Giúp Đại Việt đánh bại đại quân Mông Cổ, Hưng Đạo Vương không chỉ có tài thao lược, mà còn là người tận trung với Triều đình và Giang Sơn Xã Tắc. Dù các Vua Trần sau này gọi ông là Thượng Phụ nhưng ông vẫn luôn giữ đúng lễ bầy tôi.

Hưng Đạo Vương: Tấm lòng trung trinh sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt
(Ảnh minh họa: Trí Thức VN)

Cha của Hưng Đạo Vương là An Sinh Vương Trần Liễu, anh của vua Thái Tông, vốn có hiềm khích với nhà Trần. Nguyên nhân là bấy giờ Triều đình nhà Trần chờ mãi không thấy Chiêu Thánh hoàng hậu có thai, trong khi đó vợ của Trần Liễu là bà Thuận Thiên lại đang mang thai được 3 tháng.

Lo nhà Trần không có người nối dõi dòng chính, Thái sư Trần Thủ Độ ép bà Thuận Thiên đến làm vợ của vua Thái Tông, tức ép Vua phải lấy chị dâu đang mang thai. Sự việc này khiến nhà Vua và anh mình là Trần Liễu đều phản đối kịch liệt.

Trần Liễu mất vợ bất bình, đem đội gia binh tiến vào Kinh thành, nhưng sự việc bất thành, phải nhờ em mình là vua Thái Tông che chở mới thoát chết. Vì sự việc này mà An Sinh Vương uất ức trong lòng, trước khi mất đã trăn trối với con trai là Hưng Đạo Vương rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

Sau này khi nắm binh quyền trong tay, có người nhắc lại mối thù nhà, Hưng Đạo Vương cảm thấy không an tâm về thế hệ sau. Vậy là ông đem việc ra hỏi để thử lòng mọi người.

Ông hỏi hai tướng giỏi thân thiết lúc đó là Yết Kiêu và Dã Tượng về chuyện này, hai vị tướng đáp rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu”.

Nghe xong Hưng Đạo Vương rất cảm động và hài lòng về những gia nô trung thành của mình, muốn xem ý các con mình thế nào, ông hỏi Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”. Quốc Hiến thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ”.

Hưng Đạo Vương cho là phải, rồi hỏi người con khác là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Thế nhưng Quốc Tảng lại cho rằng nên nắm lấy thời cơ mà có được thiên hạ: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.”

Hưng Đạo Vương nổi giận rút gươm toan chém đứa con này, nhờ mọi người can ngăn, ông thay đổi ý định nhưng từ đó kiên quyết không gặp Quốc Tảng, thậm chí dặn dò sau này ông chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Tảng vào viếng.

Năm 1285 quân Nguyên lần thứ 2 xâm lược Đại Việt, phía bắc 50 vạn hùng bình rầm rộ tiến xuống, 20 vạn quân của Toa Đô sau khi sa lầy ở Chiêm Thành từ phía nam đánh ngược lên. Đại Việt 2 đầu thọ địch, tình thế như ngàn cân treo sợi tóc.

Thượng Hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông phải rút lui trước giặc mạnh, Hưng Đạo Vương đi theo phò giá. Là người giữ chức tổng chỉ huy quân đội, nắm giữ mọi kế sách chống giặc, nếu Hưng Đạo Vương thực hiện theo lời trăn trối của An Sinh Vương Trần Liễu khi xưa thì rất dễ dàng, vì thế nhiều người nhìn Hưng Đạo Vương với ánh mắt nghi ngại, nhất là khi Hưng Đạo Vương chống chiếc gậy có bịt sắt nhọn.

Thấy thế Hưng Đạo Vương liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi, hành động đó cũng chính là câu trả lời cho sự trung trinh ngay thẳng của ông.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết về sự tận tụy trung thành của Hưng Đạo Vương như sau:

“Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử, như hào cửu tứ của quẻ Tùy (quẻ trong kinh dịch) thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy.”

Trước vận nước như nghìn cân treo sợi tóc, vua Trần hội họp Triều đình trong hoàn cảnh vừa rút lui, khuôn mặt tai cũng lo âu, không nhìn thấy niềm tin. Vua Trần thấy thế trong lòng có phần chán nản liền nói một câu: “Hay là nên hàng”. Trần Quốc Tuấn đã khẳng khái nói ngay: “Xin bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã rồi hãy hàng”.

Câu nói của vị Quốc Công Tiết Chế khiến triều đình vực dậy niềm tin. Quả nhiên Trần Quốc Tuấn bằng tài thao lược của mình dần dần lấy lại thế trận, rồi chủ động tấn công đánh bại đại quân Mông Cổ.

Hưng Đạo Vương là người có công lớn nhất trong cả 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, vì thế mà Triều đình ban cho ông là “Thượng Quốc công”, được tự ý phong tước cho người khác, duy từ tước Hầu trở lên thì được quyền phong trước tâu sau. Tuy nhiên cả cuộc đời Hưng Đạo Vương chưa bao giờ tự ý phong tước cho ai, luôn giữ là bề tôi trung thành.

Dù không tự ý phong tước cho ai, nhưng những người mà Hưng Đạo Vương tiến cử đều là những bậc kỳ tài vào lúc đó như gia nhân của ông lúc đó là Dã Tượng, Yết Kiêu. Ngoài ra còn có Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực, họ đều là thuộc tướng hoặc môn khách của ông.

Danh tiếng của Hưng Đạo Vương vang vọng, nhà Nguyên khi nói về ông đều gọi là “An Nam Hưng Đạo Vương” mà không nói thẳng tên. Các đời vua Trần sau này đều gọi ông là Thượng Phụ, nhưng Hưng Đạo Vương rất khiêm nhường, không bao giờ lạm quyền, luôn giữ lễ nghĩa là bầy tôi trung thành.

Trần Khánh Dư là một tướng tài nhưng vì phạm tội với Hưng Đạo Vương nên bị Triều đình tuyên phạt, cắt hết chức tước. Khi đại quân Mông Cổ kéo sang, Triều đình có ý phục chức cho Trần Khánh Dư, Hưng Đạo Vương cũng không can thiệp vào chuyện này, thậm chí trọng dụng Trần Khánh Dư, giúp vị tướng này lập công lớn đánh chìm 70 vạn thạch lương, khiến 50 vạn quân Mông Cổ phải khốn đốn vì thiếu lương thực. (Xem bài: Chuyện Trần Khánh Dư trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông)

Là người trung thành với Triều đình, Hưng Đạo Vương cũng răn dạy binh sĩ của mình như vậy. Trong “Hịch tướng sĩ” ngay từ đầu ông đã lấy những câu chuyện về trung thành để làm tấm gương cho binh sĩ:

“Ta thường nghe Kỷ Tín đem mình chết thay cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào không có?”.

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng tháng 6/1300, Hưng Đạo Vương ốm nặng do tuổi cao, vua Trần Anh Tông đến thăm, lo lắng nếu lỡ Hưng Đạo Vương chẳng may mất, mà quân Nguyên lại kéo sang thì phải làm sao.

Hưng Đạo Vương biết mình tuổi cao khó qua khỏi liền tâu rằng:

“Ngày trước Triệu Võ (Triệu Đà) dựng nước, Vua nhà Hán sai quân sang đánh, bấy giờ, dân thì phá hết hoa màu ở đồng nội, quân thì kéo sang, dùng đoản binh tập hậu mà đánh phá châu Khâm, châu Liêm và châu Trường Sa. Đó là một thời kỳ.

Đến đời nhà Đinh, nhà Lê thì dùng người hiền tài. Lúc ấy phương Nam đang mạnh, phương Bắc đang suy, trên dưới một dạ, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại cũng là một thời kì.

Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn. Lúc ấy, dùng Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều phen đánh đến tận Mai Lĩnh, ấy là có thế lực mạnh.

Vừa rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây. Lúc ấy, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức nên giặc phải chịu bó tay. Đấy là lòng trời xui khiến.

Quân giặc cậy vào trường trận, ta cậy ở đoản binh, đem đoản binh chống trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải cân nhắc cho kĩ, giá thử quân giặc tràn sang như gió như lửa thì có thể chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay thì mình phải dùng tướng giỏi, xem tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà thì mới có thể chiến thắng được.

Vả lại, phải khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: