Khi triều chính lung lay, thời cuộc chuyển vần, lịch sử Xã Tắc chuẩn bị bước sang thời hiện đại đầy nước mắt, dân tộc vẫn còn có những người con dũng cảm, đầy tiết tháo. Có người không còn khả năng giúp nước thì lo giữ trọn khí tiết, có người vì không giữ được thành mà tự tận, có người lại kháng lệnh triều đình đến cùng, nuôi hy vọng bảo toàn Giang Sơn. Đây là câu chuyện của tướng Hoàng Kế Viêm, một trong những con người như vậy.

Thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là nơi có thế đất “thượng sơn hạ thủy, rồng chầu hổ phục”. Nơi đây có tiếng về khoa bảng. Từ xa xưa Văn La có hội “Tư văn” tập hợp những nhà nho, khoa bảng bàn luận chuyện văn chương thế sự.

Dù ở xa chốn Kinh thành, nhưng Văn La vẫn tự xây dựng được trường làng riêng cho mình. Nơi đây nổi lên có họ Hoàng và họ Đỗ, người dân vẫn ví von rằng “việc quan họ Hoàng, việc làng họ Đỗ”.

Đời thứ tư họ Hoàng ở Văn La có Hoàng Văn Hoán làm quan tới chức “Đông cung văn chức” đây là chức quan chuyên phục vụ dạy dỗ Thái tử; đời thứ năm là Hoàng Kim Xán làm đến Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư Bộ hình dưới triều Minh Mạng và được phong tước Tòng Nhất phẩm.

Hoàng Kim Xán làm quan thanh liêm, hết lòng vì Giang Sơn Xã Tắc, báo ơn Vua. Khi ông mất từ Vua đến quan không ai không khóc, người dân thương tiếc ông, ông còn được nhắc đến như một người mẫu mực giúp Triều định trị quốc an dân.

Hoàng Kế Viêm

Hoàng Kim Xán có người con trai là Hoàng Kế Viêm sinh ra ở Khánh Hòa. Trong suốt 10 năm ròng Hoàng Kế Viêm học hỏi được rất nhiều từ cha mình, nhất là về đạo lý của Nho gia. Đến năm 13 tuổi thì cha mất, Hoàng Kế Viêm về quê nhà ở thôn Văn La, tại quê nhà ông đã hiểu hơn và thông cảm sâu sắc với cuộc sống khó khăn của người dân, hình thành nên tính cách của ông sau này.

Năm 1843 thời vua Minh Mạng, Hoàng Kế Viêm thi đỗ cử nhân, ông được bổ nhiệm vào Tư vụ, hàm Quang Lộc tự khanh. vì thông minh và có đức hạnh nên ông được Hoàng tộc chọn làm Phò mã, kết duyên cùng con gái thứ 5 vua vua Minh Mạng là công chúa Hương La.

Theo lệ nhà Nguyễn lúc đó thì đã được chọn làm Phò mã rồi thì không được đi thi nữa, cũng không được trao chức quan, trừ phi có việc đại sự thì đích thân Vua sẽ triệu hồi giao cho việc nước. Chính vì thế Hoàng Kế Viêm sau khi đậu thi Hương đã không thể tiếp tục thi Hội hay thi Đình.

Thế nhưng năm 1845 công chúa Hương La mất, Hoàng Kế Viêm được làm quan văn Quang lộc tự khanh, sang năm 1846 thì làm Lang trung bộ Lại. Sau đó ông cũng kinh qua các chức vụ khác nhau nhưng đều cố gắng làm tốt, không phụ lòng dân chúng và sự ủy thác của Triều đình.

Vùng Nghệ An, Hà Tĩnh dân rất nghèo, lại có mâu thuẫn Lương – Giáo, Triều đình cử Hoàng Kế Viêm làm Tổng đốc vùng An – Tĩnh. Tại đây ông mở mang nông nghiệp, phát triển giao thông, giải quyết được các mối bất hòa trong dân chúng.

Thu phục quân Cờ Đen

Lúc này tại Trung Quốc, cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc thất bại, tàn quân chạy đến vùng biên giới với Đại Nam hình thành nên cac đội quân Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng quấy nhiễu cướp bóc của người dân, các quan lại hết sức vất vả mà không sao dẹp được vì họ là quân có vũ trang.

Hoàng Kế Viêm
Chiến hào do quân Cờ Đen dựng ở gần Bắc Ninh. (Ảnh qua Hinhanhlichsu.org, Public Domain)

Triều đình cử Hoàng Kế Viêm làm Tổng đốc Lạng – Bằng – Ninh – Thái (phụ trách các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên và Bắc Ninh). Tại đây Hoàng Kế Viêm đã thu phục được quân cờ đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu, rồi cùng đội quân này tấn công đánh bại quân cờ trắng và cờ vàng, giúp ổn định vùng biên giới.

Kháng lệnh Triều đình, đánh bại quân Pháp, giành lại Bắc hà

Năm 1873 chỉ huy quân Pháp đánh Bắc hà là Francis Garnier cho quân đánh chiếm Hà Nội, ngày 20/11/1873 quân Pháp công phá thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cùng con là Nguyễn Tri Lâm lên mặt thành đốc quân chống giữ.

Nhưng trước vũ khí hiện đại và hỏa lực rất mạnh của quân Pháp, Nguyễn Tri Lâm tử trận, Nguyễn Trị Phương bị thương nặng rồi bị bắt. Quân Pháp cố thuyết phục Nguyễn Tri Phương đầu hàng theo mình, nhưng ông tuyệt thực rồi mất chứ quyết không chịu hàng.

Hai tuần sau khi chiếm được Hà Nội, quân Pháp tấn công chiếm luôn một loạt các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định. Trong tình thế đó Hoàng Kế Viêm được Triều đình cử làm Thống đốc Quân vụ đại thần, là Tổng Chỉ huy quân đội triều đình tại bắc hà.

Lúc này Triều đình muốn nghị hòa, thông qua ngoại giao trao đổi nhằm chuộc lại những vùng đất bị mất. Đứng trước lựa chọn, Hoàng Kế Viêm đã không theo lệnh Vua, ông chỉ huy quân Triều đình phối hợp cùng quân Cờ Đen và người dân quyết chiến với quân Pháp.

Khi quân Pháp tiến đánh Nam Định thì quân Cờ Đen tấn công chiếm lại Phủ Hoài và các tiền đồn khác ở gần thành Hà Nội. Thấy tình thế nguy cấp Garnier vội xin thêm quân từ Sài Gòn rồi quay lại giữ thành Hà Nội.

Dù triều đình đã phái Trần Đình Túc ra bắc thương lượng với người Pháp, nhưng Hoàng Kế Viêm kháng lệnh. Ông cho một đội quân mai phục ở Cầu Giấy, trong khi một cánh quân khác tấn công thành Hà Nội.

Khi Francis Garnier cùng Trần Đình Túc đang hội đàm buổi thứ hai trong thành Hà Nội, thì quân Triều đình và quân Cờ Đen tấn công vào thành. Francis Garnier bỏ cuộc hội đàm ra ngoài thành nghênh chiến. Quân Pháp lợi dụng có trọng pháo hiện đại liền liên tục bắn trả, trước hỏa lực mạnh mẽ của quân Pháp, quân Đại Nam liền rút lui theo đúng kế hoạch tính từ trước.

Garnier đem trọng pháo cùng quân truy đuổi theo, đến cầu giấy quân Pháp bị quân Đại Nam mai phục đánh bại, tướng chỉ huy Francis Garnier cùng hơn 100 binh sĩ bị tử trận. Thừa thắng Hoàng Kế Viêm cho quân tiến đánh Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, quân Pháp bị bao vây chặt trong các thành lũy. Tình thế Bắc hà hoàn toàn đảo ngược và quân nhà Nguyễn làm chủ cuộc chiến.

Hoàng Kế Viêm
Francis Garnier bị quân Cờ đen đâm chết trong trận Cầu Giấy. Tranh được đăng trên trên báo La Conquête du Delta Du Tonkin và tạp chí Le Tour Du Monde của Pháp. (Tranh: Alexandre Ferdinandus, Wikipedia, Pulic Domain)

Cái chết của chỉ huy khiến quân Pháp hoảng loạn, tình thế bất lợi, hơn 1 tháng sau phải rút hết khỏi Bắc hà, quân nhà Nguyễn lấy lại được Hà Nội và các tỉnh khác.

Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất (1873) vang dội khiến quân Pháp hoang mang, người dân Bắc hà nô nức, tuy nhiên Triều đình vẫn đặt hy vọng hơn vào đàm phán thương lượng.

Cuộc đàm phán giữa Triều đình và quân Pháp diễn ra và có được Hiệp ước Thương mại ký ngày 31/8/1874. Theo hiệp ước này quân Pháp không giữ được nên trả lại cho nhà Nguyễn các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nội; còn 6 tỉnh Nam kỳ tách khỏi Đại Nam để đặt dưới sự bảo hộ của Pháp.

Đồng thời Triều đình buộc Hoàng Kế Viêm cùng quân Cờ Đen phải rút về miền ngược.

Đặt lợi ích người dân lên trên hết, Hoàng Kế Viêm kháng lệnh Triều đình, tiếp tục ở lại giữ vùng đất Bắc hà.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: