Trong thời kỳ Bắc thuộc, các cuộc khởi nghĩa của người Việt nổ ra liên tục, nhiều cuộc khởi nghĩa giành được độc lập cho dân tộc, dù không được trường tồn nhưng lưu lại tấm gương và bài học cho thế hệ sau. Khởi nghĩa Dương Thanh cũng là một trong số đó.

Khởi nghĩa Dương Thanh mang lại độc lập ngắn ngủi cho An Nam
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

An Nam đô hộ phủ cai trị hà khắc

Sau loạn An Lộc Sơn, nhà Đường ngày một suy yếu, đến thời Đường Hiến Tông (805 – 820) thì Triều đình nhà Đường rối ren, quan lại ở các nơi mặc sức hoành hành, An Nam cũng như thế.

Năm 819, Lý Tượng Cổ giữ chức An Nam đô hộ phủ, sử nhà Đường chép rằng: “Lý Tượng Cổ là kẻ tham lam, khắc nghiệt, làm mất lòng dân”.

Lý Tượng Cổ ban hành một loạt các chính sách nhằm vơ vét tài nguyên của cải. Ở đồng bằng thì bắt dân chúng phải khái thác khoáng sản, lâm sản, cống nạp chim thú quý; ở miền biển thì bắt dân phải nộp san hô, ngọc trai, hải sản quý hiếm. Điều này khiến người dân oán thán không thôi.

Lý Tượng Cổ đưa Dương Thanh đến thành Tống Bình

Sự tham lam vô độ của Lý Tượng Cổ bị cản trở bởi các Hào trưởng ở địa phương, những người luôn muốn bảo vệ dân chúng. Uy tín với dân chúng của các Hào trưởng cũng rất lớn.

Nhận thấy sự nguy hiểm của các Hào trưởng, Lý Tượng Cổ tìm cách chia rẽ các Hào trưởng với nhau, đồng thời muốn làm mất lòng tin của dân chúng đối với Hào trưởng. Điều này gây ra sự ngột ngạt và nghi kỵ rất lớn trong xã hội.

Trong các Thứ sử thì Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An ngày nay) Dương Thanh là khó đối phó nhất, ông luôn một lòng chăm lo cho dân chúng vì thế mà dân Hoan Châu ai cũng yêu quý, không dễ gì mà thay đổi được.

Để kiềm chế Dương Thanh, Lý Tượng Cổ liền điều ông đến thành Tống Bình (Thăng Long sau này) làm Nha tướng. Điều này đưa Dương Thanh vào thế rất khó xử. Nếu đồng ý đi thì dân chúng sẽ nghĩ ông hợp tác với nhà Đường, đến thành Tống Bình thì chắc chắn sẽ bị khống chế. Nếu chọn không đi mà ở lại thì Lý Tượng Cổ sẽ lấy lý do bất tuân để tìm bắt và giết.

Cuối cùng Dương Thanh quyết định chọn cách đến thành Tống Bình rồi tùy cơ ứng biến. Trước tháng 10/819, Dương Thanh đến thành Tống Bình.

Cuộc tấn công chớp nhoáng giành lại độc lập cho dân tộc

Dương Thanh vừa đến nhận chức Nha tướng ở thành Tống Bình thì người Choang (người Tráng, tức người Tày Nùng ngày nay) ở Hoàng Động (động Hoàng Chanh, nay thuộc vùng Tây Bắc) nổi dậy chống lại ách đô hộ hà khắc của nhà Đường.

Lý Tượng Cổ sai Dương Thanh đưa quân đến đánh dẹp. Dương Thanh nhận lệnh thì liền đồng ý ngay khiến Lý Tượng Cổ không chút nghi ngờ.

Dương Thanh cùng con mình là Dương Chí Liệt và thủ hạ thân tín là Đỗ Sĩ Giao thống lĩnh 3.000 quân đến Hoàng Động. Tuy nhiên giữa đường, trước tất cả binh sĩ, ông kể tội ác cũa Lý Tượng Cổ, đồng thời kêu gọi binh lính cùng mình đồng tâm tiêu diệt Lý Tượng Cổ, mang lại tự chủ cho An Nam, cùng tạo phúc cho dân chúng. Tất cả binh sĩ đều hưởng ứng theo.

Khi Dương Thanh dẫn quân đến Hoàng Động hội họp, dân chúng cùng quân khởi nghĩa Hoàng Động vô cùng mừng rỡ, nhất tề hường ứng, uy thế của Dương Thanh lên rất cao.

Dương Thanh đưa quân trở về thành Tống Bình rồi bất ngờ tấn công. Quan quân nhà Đường bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, Lý Tượng Cổ cùng toàn quân bị tiêu diệt. An Nam giành lại được quyền tự chủ.

Sự kiện này được Đại Việt Sử ký Toàn thư chép lại như sau:

“Kỷ Hợi, [819], (Đường Nguyên Hòa năm thứ 14). Mùa đông, tháng 10, Đô hộ là Lý Tượng Cổ vì tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng. Tướng của Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man, khoảng niên hiệu Khai Nguyên [713-742] nhà Đường làm Thứ sử Hoan Châu, Tượng Cổ vẫn kiêng dè, gọi cho làm nha tướng, đến sai đi đánh người Man ở Hoàng Động. Thanh nhân thấy lòng người oán giận Tượng Cổ, đang đêm trở về đánh úp châu, chiếm được, giết Tượng Cổ (Thanh là người Giao Châu, Tượng Cổ là người tôn thất nhà Đường)”.

Chiến thắng chớp nhoáng của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh khiến Triều đình nhà Đường bất ngờ, bởi trước đây đều nhận tin tốt từ An Nam.

Đánh bại cuộc tấn công của nhà Đường

Sự việc quân khởi nghĩa giết chết quan An Nam đô hộ phủ khiến nhà Đường rất tức giận, sai Quế Trọng Vũ đưa binh đến đàn áp. Trong khi đó Dương Thanh cũng củng cố thành Tống Bình sẵn sàng phòng thủ.

Quế Trọng Vũ nhiều lấn tấn công nhưng đều bị đẩy lùi, thành Tống Bình vẫn đứng vững. Nhà Đường phải cho Lý Nguyên Gia đưa thêm quân đến phối hợp với quân của Quế Trọng Vũ cùng tiến đánh.

Dương Thanh liên kết chặt chẽ với nghĩa quân Hoàng Động, đánh lui quân Đường. Dù quân nhà Đường được thêm viện binh và nhiều lần tấn công nhưng không sao giành được chiến thắng.

Nhà Đường lập mưu mua chuộc các tướng

Không thắng được, triều Đường xuống chiếu vờ tha tội cho Dương Thanh rồi điều ông đến làm Thứ sử Quỳnh châu (đảo Hải Nam ngày nay). Biết được việc này là nhằm hại mình, Dương Thanh từ chối không nhận chức, cũng không rời khỏi thành Tống Bình. Nhà Đường lại dùng tiền bạc của cải mua chuộc Dương Thanh nhưng cũng không được.

Nhà Đường thấy vậy liền chuyển sang mua chuộc ly gián những tướng lĩnh trụ cột của Dương Thanh.

Tháng 6/820, Quế Trọng Vũ và Lý Nguyên Gia đưa quân tấn công thành Tống Bình, quân của Dương Thanh bị mua chuộc chia rẽ, không đồng lòng như trước nên suy yếu không thể chống giữ. Dương Thanh phải đưa quân rút đến Tạc Khê (Trường Châu).

Đến đây có mâu thuẫn trong sử Việt và sử nhà Đường. Đường Thư cho rằng quân Đường giết được Dương Thanh và gửi thủ cấp về Triều đình, tuy nhiên Đại Việt Sử ký Toàn thư thì cho rằng Dương Thanh vẫn sống và cho rút quân đi. Điều này có thể là do các tướng nhà Quế Trọng Vũ và Lý Nguyên Gia báo về Triều đình đã giết được Dương Thành và chiếm được thành Tống Bình để lập công lao và lãnh thưởng.

Năm 827, Hàn Ước được cử sang làm An Nam đô hộ phủ. Năm 828, Dương Thanh phối hợp với các quân tại An Nam đánh bại quân Đường, đuổi Hàn Ước khỏi An Nam. Từ đó An Nam giành được quyền tự chủ mãi cho đến năm 836.

Tưởng nhớ

Dòng họ Dương ở Nghệ An nhớ mãi chiến công của Dương Thanh. Ngày 5/8/2018 diễn ra lễ khởi công xây dựng đền thờ Dương Tướng Công (tức Dương Thanh) tại thôn Văn Lang, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đến ngày 9/11/2019, công trình cơ bản đã hoàn thiện và tổ chức khánh thành sau 1.200 năm khởi nghĩa Dương Thanh.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: