Người xưa tin rằng, kiếp này hai người xa lạ có thể đến bên nhau, là do nhân duyên từ tiền kiếp, nhờ mệnh trời xếp đặt, được cha mẹ đồng ý mà kết nghĩa vợ chồng. Trong ân ái vợ chồng thì “ân” đứng trước “ái”, giữa vợ chồng, thì “ân” (ơn) được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái” (yêu) cũng có lý tính, vì thế mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến già.

Hôn nhân truyền thống: Hàm nghĩa sâu xa của ân ái vợ chồng
(Ảnh minh họa: Shin Sang Eun, Shutterstock)

Tục ngữ có câu: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân, trăm ngày vợ chồng tình nghĩa còn sâu hơn biển”. Giữa vợ chồng không chỉ có tình cảm mà quan trọng hơn còn có một chữ “ân” (恩 – ơn, ân huệ). Người hiện đại không biết nhân quả nên thường đàm luận nhiều đến chữ “ái”. Nhưng chữ “ân” là do chữ “nhân” (因 – nhân quả) đặt trên chữ “tâm” (心 – trái tim) mà ra. Vợ chồng đến với nhau là do duyên nợ tiền kiếp, đời này hai người nâng đỡ lẫn nhau, không xa rời, không bỏ quên, cứu giúp nhau lúc hoạn nạn, đó là “ân” nghĩa vợ chồng.

Giữa vợ chồng cần biết ơn nhau, “nam cảm nữ ân”, “nữ cảm nam ân”.

“Nữ cảm nam ân” bởi vì trong hôn nhân, người vợ nhận được sự yêu thương, quan tâm và bảo vệ của người chồng. Người phụ nữ xưa khi được gả đến nhà chồng là hoàn toàn giao phó cuộc đời cho người chồng, tin tưởng vào người chồng. Không chỉ cô gái mà cả cha mẹ và gia đình cô cũng tin tưởng vào người chồng mà cô được gả làm vợ. Cho nên, người chồng có trách nhiệm với cuộc đời người vợ, đồng thời phải giữ tín nhiệm giữa vợ chồng, có vậy mới xứng với sự cảm ân của người phụ nữ.

“Nam cảm nữ ân” bởi vì người vợ là người chủ nội, có vị thế quan trọng nhất trong gia đình. Cổ ngữ có câu: “Con trai lớn mà không có vợ thì của cải không có chủ”. Khi đã là vợ chồng rồi thì người vợ trở thành người quản gia. Vào thời xưa, khi người chồng làm quan thì người vợ cất giữ con dấu, bởi vì thời xưa làm quan mà đánh mất con dấu thì có thể phạm tội chém đầu. Theo lẽ này, người chồng đã mang tính mạng của mình giao cho người vợ, đây chẳng phải là cái ân rất lớn mà người vợ đã làm cho người chồng sao?

Vợ chồng là sự hòa hợp giữa Trời và Đất, là sự bổ trợ giữa âm và dương. Trong hôn nhân, “thiện duyên” của vợ chồng là thời khắc gìn giữ, không phóng túng dục vọng, không vì tình ái mà đánh mất chí hướng. Vợ chồng nên ôn hòa, thanh tâm quả dục, nam cương nữ nhu, cùng hỗ trợ để kế thừa cơ nghiệp tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái.

Còn khi phải giải quyết các “ác duyên”, vợ chồng nên nhìn nhận lại bản thân, không tranh đấu làm phương hại lẫn nhau, không vì sắc đẹp mà phản bội, không vì phú quý mà vứt bỏ chí khí, không vì gặp họa mà chia lìa, nhẫn nhịn thì có thể cải biến tất cả.

Người xưa viết chữ “ái” (愛) gồm có chữ “Thụ” (受 – tiếp nhận, nhận lấy, chịu đựng) được tách ra để một chữ “Tâm” (心 – trái tim) xen vào giữa. Có nghĩa là khi hai người yêu thương nhau, họ sẽ nhận lấy tình cảm của đối phương, hơn nữa còn phải tiếp nhận những điều hay dở của đối phương, bao dung đối phương. Tình cảm ấy cũng được giấu kín, kìm nén ở trong lòng, như trái tim chen lẫn ở giữa, không phô trương lộ liễu.

Sau cách mạng văn hóa, chữ Ái (爱) đã không còn thấy chữ “tâm” (心 – trái tim) ở giữa nữa, chỉ có chữ “Hữu” (友 – bạn bè) gắn ở dưới. Tình yêu không dựa trên sự thấu hiểu và bao dung thì chỉ còn là sự thỏa mãn bản thân, là sự kết giao bạn bè có thể dễ dàng chia tách. Nếu hai người không có lý trí và đạo đức vững chắc làm nền tảng, thì dẫu trên bề mặt là đang yêu nhau say đắm, nhưng tình yêu ấy sẽ không trọn vẹn ý nghĩa và bền lâu.

Vào thời xa xưa, nam nữ khi chưa vái lạy Trời Đất, tổ tiên, chưa được sự đồng ý của cha mẹ, mà đã sinh sống cùng nhau, thì bị coi là việc trái với luân thường đạo lý. Bởi vì đó là đặt “ái” lên trên “ân” Trời Đất, “ân” cha mẹ. Đã đặt “ái” lên trên “ân” rồi thì trong cuộc sống tương lai sẽ rất khó mà có thể giữ được ân nghĩa vợ chồng nữa.

“Không có ai thân thiết bằng anh em ruột thịt, không có ai gần gũi bằng vợ chồng kết tóc phu thê”. Đối với hầu hết mọi người mà nói, thành công lớn nhất không ngoài sự thành công của hôn nhân, hạnh phúc lớn nhất không ngoài hạnh phúc gia đình, tình cảm đẹp nhất không gì ngoài tình cảm vợ chồng. Cũng bởi vì duy trì được “ân ái” trên nền tảng đạo đức mà vợ chồng “bách niên giai lão”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: