Thanh danh và tôn quý của một người đến từ đạo đức cao thượng, chân tài thực học. Nó không đến từ cưỡng cầu bằng những thủ đoạn bất chính mua danh chuộc tiếng. Đây chính là đạo lý mà cổ nhân nhắc đến: “Hữu đức tự nhiên hương”.

Hữu đức tự nhiên hương: Thanh danh, tôn quý đến từ đức hạnh
(Tranh: Lưu Tùng Niên, thời Tống, Public Domain)

Đạo đức là phạm trù tồn tại từ lâu đời. Xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều, quan niệm của con người cũng đã thay đổi, nhưng tiêu chuẩn đạo đức làm người thì không thể thay đổi theo. Dù ít hay nhiều, tiêu chuẩn làm người vẫn luôn tồn tại trong tâm của mỗi người, là tiêu chuẩn để đánh giá tốt xấu, đúng sai. Cho dù người ta cố ý giẫm đạp lên tiêu chuẩn này thì cũng hiểu được đạo lý trong đó. Bởi vì lương tâm luôn tồn tại trong mỗi người, chỉ là nó có vị trí quan trọng hay không mà thôi. Nếu ở một người, lương tâm luôn chiếm vị trí chủ đạo thì đó là người coi trọng đạo đức. Nếu trong một người mà tà niệm chiếm cứ vị trí chủ đạo thì tiêu chuẩn đạo đức của người ấy cũng trượt dốc theo.

Con người sống trong xã hội, luôn phải có các mối quan hệ với người khác hoặc một quần thể người khác. Nếu rời xa xã hội, người ấy sẽ rất khó sinh tồn. Giữa người với người trong xã hội, ngoài việc phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật ra thì còn phải chịu sự điều chỉnh của quy phạm đạo đức. Hơn nữa, quy phạm đạo đức còn quan trọng hơn rất nhiều.

Tiêu chuẩn đạo đức cao hay thấp thường thể hiện rõ ràng nhất ở vấn đề lợi ích giữa người với người. Khi một cá nhân chiếm hữu lợi ích cho mình, việc họ có suy nghĩ đến lợi ích của người khác, lợi ích của chỉnh thể, lợi ích của xã hội hay không sẽ thể hiện ra người đó có đạo đức hay không. Luôn cân nhắc đến lợi ích của người khác là hành vi đạo đức cao thượng. Hại người lợi mình, thậm chí vì để tổn hại lợi ích của người khác mà sẵn sàng làm điều bất lợi cho cả bản thân, thì đó là hành vi vô đạo đức.

Tiêu chuẩn đạo đức của một người liên quan đến nhân phẩm của người ấy, đồng thời cũng là “nhãn hiệu” của người ấy. Nó có quan hệ trực tiếp đến thanh danh của người ấy. Người có đạo đức cao thượng, người chú ý tu dưỡng đạo đức thì tự nhiên đức cao vọng trọng, có uy tín lớn đối với người khác. Họ tự nhiên cũng được người khác tôn trọng và kính nể.

Trái lại, người không chú trọng đạo đức, làm gì cũng vì lợi ích cá nhân, mọi việc đều nghĩ đến bản thân mình trước, dựa vào tổn hại người khác để thỏa mãn dục vọng của bản thân mình, thì sẽ không được mọi người kính trọng, nể phục. Trong xã hội, những người như vậy thật khó có thể được nhiều người tán thành, ủng hộ và giúp đỡ. Bậc quân vương mà không coi trọng đạo đức thì cuối cùng cũng bị mất thiên hạ, lưu tiếng xấu muôn đời.

Đạo đức cao thấp không tỷ lệ thuận với trình độ học vấn. Nó thể hiện ra ở ngay mỗi lời nói, hành vi, cử chỉ của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày. Quan có đức của quan, dân có đức của dân. Bất luận là làm quan, là người có địa vị cao hay chỉ là dân thường, có địa vị không cao trong xã hội, thì làm việc gì cũng phải tuân thủ đạo đức.

Người làm quan cần phải thanh chính liêm khiết, bảo vệ công đạo, cần chính vì dân, đặt lợi ích của trăm dân lên trên hết. Người làm dân cần phải nhiệt tâm giúp người làm việc tốt, hành thiện tích đức, làm nhiều việc thiện việc nghĩa. Người nào có thể kiên trì làm như vậy trong thời gian lâu, dần dần tự nhiên sẽ có được thanh danh và tôn quý.

Có câu tục ngữ rất hay rằng: “Ai sau lưng không bị nói, ai sau lưng không nói người?” Mỗi người đều có quyền bình phán người khác. Bởi vậy, thanh danh của bản thân mình là do chính phẩm đức của mình tạo dựng nên, thật khó để cưỡng cầu sự đánh giá từ người khác.

Một người mà không tắm rửa sạch sẽ, thì có miễn cưỡng sức nước hoa lên người cũng khó có được mùi thơm thanh khiết. Một người không dựa vào chân tài, thực học, không có đạo đức cao đẹp thực sự mà dựa vào lừa dối gạt người, muốn mua danh chuộc tiếng thì cũng khó mà có được thanh danh, càng khó để trở thành người tôn quý.

Xưa nay, một người có đạo đức cao thượng, có tài năng thực sự thường không tự nói, càng không khoa trương về tài hoa và năng lực của bản thân mình. Nhưng cho dù họ không tự nói hay khoe khoang ưu điểm và sở trường của mình thì phẩm đức cao thượng của họ cũng tự nhiên được mọi người tôn kính và ca ngợi. Người có phẩm đức cao quý ấy giống như hoa lan vậy, tuy rằng mọc ở trong núi sâu, không ai biết đến nhưng vì dung mạo xinh đẹp cao quý, lại tỏa hương thơm ngát, nên ai nấy đều biết đến, ai nấy đều quý trọng.

Thời cổ đại, những người đại đức có tài năng xuất chúng tuy rằng ít giao du bên ngoài, nhưng người tìm đến nhà kết giao cũng không thiếu. Có nhiều người dù không thể hiện tài năng, không muốn tham gia việc triều chính nhưng vẫn được các đời vương giả, hoàng đế nhiều lần mời gọi.

Nhân sinh “hữu đức tự nhiên hương”, tu dưỡng đạo đức đối với một cá nhân là điều vô cùng quan trọng, đây vừa là lời răn, vừa là đạo lý nhân sinh sâu sắc.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: