Ghi chép sớm nhất về dân Lạc tại Giao Chỉ có thể được tìm thấy trong quyển Thuỷ Kinh Chú [水經注], một tác phẩm thời Bắc Nguỵ về sông ngòi tại Trung Hoa. Thuỷ Kinh Chú đã trích dẫn Giao Châu Ngoại Vực Ký như sau:

《交州外域記》曰:交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。縣多為雒將,雒將銅印青綬。

《Giao Châu Ngoại Vực Ký》viết: Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có ruộng lạc [雒田], ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực [墾食] ruộng ấy, nên gọi là lạc dân [雒民]. Lập ra lạc vương [雒王], lạc hầu [雒侯], coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có lạc tướng [雒將], lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh.

Giao Châu Ngoại Vực Ký là một tác phẩm ở thế kỷ thứ 3 hoặc 4, nay đã thất truyền. Đoạn văn được Thuỷ Kinh Chú trích lại trên có nhắc đến lạc điền [雒田], lạc dân [雒民], lạc vương [雒王], lạc hầu [雒侯], lạc tướng [雒將], nhưng lại không nhắc đến Hùng Vương.

Thái Bình Quảng Ký [太平廣記] thời Tống có lẽ là tác phẩm sớm nhất còn tồn tại có nhắc đến Hùng Vương. Thái Bình Quảng Ký trích lại Nam Việt Chí [南越志] như sau:

“交趾之地頗爲膏腴,徙民居之,始知播植,厥土惟黑壤,厥氣惟雄,故今稱其田為雄田,其民為雄民,有君長亦曰雄王,有輔佐焉亦焉曰雄侯,分其地以為雄將。(出南越志)”

“Đất Giao Chỉ màu mỡ. Di dân đến đấy ở. Bắt đầu biết gieo trồng. Đất ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh. Nên nay gọi ruộng ấy là hùng điền [雄田], dân ấy là hùng dân [雄民]. Có quân trưởng gọi là hùng vương [雄王]. Có phụ tá gọi là hùng hầu [雄侯], phân chia đất cho hùng tướng [雄將]. (Từ Nam Việt Chí)”

Nam Việt Chí là tác phẩm ở thế kỷ thứ 5, viết sau Giao Châu Ngoại Vực Ký khoảng 1-2 thế kỷ. Không quá khó để có thể thấy rằng Nam Việt Chí đã tham khảo Giao Châu Ngoại Vực Ký, rồi biến lạc điền thành hùng điền, lạc dân thành hùng dân, lạc vương, lạc hầu, lạc tướng thành hùng vương, hùng hầu, hùng tướng. Và từ đấy cụm từ “Hùng Vương” ra đời.

Suy nghĩ về truyền thống Hùng Vương
(Ảnh minh họa: Trí Thức VN tổng hợp)

Từ lâu nhiều học giả vẫn cho rằng chữ 雒 (lạc) đã bị chép nhầm thành 雄 (hùng). Nhưng đây có phải là một sự nhầm lẫn vô tình? Hay là một sự thay đổi cố tình từ tác giả?

Từ lạc 雒 trong Giao Châu Ngoại Vực Ký vốn không có nghĩa, nó chỉ là một cái tên, có thể bắt nguồn từ ngôn ngữ địa phương, từ gốc là gì thì chưa rõ. Nhưng từ hùng 雄 trong Nam Việt Chí lại có nghĩa, là hùng mạnh. Và tác giả đã viết thêm đoạn đầu – “Đất ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh” – để giải thích cho từ hùng điền, hùng dân, hùng vương, hùng hầu, hùng tướng.

Rõ ràng đây là một sự thay đổi có chủ ý, không đơn thuần là sao chép nhầm.

Tác giả của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hẳn đã đọc cả hai văn bản này, và đã quyết định trộn lẫn thông tin từ cả hai:

“雄王之立也建國號文郎國 […] 置相曰貉候將曰貉將”

“Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang […] đặt chức tướng [相] là hạc hầu [貉候], chức tướng [將] là hạc tướng [貉將]”

Tác giả ĐVSKTT đã sử dụng cụm từ “hùng vương” từ Nam Việt Chí, và cụm từ “lạc hầu”, “lạc tướng” từ Giao Châu Ngoại Vực Ký, song biến chữ lạc [雒] thành hạc [貉], để khớp với Hạc trong Hạc Long Quân [貉龍君]. Chữ hạc [貉] này ngày nay lại được đọc thành lạc.

Thế nhưng ĐVSKTT lại không nói Hùng Vương được truyền 18 đời. An Nam Chí Lược đời Trần càng không.

Chi tiết 18 đời này xuất hiện trong một tác phẩm khác, đó là Việt Sử Lược [越史略]:

“至周莊王時,嘉寧部有異人焉,能以幻術服諸部落,自稱碓王,都於文郎,號文郎國。以淳質爲俗,結繩爲政,傳十八世,皆稱碓王。”

“Đến thời Chu Trang Vương, bộ Gia Ninh có người lạ [dị nhân 異人], dùng huyễn thuật [幻術] quy phục các bộ lạc, tự xưng đối vương [碓王], đóng đô ở Văn Lang, hiệu là Văn Lang Quốc. Lấy thuần chất làm tục, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền 18 đời, đều xưng là Đối Vương [碓王]”

Việt Sử Lược là một tác phẩm khuyết danh được cho là hoàn thành vào cuối đời Trần. Có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam có nhắc đến 18 đời vua. Nhưng các vua này được gọi là Đối Vương [碓王]. Các bản dịch quốc ngữ ngày nay đều chuyển chữ đối [碓] thành Hùng [雄], thiếu trung thực với bản gốc.

Chi tiết 18 đời cũng xuất hiện trong An Nam Chí Nguyên đời Minh, viết trong giai đoạn Minh thuộc. Lần này 18 đời vua được gọi là lạc vương [雒王]:

“水經注交州外 域記交阯昔未有郡 縣時有雒田其田随 水上下墾其田者為 雒民民統其民者為 雒王其下有雒侯雒 將號文朗國以淳樸 為俗以結繩為治傳 十八世”

“Thuỷ Kinh Chú Giao Châu Ngoại Vực Ký [chép] Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện có lạc điền, ruộng ấy theo nước lên xuống, mở ruộng ấy là lạc dân, cai trị dân ấy là lạc vương, dưới có lạc hầu, lạc tướng, hiệu văn lang quốc, lấy thuần phác làm tục, lấy lối thắt gút mà trị, truyền 18 đời.”

Giao Châu Ngoại Vực Ký trích dẫn trong Thuỷ Kinh Chú còn tồn tại đến nay không có chi tiết 18 đời. Chi tiết này có thể xuất hiện ở một nguồn khác, và rõ ràng tác giả An Nam Chí Nguyên đã kết hợp nó với thông tin từ Thuỷ Kinh Chú, cho ra 18 đời lạc vương.

Đến thời Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục lại trộn lẫn thông tin từ nhiều nguồn và cho ra đời câu chuyện về 18 đời hùng vương [雄王] như ta biết ngày nay.

Và đến bấy giờ chữ lạc [雒] ban đầu cũng bị hoàn toàn thay thế bằng chữ hạc [貉] trong Hạc Long Quân [貉龍君] nhưng mọi người vẫn đọc là Lạc.

Trần Thanh Trúc, Phúc Ái Lương, Thiên Ngô
Dịch lại từ bài blog của tiến sĩ sử học Liam C. Kelley, đang giảng dạy ở đại học Hawaii.

Đăng tải dưới sự cho phép của dịch giả

Xem thêm:

Mời xem video: