Thời cổ đại, những thiếu nữ hiền thục được gọi là “khuê tú”, gian phòng mà họ ở được gọi là “khuê các”. Người con gái khi chưa lấy chồng không thể tùy tiện ra ngoài, cuộc sống thông thường đều tập trung ở khuê phòng kín đáo và họ cũng được dạy bảo rất nhiều tri thức.

Khí chất của những thiếu nữ danh môn khuê tú thời xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong bài thơ “Tiết Bảo Thoa đích thi”  (Hồng Lâu Mộng) có viết: “Trân trọng phương tư trú yểm môn”, nâng niu dung mạo xinh đẹp, cho dù là ban ngày cũng đóng cửa, không tùy tiện dễ dàng xuất đầu lộ diện. Đây chính là mô tả về các thiếu nữ khuê tú. Người con gái xuất thân từ danh môn khuê các thời xưa, hầu hết đều trải qua thời gian học tập rất lâu dài. Nhờ đó mà họ mới trở thành những người có khí chất hiền lương tài đức, có tri thức, hiểu biết lễ nghĩa. Những khí chất này được dưỡng thành không phải đơn giản ngày một ngày hai.

Thời xưa, các thiếu nữ có thể bồi dưỡng khí chất thông qua sự bảo ban của cha mẹ, còn những gia đình khá giả sẽ mời nữ gia sư đến để dạy dỗ riêng. Thời Minh Thanh, các nữ gia sư như vậy còn được mời đến mở lớp dạy tất cả các thiếu nữ trong gia đình, gia tộc, để họ có thể trở thành những người phụ nữ dịu dàng, hiền lương và đức hạnh.

Trong sách “Lễ Ký. Nội tắc” viết rằng: Các thiếu nữ từ sau mười tuổi không được tùy tiện ra khỏi cửa, cần phải giáo dưỡng ở khuê phòng, có phó mẫu (nữ gia sư) đến nhà dạy bảo sao cho cử chỉ dịu dàng, lễ độ, dung mạo đoan trang. Ngoài ra họ còn phải học cách dệt vải, may áo, xe sợi và rất nhiều quy tắc về hiến tế điển lễ.

Nội dung mà các thiếu nữ học tập chủ yếu gồm bốn khía cạnh chính là đức, dung, công, ngôn.

Đức là chỉ tính nết hiền lương thục đức. Để học điều này, nữ nhi thời xưa phải học các cuốn điển tịch như “Nữ hiếu kinh”, “Nữ phạm tiệp lục”“Nữ luận ngữ”.

Dung là dung mạo phải thanh nhã trinh tĩnh (đoan trang tao nhã, thanh khiết, trầm tĩnh).

Ngôn tức là lời nói phải nhu uyển (vừa mềm mại vừa dịu dàng khéo léo). Sau khi được gả chồng thì người phụ nữ phải biết ứng đối khác nhau với người bề trên và người bên dưới hay khách nhân, không thể không phân biệt thân phận.

Công là chỉ việc nữ tử phải biết chuẩn bị đồ ăn thức uống, biết dệt vải may vá thêu thùa…

Cuộc sống của người xưa chính là “nam canh nữ chức”, tức là toàn xã hội đều là đàn ông ra ngoài cày ruộng, đàn bà ở nhà dệt vải. Nam là chủ ngoại quản việc bên ngoài, nữ là chủ nội quản việc trong nhà. Vì thế những nét văn hóa của người phụ nữ phần nhiều có liên quan đến việc dệt vải, từ hái dâu, nuôi tằm, dệt vải, nhuộm vải, cắt may, thêu thùa… Trong “Kinh thi” có rất nhiều bài thơ miêu tả cảnh hái dâu, như “Thập mẫu chi gian hề, tang giả nhàn nhàn hề”, tức là trong một rừng dâu rộng lớn, ở đó có rất nhiều phụ nữ đang hái lá dâu. Trong bức họa “Đảo luyện đồ” của danh họa Trương Huyên thời nhà Đường chúng ta có thể gặp cảnh tượng nữ nhân quý tộc đang may, làm phẳng quần áo. 

Người phụ nữ thời cổ đại đều biết thêu. Các hoàng hậu thời cổ đại cũng tự mình thêu thùa, bởi vì đây là một trong những tiêu chuẩn trọng yếu để đánh giá người phụ nữ hiền đức. Chính vì thế, người phụ nữ thời xưa mỗi ngày đều thường ở trên lầu thêu hoa và lầu này được gọi là tú lầu.

Ngoài học đức, dung, công, ngôn ra, bởi vì những người kết hôn với thiếu nữ danh môn khuê tú đều là con của những danh môn vọng tộc, nên những cô gái này còn cần học các môn nghệ thuật cầm, kỳ, thư, họa. Những cô gái này sau khi được gả chồng không chỉ có thể sắp xếp được cuộc sống gia đình mà ở phương diện tinh thần cũng có thể câu thông được với người chồng của mình, giống như nữ thi nhân Lý Thành Chiếu và chồng là thái thú Triệu Minh Thành. Vợ chồng bà có thể nói là một mối nhân duyên tốt đẹp nhất thời Bắc Tống. Đôi tài tử cùng nhau xướng hoạ thơ từ, chỉnh lý văn chương, sống một đời thanh tao u nhã. Hay thư pháp gia nổi tiếng thời nhà Nguyên, Triệu Mạnh Phủ và vợ là danh môn khuê tú Quản Đạo Thăng. Hai vợ chồng họ vô cùng tinh thông thư pháp và hội họa, luôn kết hợp và cùng nhau đối thơ, vẽ tranh, là mẫu mực về tình cảm vợ chồng.

Người phụ nữ thời cổ đại nếu không thông hiểu lịch sử và sách cổ, không hiểu rõ được đúng sai phải trái thì không thể trở thành một người vợ có trí tuệ có thể trợ giúp cho người chồng được. Cho nên cổ nhân cũng rất chú trọng đến việc bồi dưỡng trí tuệ cho nữ nhân. Trưởng Tôn hoàng hậu hiền đức thời nhà Đường là một ví dụ.

Trưởng Tôn hoàng hậu là hoàng hậu duy nhất của Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Có một lần, Hoàng đế Đường Thái Tông sau khi hồi cung thì nói rằng tể tướng Ngụy Trưng đã khiến mình rất tức giận, không thể không giết ông ta. Ngụy Trưng là một vị quan can gián, là trung thần nổi danh, rất chính trực, hay nói thẳng, nên có đôi lúc làm Hoàng đế mất thể diện. Hoàng hậu sau khi nghe xong đã vào trong phòng thay một bộ lễ phục long trọng rồi đi ra. Hoàng hậu nói: “Quân minh thì thần thẳng, thiếp nghe nói Hoàng thượng thánh minh thì đại thần mới dám nói thẳng. Ngụy Trưng thẳng thắn như vậy chứng tỏ ông ta cảm thấy được bệ hạ là một Quân vương thánh minh”. Hoàng đế nghe xong những lời này thì lập tức hết giận.

Chính bởi vì có một vị Hoàng hậu hiểu biết và có sự phụ trợ của nhiều vị đại thần chính trực như vậy, Đường Thái Tông mới khai sáng được thời kỳ Trinh Quán thịnh thế trong lịch sử.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: