Sau khi Inamori Kazuo đưa Kyocera phát triển thần tốc thì đến năm 1971, công ty gia nhập thị trường chứng khoán New York với mã TYO và đường hoàng gia nhập nhóm các công ty hàng đầu thế giới. Lúc này Inamori Kazuo muốn mở rộng lĩnh vực hơn nữa…

Quyết định đối đầu với người khổng lồ

Ở Nhật Bản, công ty Điện thoại Điện tín nhà nước Denden Kosha (hiện nay là NTT) độc quyền thị trường dịch vụ điện thoại nội địa, khiến giá cước điện thoại đắt đỏ hơn so với thế giới. Nhưng không một ai dám đứng ra thành lập công ty viễn thông điện thoại vì lo lắng rủi ro khi phải đối đầu với người khổng lồ Denden Kosha.

Năm 1983, Inamori Kazuo quyết định đầu tư vào viễn thông, nhằm cung cấp sản phẩm giá rẻ hơn cho người Nhật. Trong cuộc họp Hội đồng quản trị, ông đề nghị đầu tư 100 tỷ để thành lập Công ty viễn thông Daini-Denden (hiện nay là KDDI).

Việc đầu tư vào viễn thông này chẳng khác nào khiêu chiến với Denden Kosha. Việc có thêm công ty cạnh tranh nhằm giảm bớt giá và giảm độc quyền là điều mong muốn của nhiều người. Nhưng thử nhìn vào thực tế thời điểm ấy: Công Denden Kosha có doanh thu lên đến 40.000 tỷ yên mỗi năm, số nhân viên là 330.000 người, có cơ sở hạ tầng và mạng lưới điện thoại khắp toàn Nhật Bản. Trong khi đó Công ty Kyocera có doanh thu 2.200 tỷ yên mỗi năm, nhân viên có 11.000 người, không có hạ tầng. Điều này cho thấy chênh lệch giữa hai công ty là rất lớn.

Dù lo lắng, nhưng cuối cùng Hội đồng quản trị vẫn đồng ý với khoản đầu tư mạo hiểm, đặt niềm tin vào Inamori Kazuo do phẩm chất chân thành của ông, và sau những thành công vang dội của Công ty Kyocera.

Cội nguồn quyết tâm của Inamori Kazuoz

Dù đã được Hội đồng quản trị đồng ý nhưng trước sự chênh lệch lớn giữa hai công ty, Inamori Kazuo không khỏi lo nghĩ. Ông chia sẻ trong cuốn sách “Ứớc mơ của bạn nhất định thành hiện thực” (Your Dream Will Become True) rằng:

“Đêm nào cũng như đêm nào, tôi luôn thao thức trước khi ngủ, tự chất vấn lòng mình: Động cơ lập công ty điện thoại mới của mình có trong sáng thật không? Tâm địa mình có thật sự “thiện” không? Hay chỉ vì mình muốn chơi trội? Muốn được lưu danh? Có thực sự vì lợi ích của người dân hay chỉ là nói miệng thế thôi?…

Suốt nửa năm trời, kể cả những lúc trở về nhà sau bữa rượu tàn, tôi vẫn cứ lặp đi lặp lại trong lòng những lời tự vấn như vậy. Chỉ sau khi biết chắc lòng mình, ý chí mình gây dựng sự nghiệp này hoàn toàn vì lợi ích của người dân, vì lợi ích của xã hội và không mảy may dao động, tôi mới quyết định đặt chân vào con đường này.”

“Làm điều thiện gặp thiện báo”

Năm 1984, công ty viễn thông Daini-Denden được thành lập. Thời đấy chưa có điện thoại di động mà chỉ có hình thức phôi thai là điện thoại gắn trên xe ô tô. Inamori Kazuo quyết định tiến thẳng đến làm dịch vụ phục vụ điện thoại di động và bị Hội đồng quản trị phản đối, chỉ có một thành viên duy nhất ủng hộ ông.

Dù vậy ông vẫn tiến hành làm dịch vụ cho thị trường điện thoại di động và được Bộ tài chính cấp phép. Tuy nhiên thời điểm đó cùng lúc có 2 công ty xin làm dịch vụ thoại di động nên Bộ Tài chính phân ra 2 vùng thị trường cho 2 công ty mới tham gia: Vùng thị trường thứ nhất nối thủ đô Tokyo đến thành phố Nagoya, nơi đây tập trung hầu hết các thành phố lớn, thị trường thứ hai là những nơi còn lại.

Vì thị trường thứ nhất đương nhiên tốt hơn thị trường thứ hai rất nhiều, nên cả hai công ty đều muốn có được. Các cuộc đàm phán đã diễn ra, và công ty còn lại nhất quyết muốn có thị trường tốt hơn.

Inamori Kazuo xem lại tâm thái của mình và nhớ đến mục đích thật sự của mình là để phục vụ người dân, và ông đã nhường thị trường thứ nhất lại cho công ty kia trước sự tức giận của những người đã ủng hộ thành lập công ty. Họ trách mắng ông bằng những lời lẽ nặng nề, nhưng ông vẫn không thay đổi quan điểm của mình.

Inamori Kazuo phát triển dịch vụ thoại Au của mình, còn công ty bạn ra dịch vụ thoại IDO.

dien thoai au 1
Một cửa hàng điện thoại Au ở Osaka. (Ảnh: Kirakirameister, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Kỳ lạ thay, Au ngày càng phát triển và đến năm 2000 thì sáp nhập được luôn IDO, vốn được nhường thị trường tốt hơn. Sau sáp nhập, Inamori Kazuo đổi tên công ty Daini-Denden thành Tập đoàn viễn thông KDDI. Từ đó điện thoại Au ngày càng phát triển, cung cấp dịch vụ cho người Nhật. Thương hiệu Au vươn lên ngang hàng với thương hiệu Docomo của người khổng lồ Denden Kosha.

Inamori Kazuo đã lựa chọn đúng, ông mạo hiểm phát triển dịch vụ viễn thông vô tuyến với mục đích phục vụ người dùng, nhưng lại sẵn lòng nhường lại thị phần tốt hơn cho đối thủ. Cuối cùng như người xưa vẫn nói, “làm điều thiện gặp thiện báo”, công ty của ông đã không đánh mất điều gì mà còn nhận được thứ lớn hơn.

Inamori Kazuoz ước muốn trở thành một nhà sư

Thành công với 2 công ty lớn nhưng Inamori Kazuo vẫn luôn không quên trải nghiệm tuổi thơ của mình (xem phần 1). Những gì ông học được trong suốt quá trình dẫn dắt hai công ty trở thành tập đoàn lớn đã củng cố thêm niềm tin của ông vào sự tồn tại của một cảnh giới sinh mệnh cao hơn.

Inamori Kazuo dự định trước là khi đến 60 tuổi sẽ theo cửa Phật, nghiên cứu Phật Pháp, trở thành một nhà sư. Thế nhưng khi đến 60 tuổi, công việc ngập đầu khiến kế hoạch của ông đành dời lại.

Đến năm 65 tuổi, ông quyết định thu xếp ổn thỏa mọi việc nhằm có thời gian cho việc tu hành. Thế nhưng đúng lúc này bác sĩ lại cho biết ông bị ung thư dạ dày và phải phẫu thuật sớm. Và thế là ngày dự định vào chùa trở thành ngày ông lên bàn mổ ở bệnh viện.

Dù đã cắt bỏ 2/3 dạ dày nhưng khối u vẫn tái phát khiến ông phải tái nhập viện với sự đau đớn.

Cuối cùng khi được ra viện, Inamori Kazuo đã quyết định không thể để vuột mất cơ hội nữa, ông trở thành một nhà sư với pháp danh Đại Hòa.

Sau này trong một cuộc phỏng vấn, Inamori Kazuo chia sẻ rằng: “Quyết định trở thành một nhà sư là một kết quả tự nhiên có được thông qua nhiều năm mong muốn đề cao tâm linh, tu dưỡng tâm tính và nuôi dưỡng triết lý của bản thân tôi.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: