Học sinh chúng ta đang (phải) học để thi, luyện thi, học tiếng Anh… rất chăm chỉ. Đôi khi ngẫm thấy tội cho học sinh, vừa thi xong ngoảnh đi ngoảnh lại đã lại… thi. Triền miên bài tập, đề cương. Bố mẹ và giáo viên thì chỉ chăm chăm xem được bao điểm, có được học sinh giỏi hay không mà chẳng quan tâm thực sự con mình học cái gì, có ích gì cho bản thân, điểm đó có thực chất không… Nhưng đọc sách thì sao, học sinh chúng ta đang đọc sách thế nào?

Ở Việt Nam, kiếm số liệu thống kê rất khó khăn. Giáo sư, tiến sĩ nhiều nhưng ít người làm nghiên cứu chuyên tâm, các viện thì mải chạy theo đề tài nhà nước đặt hàng, các bộ ngành thì không quan tâm và chỉ thích con số đẹp. Nên ví dụ muốn tìm bao nhiêu trường có thư viện, mỗi thư viện có bao nhiêu sách, bao nhiêu trường có giờ đọc sách dành cho học sinh, cuốn sách nào học sinh đọc nhiều nhất là… chịu.

Ở Nhật thì khác, cứ hai năm Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ lại tổ chức một cuộc điều tra toàn quốc đối với cả ba loại hình trường (công lập, quốc lập, tư thục) để tìm hiểu, làm rõ tình hình đọc sách của học sinh. Xin giới thiệu kết quả năm 2016:

1. Về số lượng sách thư viện các trường có:

– Ở tiểu học kết quả điều tra ở 19. 604 trường cho thấy các thư viện ở đây sở hữu 174.870.000 cuốn sách (174 triệu 870 ngàn cuốn).

– Ở trung học cơ sở kết quả điều tra ở 9.427 trường cho thấy họ có 101.670.000 (101 triệu, 670 ngàn cuốn).

2. Về hoạt động đọc sách:

– Các trường thực hiện giờ đọc sách đồng loạt cho tất cả các lớp: tiểu học (97.1%), trung học cơ sở (88.5%), trung học phổ thông (42.7%).

Nên không ngạc nhiên khi Nhật có trên 100 triệu dân mà đến giờ có 25-26 người giật giải Nobel trên hầu khắp lĩnh vực (còn thiếu giải Nobel Kinh tế). Văn hóa phẩm, hàng hóa Nhật bành trướng khắp thế giới. Người Nhật đi hầu hết các nước chỉ cần dùng hộ chiếu là đủ.

Đấy là ví dụ thực chứng cho thấy nếu giáo dục chỉ thích lấy thành tích thi cử và luyện thi làm trọng tâm và thích thú với thi cử thì chỉ tạo ra những người thi giỏi mà thôi.

Nên để và khuyến khích học sinh đọc sách đặc biệt là ở cấp 1, 2. Đọc, thực nghiệm, trải nghiệm, suy nghĩ, biểu đạt, cải tiến, sáng tạo… là cách thức làm cá nhân và dân tộc trưởng thành.

Chưa thấy dân tộc nào trưởng thành nhờ vào thi trong lịch sử cả.

Đọc sách Nhật thì thấy chỉ có người nước ngoài khen giáo dục Nhật còn người Nhật thì chê, chỉ trích không tiếc lời. Nhiều người tưởng bở. Nhưng đấy là cách để nước Nhật hùng cường!

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: