Vào thế kỷ 17, 18 thời Chúa Nguyễn, Hội An là thương cảng sầm uất, giao thương nhộn nhịp với các khu phố dành cho người nước ngoài, được đánh giá là thương cảng tiêu biểu của châu Á.

Thương cảng Hội An bị tàn phá

Sự phát triển của Hội An có thể nói là gắn liền với sự hưng suy của Chúa Nguyễn. Đến thế kỷ 18, Đàng Trong đã hoàn toàn khác, quyền thần Trương Phúc Loan thao túng khiến Đàng Trong suy sụp. Lợi dụng tình thế đó, quân Tây Sơn nổi lên. Nhân lúc này, Chúa Trịnh cũng cho quân vào nam.

Lợi dụng Chúa Nguyễn bị quân Chúa Trịnh đánh cho khốn đốn, năm 1775, quân Tây Sơn chiếm Quảng Nam. Nhận thấy quân Trịnh cũng đang tiến đến Quảng Nam, Chúa Nguyễn rút khỏi Quảng Nam để quân Tây Sơn và Chúa Trịnh đụng độ nhau ở đây.

Hội An là Thương cảng sầm uất trù phú, quân Tây Sơn và quân Chúa Trịnh đến nơi đây thì tha hồ cướp bóc và tàn phá khiến nơi đây trở nên tiêu điều.

Một bức thư năm 1775 của Halbout đã ghi nhận:

“…Quân nổi loạn đã cướp bóc, cướp phá chẳng nương tay, đến nỗi các tỉnh Cham cứ 20 người thì có 19 người chết vì bị đầy đọa khổ sở. Các giáo khu ở Hàn và Cầu Né đều không còn… Năm ngoái, ở Bầu Nghé từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch số giáo dân bị giết đến sáu trăm người… Ở một nơi khác cũng thời gian ấy, ít nhất có đến 1500 giáo dân bị giết. Suốt hai năm ròng gần như quanh tôi lúc nào cũng có người chết và hấp hối…”

(“Thư của các giáo sĩ thừa sai”, 2013, Nguyễn Minh Hoàng dịch,
NXB Văn học Hà Nội, trang 232 – 233).

Một người Anh là Charles Chapman đã phải thốt lên rằng:

“Khi tới Hội An, thành phố lớn này chẳng còn lại là bao những khu phố được quy hoạch quy củ với những ngôi nhà xây bằng gạch, đường lát đá, mà chỉ thấy một cảnh hoang tàn làm cho ta cảm thấy xót xa. Trời ơi, những công trình ấy bây giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức mà thôi.”

(Fukukawa Yuichi, trang 29)

Nhiều người Hoa giàu có đã di cư tránh nạn. Dù sau đó Hội An đã được xây dựng lại nhưng không thể phục hồi, những khu phố sầm uất đã không còn, nhiều thương gia chứng kiến cảnh tàn phá cướp bóc cũng sợ hãi không dám quay lại.

Nhà nghiên cứu Tạ chí Đại Trường dẫn lời Linh mục Labartette miêu tả tình trạng tương tự tại khu vực này: Ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) không còn một con heo, gà, vịt, đường cát trước kia sản xuất rất nhiều nay biến mất, tiền mất giá một quan còn giá trị độ một đồng, tình trạng đói khổ ăn xin xuất hiện phổ biến trong xứ.

Đến thế kỷ 19, Cửa Đại ngày càng bị thu hẹp lại và con sông Cổ Cò cũng bị phù sa bồi lấp, khiến các thuyền lớn không thể ghé vào cảng Hội An được nữa. Triều đình nhà Nguyễn còn đưa ra một số chính sách hạn chế giao thương với phương Tây. Hội An dần suy thoái và không còn là thương cảng tiêu biểu của châu Á nữa.

Phố cổ Hội An

Ngày nay, thương cảng Hội An nổi tiếng một thời chỉ còn lại 2 km² phố cổ ở phường Minh An với những con đường ngang dọc giao nhau.

Những công trình kiến trúc còn lại nổi bật có chùa Cầu. Ngoài ra là hội quán của người Hoa như Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quỳnh Phủ và Hội quán Triều Châu. Còn có miếu thờ Quan Công, sát ngôi miếu này là Bảo làng Lịch sử Văn hóa Hội An (trước đây là chùa Quan Âm của dân làng Minh Hương).

Cau Nhat Ban 2
Chùa Cầu phố cổ Hội An (Ảnh: Dalbera, Flickr, CC BY 1.0)

Hầu hết các ngôi nhà ở Hội An ngày nay đều có từ trước thời kỳ thuộc Pháp, từ lúc hình thành vào đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18. Chúng có kiến trúc cổ và độ bền cao. Các di tích nơi đây phản ảnh các giai đoạn khác nhau của thương cảng xưa, tiêu biểu là những bến thuyền, giếng nước, chùa chiền, đền miếu, đền thờ tộc và các thương điếm.

Hội An: Từ thương cảng bị tàn phá đến phố cổ ngày nay (P2)
(Ảnh: Hien Phung Thu, Shutterstock)

Theo thống kê tháng 12/2000, Hội An có 1.369 di tích, trong đó hơn 1.100 dich tích ở phố cổ Hội An với 1.068 ngôi nhà cổ, 11 giếng nước  cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ Thần, 23 Đình và 1 cây cầu (theo “Hội An – Di sản thế giới”).

Xuất phát từ ý tưởng của kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski, từ năm 1998, chính quyền Hội An tổ chức lễ hội đêm rằm vào tối 14 âm lịch hàng tháng, thời gian từ 17 giờ đến 22 giờ. Vào giờ lễ hội, tất cả các ngôi nhà, hàng quán, tiệm ăn đều tắt điện, toàn bộ khu phố cổ chìm trong ánh sáng của trăng rằm và những ngọn đèn lồng, không gian lung linh huyền ảo đầy màu sắc. Tại các điểm di tích, các hoạt động ca nhạc, trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, đành bài chòi, thả hoa đăng… được tổ chức.

Hội An cũng có nhiều lễ hội khác nhau, lễ hội nào trùng vào ngày rằm thì càng thêm náo nhiệt phong phú với các hoạt động hóa trang, múa lân, vịnh thơ… Khách thập phương đến đây như được sống trong đô thị phồn hoa vào nhiều thế kỷ trước.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: