Inamori Kazuo từng quay trở lại thương trường Nhật Bản vào năm 2010. Ở tuổi 77, ông đã cứu Japan Airlines thoát khỏi cuộc khủng hoảng phá sản. Ông đã làm điều này như thế nào?

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines (JAL) là hãng hàng không kinh doanh tầm cỡ thế giới cả ở mảng vận tải hành khách và hàng hóa, với chất lượng dịch vụ nổi tiếng, và là hãng có số lượng máy bay Boeing 747 nhiều nhất lịch sử lúc bấy giờ.

Sau khi qua giai đoạn đỉnh cao, JAL cổ phần hóa vào năm 1987. Tuy nhiên JAL càng ngày càng đi xuống, chính phủ Nhật đã phải nhiều lần tung tiền ra cứu tập đoàn nhưng vẫn không được. Đến năm 2010, số nợ của JAL lên đế 21,8 tỷ đô-la và phải nộp đơn xin phá sản.

Chính phủ Nhật nhận lại JAL, xóa một số khoản nợ và bơm tiếp vào đây số tiền 8 tỷ yên, hy vọng cứu được JAL nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng kinh doanh. Việc tìm vị trí lãnh đạo cho JAL cũng rất khó khăn.

Việc chính phủ Nhật nhiều lần tung tiền ra cứu một doanh nghiệp như JAL cũng vấp phải nhiều sự phản đối, bởi lúc đó người Nhật còn có sự lựa chọn từ hãng hàng không Nhật Bản khác. JAL giống như một đứa “con cưng” được nuông chiều và từ đó gây thiệt hại cho các hãng hàng không khác.

Cuối cùng Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản cùng Tập đoàn Sáng kiến Doanh nghiệp Nhật Bản quyết định tìm gặp “huyền thoại sống” của giới doanh nhân Nhật lúc bấy giờ là Inamori Kazuo, mời ông về làm lãnh đạo nhằm cứu JAL.

Embed from Getty Images

Lúc này Inamori Kazuo đã 77 tuổi và đã thôi việc kinh doanh. Sau khi được Bộ trưởng nhẫn nại kiên trì thuyết phục nhiều lần, cuối cùng Inamori Kazuo quyết định đứng ra vực dậy JAL để giúp chính phủ.

Đến JAL với tâm thái như vậy, Inamori Kazuo đã cương quyết từ chối không nhận lương. Đồng thời ông đưa ra một cuộc cải tổ mạnh mẽ, giảm 16.000 nhân công, cắt giảm chi phí, chuyển đổi thị trường và dừng nhiều đường bay không hiệu quả. Ông đã thực hiện rất kiên quyết và mạnh tay những việc này, tạo nên một cuộc “thay da đổi thịt” trong JAL.

Đồng thời trong lúc đó, chính phủ Nhật Bản đã thương lượng với Inamori Kazuo, một lần nữa bơm lượng lớn tiền cứu JAL và đưa ra ưu đãi cực lớn về thuế cho JAL trong những năm tiếp theo.

Inamori Kazuo chia sẻ với các nhân viên về sứ mệnh và tầm quan trọng của JAL đối với đất nước, cũng yêu cầu đặt chất lượng phục vụ cũng như hành khách lên hàng đầu. Ngoài ra với quan điểm “con người quan trọng hơn của cải”, ông cải thiện phúc lợi cho nhân viên và xem đây là điều quan trọng nhất. Ông cũng tổ chức các cuộc chia sẻ để lãnh đạo hiểu nhân viên của mình cần gì, đồng thời cũng để nhân viên biết được những khó khăn mà lãnh đạo gặp phải. Từ đó ông gỡ được những vướng mắc trong quản lý công ty. Ông đã đưa cách quản lý của mình ở Kyocera và KDDI áp dụng cho JAL. Với việc áp dụng cung cách quản lý kinh doanh dựa trên đạo đức, Inamori Kazuo đã thành công trong việc cải tổ JAL.

Nhờ khả năng vận hành của Inamori Kazuo, JAL đã có thể trở lại sàn chứng khoán vào năm 2012, trở thành công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) lớn thứ 2 trên thế giới cùng năm này, chỉ sau Facebook.

Một số nguồn quy công cho Inamori Kazuo đã giúp JAL có lợi nhuận cực cao, năm tài chính 2011-2012 lợi nhuận JAL là 2,4 tỷ đô la, cao nhất thế giới trong ngành hàng không. Kỳ thực lợi nhuận này phần lớn đến từ sự trợ giúp của chính phủ và đợt phát hành cổ phiếu.

Tất nhiên, việc cải tổ khiến JAL vận hành bình ổn chắc chắn là công của Inamori Kazuo, một người tốt nghiệp cử nhân hóa học và không qua trường lớp quản trị kinh doanh nào, chỉ áp dụng nguyên lý đạo đức và kinh nghiệm mà ông đúc kết ra được.

Trong thời gian điều hành JAL, Inamori Kazuo cũng đầu tư thêm máy bay đời mới Boeing 787 Dreamliners và mở thêm các tuyến bay đến Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Phi.

Khi JAL đã ổn định và vững mạnh rồi, năm 2013 Inamori Kazuo xin được rời khỏi công ty. Ông vẫn được xem là cố vấn danh dự của JAL.

Inamori Kazuo chia sẻ rằng đạo đức kinh doanh của ông có thể tóm gọn lại là: “Sống với chính mình, làm điều đúng đắn một cách đúng đắn theo đúng nghĩa con người.”

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: