Từ nhiều năm nay không khí và sinh hoạt Tết cổ truyền ở các đô thị đã có nhiều thay đổi. Trong sinh hoạt gia đình là xu hướng “chuyển dịch” từ truyền thống, hướng nội, sang hiện đại, hướng ngoại. Nếu trước đây ngày Tết mang ý nghĩa đón chào năm mới và sum họp gia đình thì giờ đây ý nghĩa đón chào năm mới đã đến sớm hơn, vào dịp Noel và Tết dương lịch. Đó là vì nhịp sống đô thị và lối sống công nghiệp đã phổ biến ở các thành phố lớn, nơi mà có rất nhiều người nhập cư đến lao động, học tập, làm việc…

Ý nghĩa ngày Tết giờ đây chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ. Còn chuyện ăn uống cúng quảy thì được gia giảm nhiều. Ngày trước lo cho ba ngày Tết phải từ cả tháng trước, chủ yếu lo Ăn Tết: mua trữ nhiều loại thực phẩm gạo nếp, bánh kẹo, măng miến, đậu xanh, bánh tráng, rồi mua rau làm các loại dưa muối… Từ ngày Ông Táo 23 tháng Chạp đã lo mua thịt làm thức ăn sẵn như giò chả, rồi mấy ngày Tết loay hoay nấu ăn cúng kiếng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng giềng, ít đi chơi xa…

Nhưng bây giờ Ăn Tết, chơi Tết có nhiều dịch vụ về các loại thực phẩm, nhất là ở thành phố thì hầu như không cần phải quá lo lắng đến việc ăn uống, vì chỉ cần có tiền đi siêu thị, đi chợ một buổi là có đầy đủ. Những biểu tượng Tết trong câu ca dao “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì đã mất cây nêu tràng pháo, câu đối gần đây được phục hồi lại với nhiều ông đồ trẻ viết thư pháp chữ Việt nhiều hơn chữ Nho… Hương vị ngày Tết có lẽ không còn cảm giác “ngon” như xưa vì bây giờ thịt mỡ dưa hành bánh chưng mứt kẹo ngày thường muốn ăn lúc nào cũng có.

Hương vị Tết Sài Gòn
(Ảnh: Gia Bảo, Giữa Sài Thành đi tìm nét xuân)

Tất cả những điều đó vẫn làm cho không khí Tết hiện nay có một chút ngậm ngùi… Dường như sự bận rộn của lo lắng, lối sống tình nghĩa thời thiếu thốn, niềm vui ấm áp của sự sum họp… đang mất theo thời gian. Bây giờ người thành phố lo “chơi Tết” nhiều hơn, từ tháng 9 tháng 10 đã tìm tour du lịch Tết mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết vắng hoe, dân tình về quê, đi du lịch trong ngòai nước… Các thành phố trở nên yên tĩnh lạ lùng…

Những thay đổi của Tết thấy rất rõ ở Sài Gòn – một đô thị chịu tác động của “hiện đại hóa” nhanh chóng. Xưa nay người Sài Gòn đều thích đi chơi các dịp Lễ Tết, ra ngoài ăn tiệm, tụ tập bạn bè thường rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Các bà nội trợ thường mua thực phẩm làm sẵn: việc đặt giò chả, bánh chưng bánh tét, các loại bánh mứt đến cả trái cây… ở đây phổ biến từ lâu do lối sống đô thị nên các dịch vụ phát triển sớm. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào ngày Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả hai bên.

Hiện nay, Sài Gòn có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy càng có nhiều quán ăn, đặc sản của các vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác nhau chứ không chỉ có những món truyền thống Nam bộ. Dù nghỉ Tết dài ngày nhưng người nhập cư về quê ăn Tết, khoảng mùng bốn mùng năm lại lên Sài Gòn, chơi vài ngày để chuẩn bị đi làm. Tết cũng là dịp Sài Gòn đón nhiều người Việt sống ở nước ngoài về ăn Tết cùng gia đình. Ngày Tết các khu vui chơi giải trí, rạp phim rạp hát, hàng quán bán như ngày thường, nhiều quán bán ngay từ sáng Mùng Một, “ăn theo” là dịch vụ giữ xe và những hàng rong khác… Tất nhiên, giá cả thì “Tết mà”, có cao hơn chút đỉnh cũng là hợp lý! Bởi vậy Tết còn là dịp “kiếm thêm” của nhiều người, một khía cạnh nào đó có thể coi là sự “phân phối lại thu nhập” (một cách tự phát) trong dịp Tết của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Chính vì vậy có người nói, những phong tục, thói quen được coi là truyền thống đẹp của người Việt mỗi dịp Tết dường như chỉ còn… trên báo Tết chứ đời thường chúng ta đón Tết vội vàng, cái gì cũng ồn ã.

Thật ra đây cũng là “quy luật” của nhiều hiện tượng văn hóa. Những phong tục tập quán cũ dần dần chỉ còn lưu lại trong ký ức thế hệ trước rồi lưu truyền cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống giữ nguyên tất cả phong tục cũ vì có những điều không phù hợp, không thuận tiện cho đời sống hiện đại. Bảo tồn truyền thống không phải là luôn giữ nguyên nếp sống xưa lối sinh hoạt cũ. Cái gì không phù hợp thì tự cuộc sống sẽ thay thế và xuất hiện những “truyền thống” mới, còn sinh hoạt lối sống xưa cũ sẽ được lưu lại trong sách vở, báo chí, phim ảnh, bảo tàng… bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại cho thế hệ sau biết về quá khứ.

Tuy nhiên, những ngày Tết vẫn là thời gian ký ức truyền thống quay về hiện hữu với mỗi người mỗi gia đình. Đó là sinh hoạt gia đình đầm ấm, là lễ nghĩa với ông bà tổ tiên, là tình tương thân tương ái với người nghèo khó… Những điều ấy ở Sài Gòn đã không mất đi dù đô thị này có thay đổi “hiện đại” đến thế nào…

Nguyễn Thị Hậu

Đăng lại từ Facebook tác giả: Hậu Kc Nguyễn

TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả được yêu mến của nhiều cuốn sách về Sài Gòn như “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Nghĩ ngợi đường xa”, “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”, v.v.. Mời bạn đọc tham khảo thêm tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: