Rất nhiều người nghĩ và tin rằng yêu thương là bản năng tự nhiên và đã là bản năng thì không cần phải học, con người tự nhiên sẽ biết yêu thương thôi. Có người cho rằng yêu thương là món quà của Thượng Đế ban tặng con người và do đó nó đương nhiên luôn tồn tại chứ không phải học mà được. Tôi không phản bác những điều trên. Nhưng tôi nghĩ yêu thương vẫn cần phải học. Tôi không biết cái bản năng yêu thương nguyên thủy của con người hình dạng ra sao, nhưng tôi thú thật là tôi sợ cách yêu thương của rất nhiều người Việt.

Một đứa trẻ chán ăn, mẹ hoặc bà đè ngửa nó ra nhét bột, nhét cháo vào mồm nó mặc kệ nó khóc gào sặc sụa hoặc ẵm nó đi vòng vòng hoặc chạy theo nó quanh nhà quanh sân để cố nhồi thức ăn vào miệng nó còn miệng họ thì la hét quát nạt dụ dỗ đủ kiểu. Họ gọi đó là yêu thương. Tôi gọi đó là sự tra tấn.

Một đứa trẻ không được dạy cho biết những kỹ năng sinh tồn như bơi lội, leo trèo, khám phá, lao động, tìm tòi, thoát hiểm, tự bảo vệ, định hướng… mà luôn bị quát nạt, đe dọa, cấm đoán không được xuống nước, không được nghịch đất, không được ra mưa, không được chạy nhẩy, không được leo trèo vì cha mẹ sợ nó ngã, nó đau, nó trầy xước, nó chết. Họ gọi đó là yêu thương, bảo vệ. Tôi gọi đó là giết chết.

Một người thân trong gia đình ra đường lỡ chẳng may bị tai nạn xe cộ, về nhà, câu đầu tiên phải nghe thường là một câu phán xét ẩu hàm ý trách móc chỉ trích, “Tại sao không cẩn thận?” “Đi đứng thế nào…” cùng với cái nhíu mày, nhăn mặt, thở dài. Họ gọi đó là yêu thương, quan tâm. Tôi gọi đó là sự tàn nhẫn, thô thiển.

Khi chồng, vợ, con cái, anh em, bạn bè mắc phải một sai lầm nào đó trong cuộc sống, câu đầu tiên mà họ phải nghe từ người thân và những người xung quanh là, “Đấy, tao đã bảo rồi mà không nghe!” Họ gọi đó là yêu thương, bảo ban. Tôi gọi đó là sự hả hê trước nỗi đau, buồn, sai lầm của người khác.

Tôi có thể kể thêm rất nhiều trường hợp khác mà tôi nghĩ khác với đa số người Việt về yêu thương. Dĩ nhiên, tôi gặp và nhận nhiều sự yêu thương, quan tâm theo kiểu của nhiều người Việt như trên. Rõ ràng tôi biết với họ đó là yêu thương, tôi hiểu kiểu tình yêu thương đó, tôi chấp nhận nó trong một giới hạn nhất định vì đa số hành xử như thế, nhưng ở chiều ngược lại tôi không thể hành xử giống vậy với họ.

Anh chở chị bị ngã xe, chưa ngồi được dậy chị đã trách anh, anh đã trách ngược lại chị. Tôi đỡ hai người dậy và chỉ quan tâm vết thương. Nếu ai đó chở tôi, bị ngã xe, tôi không hề trách một câu nào cả vì đó là việc người ta không mong muốn. Lỡ rồi, trách làm gì để người ta thêm áy náy trong lòng mà cái đau có giảm đi được đâu? Tôi học cách yêu thương trong việc dung thứ với lỗi của người khác.

Trong gia đình có ai đó bị tai nạn bất kỳ, điều đầu tiên tôi làm là sơ cấp cứu, hỏi thăm, không truy vấn tại sao, lỗi gì. Sau khi biết đó là lỗi của người đó, tôi cũng chỉ nhắc, “Lần sau gặp trường hợp như thế thì nên làm như vầy như vầy để tránh tai nạn hoặc giảm thiểu rủi ro.” Tôi học cách yêu thương trong việc chia sẻ bài học kinh nghiệm, kỹ năng sống.

Vợ chồng, anh em, bạn bè có một ý định kinh doanh, làm việc gì đó mà hỏi ý kiến mình, nếu thấy không ổn tôi sẽ phân tích mọi sự không ổn một cách ôn tồn, khoa học để chứng minh cho họ thấy rõ những điều không ổn nhằm thuyết phục họ đừng làm. Nhưng, nếu họ dùng các lý lẽ của họ để khẳng định họ muốn làm điều đó và họ chấp nhận kết quả cũng như hậu quả thì lúc đó tôi sẽ ủng hộ quyết định của họ. Trong khả năng có thể, tôi sẽ cố gắng hết sức để họ tránh những điều không ổn mà tôi đã thấy trước đó để giúp họ thành công. Nhưng nếu chẳng may họ không thành công và thất bại như tôi dự đoán ban đầu, tôi sẽ không hề trách móc, chỉ trích, “Đấy, tao đã bảo rồi mà không nghe.” Tôi sẽ động viên họ nghĩ cái khác, làm cái khác và cùng họ làm lại. Tán gia bại sản cũng không hề cằn nhằn, không nặng nhẹ. Tôi học cách yêu thương trong đồng cam cộng khổ.

Cái cách mà tôi yêu thương gia đình, người yêu, anh em, bạn bè đều nhất quán như thế. Khổ nỗi, thường thì tôi gặp kiểu yêu thương trái ngược với mình. Kiên trì yêu thương họ theo cách của mình với mong muốn một lúc nào đó họ sẽ nhận ra và thay đổi cách yêu thương nhưng thường là tôi thất bại thảm hại. Một là tôi phải chấp nhận cách yêu thương kỳ cục của họ, hai là tôi sẽ phải rời xa để tránh bị tổn thương lúc đã mỏi mệt trong mòn mỏi chờ đợi sự đổi thay.

Tôi thà là người ta bỏ tôi mà đi, tôi thà là cô đơn một mình còn hơn là ở bên cạnh mà yêu thương tôi kiểu suốt ngày chì chiết một chiều. Mặc kệ người ta gọi đó là gì, tôi vẫn nghĩ đó không phải là tình yêu thực sự, đó chỉ là sự nhân danh. Nhiều người đã từng cãi với tôi, tôi chấp nhận cái lý của họ vì nhiều người nghĩ vậy, tôi chẳng thể chống lại, nhưng quan sát thực tế cho thấy chẳng có người nào vui nổi khi đã bị ngã đau mà còn bị chửi mắng cả. Rõ ràng không ai muốn bị chỉ trích, phán xét, trách móc mà ai cũng muốn được thấu hiểu, chia sẻ, động viên, giúp đỡ. Ấy vậy mà cứ có cơ hội là chỉ trích, phán xét, lên giọng ngay rồi bảo đó là yêu thương, quan tâm, thậm chí còn ngụy biện bảo đó là… bản năng yêu nó thế!

Làm thế nào để học yêu thương đúng cách? Ta có thể liệt kê ra nào là cần có sự cảm thông, sự thấu hiểu, kiến thức, hiểu biết, v.v. nhưng tôi nghĩ trước tiên hãy học cách ngừng cái việc nhân danh tình yêu thì lúc đó mới biết thế nào là tình yêu thực sự và tình yêu thực sự vốn dĩ đã là tình yêu đúng cách rồi.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: