Việc đánh chiếm Hà Nội được Đề Thám chuẩn bị kế hoạch rất kỹ, nhưng cứ đến thời điểm thực hiện lại không thuận lợi do nhiều nguyên nhân như vũ khí chuyển đến không đủ, v.v.. Vài lần hoãn lại như thế khiến kế hoạch bị nhiều người biết, có nguy cơ bị lộ. Tình thế buộc phải hành động gấp khiến khả năng thành công càng thấp hơn.

Kế hoạch của Đề Thám bị lộ

Theo kế hoạch, các bồi bếp người Việt có nhiệm vụ đầu độc 2.000 binh lính Pháp thuộc trung đoàn pháo binh và bộ binh đang đóng trong thành Hà Nội, người chỉ huy việc này là Bếp Hiên. Tuy nhiên mật vụ Pháp đã nghi ngờ Bếp Hiên và có biết một số việc bên trong kế hoạch.

Việc đầu độc ban đầu tiến hành thuận lợi. Sau bữa ăn tối ngày 27/6, vào lúc 8 giờ, 125 lính Pháp thuộc trung đoàn 4 pháo binh và 80 lính thuộc trung đoàn 9 bộ binh bị trúng độc bất tỉnh.

Thế nhưng đúng lúc đó có người báo tin cho Pháp biết vụ việc và nói về âm mưu đánh úp Hà Nội trong đêm. Quân Pháp báo động toàn thành.

Theo kế hoạch thì sau khi đầu độc quân Pháp, binh lính người Việt sẽ chiếm kho vũ khí, đến 9 giờ tối sẽ bắn 3 phát đại bác báo hiệu để nghĩa quân ở ngoài xông vào. Thế nhưng chưa kịp hành động thì lính khố xanh và khố đỏ người Việt bị tước hết vũ khí và tống giam chờ điều tra.

Nếu có 3 tiếng đại bác làm hiệu, ở ngoài Hà Nôi sẽ có các cánh quân chặn đường quân Pháp từ Sơn Tây và nơi khác về cứu Hà Nội. Đồng thời có 3 cánh quân tiến vào Hà Nội như sau:

  • Cánh thứ nhất gồm 200 nghĩa quân tiến đánh đồn Thủy (vị trí bệnh viện quân đội 108 hiện nay).
  • Cánh thứ hai đã ở sẵn trên thuyền sẽ tấn công thành Hà Nội từ cửa bắc với sự tiếp ứng của binh lính người Việt.
  • Cánh thứ ba gồm nghĩa quân Yên Thế cùng nghĩa quân từ Sơn Tây đánh trại lính khố đỏ phía tây với sự tham gia của binh lính người Việt.

Nhưng cả 3 cánh quân chờ mãi không thấy pháo hiệu, đoán là đã bị lộ, nếu tiến sẽ rơi vào bẫy quân Pháp nên đành gạt nước mắt quyết định tất cả rút lui.

Người Pháp hoảng sợ

Kế hoạch đánh úp Hà Nội trong đêm không thành nhưng đã khiến quân Pháp vô cùng sợ hãi. Người Pháp xử những ai tham gia rất nặng, 13 người bị tử hình trong đó đa phần là những người tham gia đầu độc lính Pháp.

Một số người dù chạy thoát nhưng quân Pháp đã bắt cả làng rồi thông báo sẽ giết chết nếu không đầu hàng. Ví dụ người chỉ huy đầu độc quân Pháp là Bếp Hiên đã chạy thoát, nhưng quân Pháp về làng ông bắt cả họ khiến ông phải quay lại để quân Pháp bắt.

Ngoài 13 người bị tử hình, còn có bốn người chịu khổ sai chung thân, năm người án tù khổ sai 20 năm, ba người án tù 15 năm, và còn nhiều án tù khác.

Biết vụ việc này có liên quan đến nghĩa quân Yên Thế, tháng 1/1909, quân Pháp tập trung 15.000 quân gồn cả quân Pháp và quân Việt chia làm nhiều cánh bao vây và tấn công nghĩa quân Yên Thế.

Kế hoạch là ngày 30/1 với lực lượng đông lại trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại sẽ đánh úp nghĩa quân. Nhưng mới đến ngày 29/1, đơn vị lính khố xanh do Lacombe chỉ huy đóng ở Nhã Nam đã nôn nóng lập công nên nổ súng tấn công trước vào đồn Cả Rinh và Cả Huỳnh ở phía nam. Đồng thời một cánh quân khố xanh khác do các sĩ quan Pháp là Courteix và Colonna chỉ huy tấn công 2 đồn này từ phía bắc.

Nghĩa quân Yên Thế
Đồn Nhã Nam của quân Pháp. (Ảnh tư liệu: Phong-vu.blogspot.com)

Đây là 2 đồn nhỏ, cách đồn Phồn Xương 400 mét. Dù bị đánh bất ngờ, nghĩa quân vẫn nỗ lực phòng thủ, đồng thời cho một cánh quân đánh tạt sườn cánh quân phía nam của Pháp khiến cánh quân này phải rút.

Cánh quân từ phía bắc của Pháp cũng bị chặn đánh kịch liệt, sĩ quan chỉ huy Colonna bị thương, cuối cùng phải rút vào Nhã Nam.

Biết quân Pháp tập trung rất đông tiến đánh, Đề Thám liền cho quân rút khỏi 2 đồn này và cả đồn Phồn Xương về Đồn Hom. Ngày 30/1, quân Pháp vào được đồn Phồn Xương bỏ trống.

Quân Pháp tiến đánh Đồn Hom. Đến 13h30 chiều ngày 1/2, một đơn vị quân khố xanh đã lần được vào công sự của nghĩa quân, nhưng bị nghĩa quân tiêu diệt.

Đến 14 giờ ngày 1/2, quân Pháp phải lui 30 mét, trước địa thế trống trải, lo sợ bị tiêu diệt, quân Pháp đã cho đào công sự để ẩn nấp.

Nghĩa quân Yên Thế
Quân Pháp dùng xe ngựa chở lính chết và bị thương. (Ảnh tư liệu: Phong-vu.blogspot.com)

Nhận thấy đã tiêu diệt được một lực lượng lớn quân Pháp, Đề Thám cho quân rút lui về phía đông, đồng thời cho quân mai phục.

Quân Pháp vào được công sự, không thấy nghĩa quân đâu, liền vội vã đuổi theo và rơi vào trận địa mai phục. Quân Pháp bị thiệt hại nhiều, đến 7 giờ tối nghĩa quân rút đi.

Nghĩa quân tan rã

Dù khiến quân Pháp bị tổn thất, nhưng lực lượng nghĩa quân vốn đã ít nay lại bị thiệt hại. Đề Thám liền chia nhỏ ra thành các cánh quân bí mật hoạt động ở khắp nơi. Trong khi đó, quân Pháp kiên trì lần theo dấu vết nghĩa quân nhằm tiêu diệt.

Ngày 5/10/1909, phát hiện nghĩa quân ở núi Sáng (Vĩnh Phúc), quân Pháp phối hợp cùng quân của Tổng đốc Lê Hoan cùng tấn công. Nghĩa quân dựa vào địa thế đánh cho quân Pháp chịu nhiều thiệt hại, đến sáng ngày 6/10 thì bí mật thoát vây về căn cứ Tam Đảo, đến 17/11/1909 lại rút về Yên Thế.

Lúc này nhiều tướng của nghĩa quân đã hy sinh hoặc bị bắt như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển, Ba Biểu, có người ra hàng như Cả Dinh.

Nghĩa quân Yên Thế
Ba Biểu – cánh tay phải của Đề Thám. (Ảnh tư liệu: Phong-vu.blogspot.com)

Quân Pháp dò biết nghĩa quân về Yên Thế liền tiến đánh. Nghĩa quân chống cự quyết liệt ở đồn Phồn Xương

Này 1/12, bà Đặng Thị Nho cùng một số người của nghĩa quân bị bắt ở chợ Gồ. Hôm sau, Đề Thám dẫn quân đi cứu bà nhưng bị rơi vào ổ phục kích, khiến ông không cứu được. Đặng Thị Nho là người góp công lớn ra các sách lược giúp nghĩa quân chống quân Pháp, bà bị bắt là một tổn thất lớn cho nghĩa quân.

Sự kiện này được ghi chép trong “Lịch sử tân biên” như sau: “Ngày 1 tháng 12 cùng năm, thì bà Ba Cẩn (tức Đặng Thị Nho) bị trung đội Coucron đi tuần bắt được gần đồn chợ Gồ (Yên Thế). Hôm sau, ông Thám dẫn 5 nghĩa quân đi cứu bà thì lọt vào ổ phục kích lúc 1 giờ 30 khuya. Một nghĩa quân hy sinh, nhưng ông Hoàng chạy thoát được”.

Đến đầu năm 1910 thì lực lượng nghĩa quân tan rã, Đề Thám chỉ còn lại vài thủ hạ theo mình trốn trong rừng sâu

Kết cục bí ẩn của Đề Thám

Theo ghi chép của người Pháp thì vào năm 1913 ở Hổ Lẩy, Đế Thám bị nội phản giết chết, thủ cấp của ông bị bêu ở thủ đường Yên Thế để thị uy dân chúng. Tuy nhiên sau 2 ngày thì thủ cấp bị đốt thành tro.

Theo Lý Đào, một cận vệ cũ của Đề Thám thường cắt tóc cho ông, đầu Đề Thám có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm. Tuy nhiên thủ cấp mà Pháp công bố không có đường gồ, cũng không có râu.

Theo người dân làng Lèo, thì thủ cấp bị bêu là của sư trụ trì chùa Lèo, ông này có dung mạo khá giống Đề Thám. Từ lúc Pháp cho bêu đầu Đề Thám thì ông sư này cũng mất tích.

Những điều này đã phủ một tấm màn lên số phận của Đề Thám.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: