xuất hiện một lượng lớn nhà văn cũng như nhà thơ có những thành tựu to lớn trong lịch sử văn học Trung Hoa, như Tiêu Thống, Thẩm Ước, Tiêu Tử Lương, Lưu Hiệp… Nói chung, sự hưng thịnh của nền văn học thời Lương được đánh giá là sánh ngang với thời thịnh Đường và Bắc Tống trong lịch sử Trung Hoa.

Một vị Hoàng đế khác cũng tạo nên nền tảng kính ngưỡng Phật Pháp cho đất nước là Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sau khi Đường Huyền Trang từ Ấn Độ lấy kinh trở về, Hoàng đế Đường Thái Tông đã ủng hộ ông hết mực, sắp xếp cuộc sống sinh hoạt, tạo điều kiện cho ông phiên dịch kinh sách và hoằng dương Phật Pháp. Hoàng đế cũng đích thân ban tựa cho cuốn “Du già sư địa luận” mà Đường Huyền Trang dịch là “Đại Đường tam tạng thánh giáo tự”, thành tựu nên đại nghiệp dịch kinh và công danh nghìn đời của Đường Huyền Trang.

Hoàng đế kính ngưỡng Phật Pháp, khiến quốc thái dân an
Đường Thái Tông. (Tranh: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Những việc làm của Hoàng đế đã dẫn dắt dân chúng thiên hạ đều tôn kính Phật Pháp và người tu hành. Phật giáo trong thời kỳ Đường Thái Tông trị vì cũng phát triển chưa từng có. Từ hoàng thân quý tộc cho tới lê dân bách tính đều lưu truyền rộng rãi Phật Pháp, sự mở rộng của văn hóa Phật gia khiến người người thân tâm thụ ích, đạo đức củng cố. Điều này cũng góp phần tạo nên một vương triều cường thịnh bậc nhất trong lịch sử.

Khi Đường Cao Tông đăng cơ đã kế thừa nguyện vọng và phong cách của Đường Thái Tông, tiếp tục khiến Phật Pháp được truyền rộng. Quần thể tượng Phật tại hang đá Long Môn cũng bắt đầu phát triển rực rỡ, Đại Phật tượng Lư Xá Na tại hang đá Long Môn nổi tiếng cũng bắt đầu được điêu khắc vào thời gian này. Quần thể tượng Phật tại hang đá Long Môn cũng trở thành di sản văn hóa thể hiện sự kính ngưỡng Phật Pháp của Hoàng đế và con dân thời Thịnh Đường. (Xem thêm: Tượng Phật Lư Xá Na ở hang Long Môn và huyền cơ thời mạt thế)

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: 4 kiểu người cổ nhân thường giữ khoảng cách, tránh kết giao