Đi học, đi làm, thậm chí đi dạy học, đi làm cán bộ văn hóa không đọc sách gì ngoài giáo trình, sách giáo khoa vẫn OK. Vẫn giỏi. Vẫn đỗ, vẫn lấy bằng như thường.

Tương tự, làm nông nghiệp, công nghiệp cũng vậy. Không cần học hỏi, không cần đào sâu, không cần tham khảo sách vở trong và ngoài nước vẫn làm được, vẫn có thể có thu nhập.

Nhưng… làm theo cách đó thì:

1. Khó chơi lớn. Giá trị thấp. Giá trị gia tăng nhỏ.

2. Không bền vững.

3. Cạn kiệt tài nguyên.

4. Bán rẻ sức lực, tuổi trẻ, tài nguyên, nguồn lực.

5. Các thế hệ sau ăn đong, ăn vay vào thành quả của thế hệ đi trước. Dễ nảy sinh tâm lý ngạo mạn, tự kiêu, chủ quan, tự mãn, sớm hài lòng và ích kỉ.

6. Lao động, hưởng thụ cuộc sống với sự giác ngộ thấp về tinh thần. Vì vậy làm việc mà không yêu công việc. Sống mà không biết đến niềm vui phong phú.

7. Không hòa nhập được với thế giới, khu vực. Không mở rộng được ảnh hưởng, sức mạnh mềm ra xung quanh. Không nhận được sự tôn trọng thật sự và chân thành từ đối tác, bạn hàng, khách hàng, cộng đồng xung quanh…

Tức là cho đến 6-7 nghìn năm trước, nhân loại cũng không cần đọc vẫn sống, tồn tại được. Nhưng từ đó trở đi, nếu nhân loại tự nhiên mắc chứng bệnh gì đó mù chữ đồng loạt và nếu biết chữ cũng không đọc gì thì văn minh loài người sẽ không còn và thậm chí loài người cũng diệt vong luôn vì thử thách đặt ra đối với loài người rất khác trước đó.

Người Việt thế kỉ 21 này cũng vậy. Những gì thuận lợi cho cuộc sống nhàn nhã kiểu “tháng giêng là tháng ăn chơi” dựa vào thiên nhiên ưu đãi, phong phú, đất rộng người thưa, môi trường xã hội giản đơn không còn nữa.

Những thử thách đặt ra với người Việt hiện tại rất khác với thử thách đối với con người của các thế kỉ trước.

Vì vậy, nếu không biết tự học thông qua đọc thì sẽ khó có được cuộc sống tốt. Nếu ai có cảm giác cuộc sống của mình đang tốt – không cần học thêm gì cả thì họ là người may mắn. Nhưng không ai đảm bảo được sự may mắn ấy sẽ kéo dài bao lâu, diễn tiến được qua bao nhiêu đời.

Sự giàu có, tăng trưởng về vật chất mà không có một nền tảng vững là văn hóa, giá trị thường không bền. Đấy là quy luật không phải là chém gió suông.

Chẳng hạn, hãy nhìn vào trong cộng đồng xem có gia đình nào duy trì được giàu có, phồn vinh qua 2-3 đời trong khi con cháu không hề có sự nâng tầm về văn hóa?

Văn hóa là thứ khó xây dựng nhất nhưng lại là thứ dễ phá hủy nhất.

Một gia đình để giàu chỉ cần một vài năm, thậm chí vài ngày, vài tháng, vài tuần.

Nhưng để nâng cấp văn hóa của một gia đình, dòng họ sẽ cần đến vài đời, vài trăm năm.

Dấu vết của văn hóa đó có thể thấy rõ ở trong lối sống, giá trị quan, sinh hoạt, thái độ của cá nhân…

Những cá nhân sinh trưởng trong một môi trường văn hóa chưa tương xứng với sự giàu có cho dù cố gắng hành xử văn minh nhưng trong vô thức sẽ vẫn chịu ảnh hưởng của “văn hóa gia đình” ở mức thấp hơn. Kết quả ở các tình huống quan trọng như cáu giận, phân chia quyền lợi vật chất, tham gia vào cán cân quyền lực, khi gặp nguy hiểm… văn hóa “cũ”, “bản năng” sẽ bộc phát, chi phối suy nghĩ, lời nói, hành vi của cá nhân.

Bởi vậy, văn hóa trong đó có văn hóa đọc là chuyện lớn, chuyện của muôn đời, chuyện của tất cả mọi người không kể riêng ai.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời nghe radio: