Xu hướng thứ ba là tư nhân hóa giáo dục (privatization). Ví dụ tiêu biểu là chuyện ta có thể thấy sự mở rộng của home-school ở Mỹ. Home-school là “trường học” được lập ra ở gia đình, là chế độ tiếp nhận hỗ trợ chi phí công đối với chi phí nhân sự dành cho giáo viên (gia sư), và được nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp sau khi học xong chương trình giáo dục được quy định. Ở ý nghĩa đó, home-school là biến thể của freeschool nhưng có đặc trưng là triệt để hơn về “tính tư nhân”.

Phong trào “home-school” đã ra đời với tư cách như là phong trào thành lập trường học tại gia đình của những phụ huynh ở những địa phương không có trường tư thục ở gần nhà và hiện nay nó được công nhận như là một chế độ ở tất cả các bang của Mỹ. Chế độ này mở rộng rất nhanh chóng. Vào cuối những năm 1970 có hơn 1 vạn người theo học home-school nhưng đến năm 1995 đã vượt qua 50 vạn người.

Ở nước ta, những năm gần đây những tiếng nói đòi hỏi thực hiện home-school mà trung tâm là các cha mẹ có con cự tuyệt trường học ngày một dâng cao. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ từ năm 1992 đã thực hiện biện pháp cho phép chuyển đổi những ngày học sinh đến học tại các cơ sở giáo dục được quy định gọi là “lớp học thích ứng” dành cho các học sinh cự tuyệt trường học thành những ngày đi học thông thường nhưng người dân đòi hỏi biện pháp này phải được mở rộng tới cả học tập tại gia đình. Ở đây, sự phổ cập của giáo dục đa phương tiện cũng làm cho phong trào home-school thêm sôi nổi. Không gian mạng của giáo dục trường học được kết nối bởi hệ thống máy tính đã biến chuyện không cần đến trường vẫn có thể hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định thành có thể về phương diện kĩ thuật.

Tuy nhiên, home-school mang trong mình nó không chỉ vấn đề ứng phó với những học sinh cự tuyệt trường học trong thực tế. Đó là vấn đề mang tính nguyên lý-chúng ta sẽ xây dựng mối quan hệ giữa tính tư nhân và tính công cộng (trường tư thục và trường công lập, giáo dục gia đình và giáo dục trường học) như thế nào.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tính tư nhân và tính công cộng hoàn toàn không đơn giản. Bởi vì không thể nói rằng do nó là trường học do Ủy ban giáo dục quản lý cho nên đã thực hiện được tính công cộng. Nếu nói về thực trạng của nước Mỹ thì trong bối cảnh trong thực tế khu vực cư trú được phân chia bởi sự khác biệt về chủng tộc, giai cấp thì nếu như đánh giá “tính công cộng của trường học” với tiêu chuẩn là sự cân bằng về giai cấp, chủng tộc thì hài hước thay, ta lại có thể nói rằng các trường tư thục thuộc hệ thống trường công giáo là những trường có “tính công cộng” cao nhất. Ngoài ra, nếu như xác định “tính công cộng của trường học” dựa trên tiêu chuẩn là chủ nghĩa dân chủ trong mục đích và nội dung giáo dục thì có thể nói trường học theo chủ nghĩa tiến bộ thuộc khối trường tư vốn kế thừa truyền thống chủ nghĩa cách tân sẽ là những trường có “tính công cộng” cao. Không thể nói các trường công lập được vận hành bằng ngân sách công luôn thực hiện được “tính công cộng” và cũng không thể nói rằng do đó là home-school mà nó phá hủy “tính công cộng”.

Trong cải cách ở Mỹ những năm gần đây, người ta đã hỗ trợ nhóm thiểu số có nguyện vọng vào học trường tư thục; hoặc là để đảm bảo tự do lựa chọn trường học của phụ huynh, các trường tư thục (Charter School) được vận hành bằng tiền hỗ trợ từ ngân sách đã được phổ cập trên toàn quốc. “Charter School” là phương thức được ra đời ở bang Minesota năm 1991 nhưng nó đã nhanh chóng phổ cập và trên toàn nước Mỹ đã có gần 1000 trường công lập chuyển sang phương thức này hoặc được thành lập mới. “Charter school” mặc dù cũng là ví dụ cho “tư nhân hóa giáo dục công” nhưng mặt khác cũng có thể nói nó đã thúc đẩy “tính công cộng của trường tư thục” ở điểm tính tự trị của trường học được hỗ trợ bằng ngân sách công. Mối quan hệ giữa “tính công cộng” “tính tư nhân” cần phải tái định nghĩa lại theo tình hình phức tạp như trên.

Ngoài ra, trong cải cách trường học ở Mỹ, trong khi tư nhân hóa giáo dục công tiến triển cũng không thể bỏ qua xu hướng cải cách mở rộng lĩnh vực công của trường học. Bối cảnh đằng sau là tình hình nghiêm trọng của sự gia tăng nghèo đói và đổ vỡ gia đình. Những trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ đẻ đã giảm xuống còn một nửa và những trẻ em nghèo đói nhận trợ cấp xã hội đã vượt qua 20% tổng số trẻ em trong độ tuổi đi học. Việc bảo đảm quyền lợi của trẻ em đang khổ sở vì nghèo đói và ly hôn đã trở thành một trong những nghĩa vụ trung tâm của trường công lập. Ví dụ như có xu hướng gia tăng số ngày học và giờ học chủ yếu ở các trường học công lập ở đô thị, ngay cả trong dịch vụ bữa ăn bán trú thì ngoài bữa ăn trưa (25 vạn người), còn mở rộng tới cả bữa ăn sáng (khoảng 50 triệu người) và cung cấp các bữa ăn miễn phí cho những trẻ em nghèo.

Hơn nữa, liên quan tới sự cân bằng giữa giáo dục trường học và giáo dục gia đình thì khi xem xét ở phương diện quốc tế cũng không có sự đồng thuận ổn định. Ở Pháp từ sau năm 1989, số ngày đi học đã giảm từ 180 ngày xuống còn 140 ngày và thực hiện cuộc cách mạng “trả lại trẻ em về với gia đình”. Tuy nhiên ở Mỹ thì ngược lại, do cần thiết phải bảo hộ trẻ em khỏi sự đổ vỡ của gia đình và địa phương, nâng cao năng lực học tập cho nên người ta đã bàn luận về cuộc cải cách tăng số ngày học (180 ngày) lên tương đương với Nhật Bản (220 ngày).

Cuộc cải cách chuyển về chế độ học 5 ngày/tuần ở nước ta cũng được xúc tiến bởi logic tương tự ở Pháp, tuy nhiên đừng bỏ qua một sự thật là ở nước ta, cũng giống như Mỹ, đổ vỡ gia đình đang tiến triển với tốc độ nhanh hơn đổ vỡ trường học.

Trích từ “Niềm vui học tập” của giáo sư Sato Manabu
Nguyễn Quốc Vương dịch

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: