Công ty Gốm Kyoto mới ra đời quả là nghèo nàn, trụ sở đóng tại một nhà kho cũ mượn được, nhân sự chỉ có 28 người. Những người bỏ tiền và thậm chí cả thế chấp nhà để trợ giúp Inamori Kazuo như ông Miyaki và ông Nishieda đã đoán rằng phải mất vài năm công ty mới có thể ăn nên làm ra…

Có lời ngay từ năm đầu

Do học về kỹ thuật, không có kinh nghiệm kinh doanh quản lý nên Inamori Kazuo phải nhờ một người khác đứng tên làm giám đốc, còn mình làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, tuy nhiên thực tế ông vẫn phải nắm toàn quyền công ty.

Trong hoàn cảnh khó khăn tứ bề, không có kinh nghiệm, thì Inamori Kazuo nhớ lại những điều đầu tiên mà cha mẹ dạy bảo ông lúc còn thơ ấu: không nói dối, không tham lợi, thành thực, chính trực, suy nghĩ xem làm người thì việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Cuối cùng ông phát hiện rằng khi áp dụng những nguyên lý này thì mọi việc đều trở nên rất đơn giản.

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng hiệu quả của việc áp dụng những nguyên lý phổ quát đó lại thật bất ngờ. Năm 1960 tức chỉ 1 năm sau khi hoạt động, công ty đã tổng hợp thành công vật liệu gốm để chế tạo các linh kiện chất bán dẫn transistor vốn được thế giới sử dụng rộng rãi để chế tạo những bộ phận chính yếu trong các sản phẩm điện tử như radio, tivi…

Công ty Gốm Kyoto trở nên rất uy tín không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, nhận được hàng loạt các đơn đặt hàng từ công ty Microelectronics Hồng Kông, Fairchild Hoa Kỳ, v.v..

Đến năm 1965 thì linh kiện Ceramics Rod của Công ty Gốm Kyoto được Công ty Texas Instruments Hoa Kỳ chọn sử dụng vào việc chế tạo máy điện toán lập trình cho tàu vũ trụ Apollo.

Vượt qua yêu cầu khắt khe của IBM, gia nhập nhóm công ty hàng đầu thế giới

Năm 1966, IBM đặt hàng Công ty Gốm Kyoto làm 25 triệu bảng vi mạch Substrate (IC board). Do IBM là công ty hàng đầu và uy tín trên thế giới nên yêu cầu tiêu chuẩn độ chính xác rất cao, các thiết bị của Công ty Kyoto chưa thể đáp ứng được yêu cầu chính xác cao đến thế, chính vì vậy Inamori Kazuo quyết định nâng cấp các thiết bị của mình.

Cũng vào thời điểm này, Inamori Kazuo chính thức nhận chức giám đốc công ty dù đã điều hành mọi hoạt động của công ty ngay từ đầu. Ông đổi tên công ty từ Gốm Kyoto thành Kyocera.

Inamori Kazuo: Huyền thoại của giới kinh doanh Nhật Bản (P2)
Trụ sở tập đoàn Kyocera tại Fushimi-ku, Kyoto, Nhật Bản (Ảnh: J o., Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Lô hàng đầu tiên của Kyocera đã bị trả về toàn bộ vì không đáp ứng được yêu cầu của IBM. Mặc dù vậy Inamori Kazuo không nản chí. Ông cùng các cộng sự của mình tiếp tục nghiên cứu lại toàn bộ để cho ra lô sản phẩm mới. Không phụ lòng người, lô hàng tiếp theo được phía IBM chấp nhận.

Mặc dù bước đầu thành công nhưng công ty đứng trước thử thách lớn khi phải hoàn thành 25 triệu sản phẩm đúng hạn cho phía IBM, trong khi quy mô của công ty lại chưa đủ lớn đến thế. Inamori Kazuo cùng công nhân phải làm việc 3 ca không có ngày nghỉ, cuối cùng đã hoàn thành công việc giao sản phẩm đúng hạn.

Kết quả IBM đánh giá cao sản phẩm vi mạch của Kyocera, và sử dụng chính sản phẩm này để tạo ra dòng máy tính chủ lực của IBM xuất khẩu khắp thế giới. Sau thành công này doanh thu của công ty từ 500 triệu yên vượt lên 10 tỷ 50 triệu yên mỗi năm, từ đó quy mô và tầm vóc của Kyocera cũng tăng vượt bậc.

Vượt qua được tiêu chuẩn khắt khe của IBM cũng đồng nghĩa là sản phẩm của Kyocera đáp ứng tốt tất cả các tiêu chuẩn. Các hãng điện tử khắp Nhật Bản đều nghĩ tới Kyocera như một lựa chọn chất lượng cao nhất.

Kyocera phát triển thần tốc, đến năm 1971 thì công ty gia nhập thị trường chứng khoán New York với mã TYO và đường hoàng gia nhập nhóm các công ty hàng đầu thế giới.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: