Im lặng thực sự có sức mạnh vĩ đại, xua đi hận thù, bất bình, oán hận. Người xưa nói, “im lặng là vàng”. Tuy nhiên im lặng cũng có thể là tiếp tay cho tội ác, thừa nhận cái ác, khiến người tốt phải chịu khổ. Vậy chúng ta nên im lặng như thế nào?

Im lặng, sức mạnh hay lạnh lùng
(Ảnh: PopTika, Shutterstock)

Khi nào thì chúng ta nên im lặng? Đó là khi chúng ta cần nhìn lại bản thân mình. Ví như khi bị xem nhẹ, bạn đừng nên nói lời oán giận. Khi bị nhục mạ, bạn đừng nên nói lời xằng bậy vô nghĩa. Khi được khen ngợi, bạn đừng nên hoan hỉ mà nói lời ngạo mạn. Còn khi người khác có gì vui, hãy chú ý tới tâm ghen tị của mình mà tránh rêu rao lời đồn đại. Gặp những điều ấy, thì đúng là chúng ta nên im lặng…

Tại sao vậy? Vì mọi việc đều có nguyên nhân của nó, và điều đáng quý nhất của con người là biết tự nhìn lại bản thân mình để trở thành một người tốt hơn. Nếu bạn oán giận người xem nhẹ mình, có phải là tấm lòng bạn cũng chẳng hề rộng rãi? Nếu bạn cãi nhau với người ta, có phải bạn đang đặt mình ngang với họ? Gặp chuyện không vui trong cuộc đời chưa hẳn đã là việc không tốt, vì bạn đã có được cơ hội tự hoàn thiện bản thân mình.

Im lặng chính là lúc bạn cảm nhận nhiều hơn về các sự việc, hiểu rõ nguyên nhân – kết quả, nhìn rõ những gì bản thân làm chưa tốt. Im lặng cũng là cách để bạn thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện, khiến sự xao động trở nên bình tĩnh, khiến những cảm xúc tiêu cực chợt mất hút chẳng còn.

Nhà hiền triết Socrates từng thừa nhận rằng: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Ấy là vì tri thức tựa như biển rộng, còn những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước trong đại dương. Người ta chỉ nên nói về những điều mình biết rõ, và giữ thái độ cởi mở, im lặng, tôn trọng lắng nghe đối với những thứ bản thân chưa được tiếp xúc hoặc còn mơ hồ. Nếu như bạn nhất thiết cho rằng quan điểm của mình chẳng hề có chỗ sai sót, thì chẳng phải bạn đã trực tiếp đóng cánh cửa tri thức lại hay sao?

Im lặng cũng cho con người ta cơ hội suy ngẫm, nhờ đó mà có được những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ. Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng thì đừng phá khoảng riêng của họ, vì sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

Nhưng im lặng không có nghĩa là không nói gì khi ai đó đang trò chuyện với bạn. Im lặng không có nghĩa là thụ động, dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Im lặng không đúng cách cũng sẽ làm cho người ta nghi ngờ lẫn nhau, khiến lòng tin giữa người với người giảm sút. Im lặng cũng không có nghĩa là hèn nhát trước cái ác, sợ bị “tai bay vạ gió”, sợ bị liên lụy đến lợi ích bản thân mình mà không dám nói lời công đạo.

Martin Luther King đã từng nói, “Sự bất công ở bất cứ đâu là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi”. Nhưng mấy ai là hiểu được lời nói đó? Nếu im lặng vì lợi ích bản thân, thì chính là đang tiếp thêm sức mạnh cho cái ác. Lẽ ở đời, tiếp sức cho cái ác, cái ác sẽ quay lại làm hại bạn.

Trong cuốn “Tận Tâm”, Mạnh Tử viết: “Điều con người không học mà biết đó là lương năng. Điều không nghĩ mà biết đó là lương tri”. “Không nghĩ” ở đây không phải là không suy xét gì, mà ý Mạnh Tử là lương tri không phải thứ chịu ảnh hưởng của những suy nghĩ ích kỷ, bảo vệ bản thân, cũng không chịu ảnh hưởng của những quan niệm đắn đo này khác. Thấy chết mà không cứu, thấy điều nhiễu nhương mà im lặng, thấy tội ác mà tỏ ý nghi ngờ, ấy không phải là lương tri vậy.

Thanh Phong

Xem thêm:

Mời xem video: