Cổ nhân nói: “Đọc sử có thể khiến người ta biết nhìn xa trông rộng”. Hoàng đế Đường Thái Tông cũng từng nói: “Mọi người dùng đồng làm gương soi, có thể giúp chỉnh tề trang phục. Lấy lịch sử làm gương, có thể quan sát thấy sự thành bại, thịnh suy của các triều đại”. Sử sách có tác dụng to lớn như vậy một phần rất lớn là nhờ vào khí phách của quan chép sử thời xưa. 

Khí phách của quan chép sử thời xưa
(Tranh: Thị Tần Tiệt Đồ, qua Vision Times tiếng Trung)

Trong tác phẩm “Chính khí ca” nổi tiếng của Văn Thiên Tường, điều đầu tiên ông ca ngợi không phải là các tướng lĩnh hy sinh thân mình nơi chiến trường bảo vệ đất nước, hay những danh thần có công lao to lớn dựng lập quốc gia, mà lại ca ngợi hai vị sử quan nước Tề và nước Tấn. Ông viết: “Tại Tề thái sử giản, tại Tấn Đổng Hồ bút” (Thẻ tre của thái sử ở nước Tề, ngọn bút của Đổng Hồ ở nước Tấn). 

Thời xưa, sử quan là chức quan do một triều đại thiết lập ra để ghi chép lại lịch sử của vương triều. Việc tuyển chọn người làm chức sử quan được tiến hành kỹ lưỡng, khắt khe. Đó phải là người có phẩm hạnh đoan chính, tuyệt đối ngay thẳng, công chính liêm minh. Bởi vì công việc của sử quan là vô cùng quan trọng. Từng câu từng chữ sử quan ghi lại phải dựa trên sự thật, phải là những điều chính xác nhất, chân thật nhất, không vì mục đích xu nịnh vua chúa mà bóp méo sự thật.

Xuyên suốt các triều đại, chức quan này thông thường đều là cha truyền con nối, hoặc anh truyền cho em. Bất kể vương triều có thay đổi hay không, họ sẽ làm quan từ đời này sang đời khác. Họ rất coi trọng đạo đức nghề nghiệp của mình. Cho dù phải đối mặt với cường quyền, sự trả thù hay thậm chí là những uy hiếp đến mạng sống, họ vẫn luôn thủ giữ được khí tiết của mình, không bao giờ nhân nhượng.

Tề thái sử giản” là nhắc đến việc của sử quan nước Tề. Vào thời Chiến quốc, Tề Trang Công bị quan đại phu là Thôi Trữ giết chết. Thôi Trữ lệnh cho Thái sử là Thôi Bá chép lại rằng Tề Trang Công bị bệnh mà chết. Nhưng Thôi Bá vẫn chép: “Thôi Trữ giết Vua”. Thôi Trữ liền giết chết Thôi Bá.

Thôi Bá có ba em trai là Trọng, Thúc, Quý. Trọng chép: “Thôi Trữ giết Vua”, Thôi Trữ liền giết Trọng. Thúc chép đúng câu ấy và lại bị giết.

Khi Thôi Quý chép: “Thôi Trữ giết Vua”, Thôi Trữ liền nói với Quý: “Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu này mà bị giết chết, lẽ nào ngươi không tiếc mạng sống sao? Ngươi viết câu này theo đúng ý ta, ta sẽ tha chết cho ngươi.”

Quý ung dung đáp rằng: “Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Dù cho hôm nay thần không viết ra câu này, thì trong thiên hạ nhất định sẽ có người viết lại sự thật này. Do đó thần thà chết vẫn phải viết như vậy, kính mong bệ hạ suy nghĩ kỹ.”

Thôi Trữ đành chịu mà không giết nữa.

Quý trên đường đi đến Sử quán thì gặp Nam Sử thị, cũng là sử quan nước Tề, chặn hỏi. Quý hỏi vì sao ông ta đến đây thì Nam Sử thị đáp rằng: “Tôi nghe nói anh em nhà ông vì khẳng khái, kiên quyết viết đúng sự thật mà đều bị giết chết cả. Do lo không còn người dám hy sinh mạng sống của mình để ghi lại sự việc, vì vậy tôi vội vã cầm thẻ sách đến đây.”

Quý đưa thẻ sách lên cho Nam Sử thị xem, ông ta mới yên tâm.

Còn chuyện “Tấn Đổng Hồ bút” được ghi chép trong “Tả truyện”. Thời Xuân Thu, Tấn Linh Công lên ngôi, trở thành vị vua thứ 26 của nước Tấn nhưng ông ta ngu dốt vô đạo, tàn bạo và hoang dâm. Trong thời gian tại vị, Tấn Linh Công chỉ ham mê ăn chơi, không lo việc triều chính, lại thích đánh thuế nặng để xây cất trang trí cung điện và giết người vô tội.

Tướng quốc của nước Tấn lúc bấy giờ là Triệu Thuẫn một lòng muốn Tấn Linh Công khôi phục lại bá nghiệp thời kỳ Tấn Văn Công tại vị. Vì thế, Triệu Thuẫn đã nhiều lần ra sức khuyên can Tấn Linh Công nên vì đất nước mà suy nghĩ. Nhưng Tấn Linh Công chẳng những không nghe những lời khuyên can ấy mà còn ghi nhớ thù hận trong lòng. Ông ta phái thích khách ám sát Triệu Thuẫn. 

Vị thích khách này cho rằng Triệu Thuẫn là trung thần, không muốn làm chuyện vi phạm lương tâm. Tuy nhiên, nếu không giết chết Triệu Thuẫn thì Tấn Linh Công sẽ không tha cho ông ta. Vì thế, vị thích khách đã chọn cách tự sát để giữ lại mạng sống cho Triệu Thuẫn. Sau khi sự tình xảy ra, Tấn Linh Công vẫn u mê không tỉnh ngộ. Ông ta lại phái người đến mời Triệu Thuẫn tham gia yến tiệc, rồi ngầm phái binh sĩ mai phục bốn phía để giết chết Triệu Thuẫn. Nhưng chuyện này bị vệ sĩ của Triệu Thuẫn là Đề Di Minh biết được nên đã bảo vệ Triệu Thuẫn thoát khỏi hiểm cảnh ấy. 

Về sau, vì để tránh bị hại nên hai cha con Triệu Thuẫn trốn sang nước khác lánh nạn. Trên đường trốn sang nước khác, Triệu Thuẫn gặp Triệu Xuyên, em cùng họ đồng thời là anh rể của Vua Tấn Linh Công. Triệu Xuyên nghe xong đầu đuôi chuyện của Triệu Thuẫn, trong lòng tức giận vô cùng, bèn nói với Triệu Thuẫn chớ sang nước khác vội, hãy đợi trong mấy ngày nữa sẽ rõ tin tức.

Sau khi Triệu Xuyên trở về kinh thành bèn tìm gặp Tấn Linh Công đang dạo chơi ở Đào Viên để phân xử. Nhưng Tấn Linh Công chẳng những không nghe mà còn nặng lời với Triệu Xuyên. Triệu Xuyên đã ra lệnh cho vệ sỹ xông lên giết chết Tấn Linh Công. Triệu Thuẫn nghe tin này lập tức quay trở về và cùng các quan lập chú của Tấn Linh Công là công tử Hắc Đồn lên ngôi, tức Tấn Thành Công. Lúc này Triệu Thuẫn vẫn làm tướng quốc.

Về sau, vì áy náy chuyện vua Tấn Linh Công bị giết, đồng thời muốn biết sử quan đánh giá sự tình này như thế nào, Triệu Thuẫn đã cho gọi Thái sử nước Tấn là Đổng Hồ đến hỏi. Thái sử Đổng Hồ đưa cho Triệu Thuẫn bản ghi chép những sự kiện lớn để Triệu Thuẫn đích thân xem. Triệu Thuẫn nhìn thấy dòng chữ: “Tháng 7 mùa Thu, Triệu Thuẫn giết Vua”. Triệu Thuẫn liền chất vấn Đổng Hồ: “Mọi người đều biết tiên Vương không phải do ta giết. Tại sao sử quan các ngài lại bắt ta phải gánh chịu tội này?”

Đổng Hồ đáp rằng: Ngài thân làm tướng quốc, trốn đi chưa khỏi địa giới nước nhà mà đã có việc giết vua, khi về nước lại không trị tội hung thủ thế thì không phải trách nhiệm của ngài thì còn của ai?” Triệu Thuẫn nghe xong không nói được lời nào đành phải để Đổng Hồ ghi vào sử sách.

Đổng Hồ tôn trọng sự thật lịch sử, có gan cầm bút viết đúng sự thật. Điều này cho thấy ông chính là một sử gia chính trực không sợ quyền thế. Khổng Tử khen ngợi Đổng Hồ: “Thư pháp bất ẩn, cổ chi lương sử”, nghĩa là Đổng Hồ là quan Thái sử tốt thời cổ, chép việc không có giấu giếm.

Trải qua các triều đại, đời này nối tiếp đời kia, quan chép sử không chỉ truyền cho nhau chức trách, nhiệm vụ, mà còn truyền cho nhau tinh thần khẳng khái, vì sự thật lịch sử mà không sợ hy sinh cả tính mạng bản thân. Đây cũng chính là tinh thần bất khuất, nghĩa khí chính trực, cái dũng của người chép sử thời xưa.

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: