Thành tín là nền tảng làm người, cũng là cái đẹp trong văn hóa truyền thống. Người chính nhân quân tử thời xưa đều là những người trung thành, giữ chữ tín. Đức tính này từng là niềm tin của rất nhiều người tu thân, thậm chí có không ít người vì thành tín mà không màng đến sống chết.

Sự thành tín của cổ nhân
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Public Domain)

Những câu thành ngữ như “Lời hứa đáng giá nghìn vàng”, “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” hay “Nhất ngôn cửu đỉnh”, v.v. đã phản ánh sự xem trọng của người xưa đối với lòng tin và danh dự. Trong mắt của cổ nhân, thành tín là vô giá, bất cứ chính nhân quân tử nào cũng đều phải giữ chữ tín, nói mà không đáng tin ắt là tiểu nhân. Những bậc hiền nhân được người đời kính trọng thì thường không phải vì võ nghệ cao cường hay tài hoa tột bậc, mà là vì xem trọng chữ tín.

Khổng Tử từng nói: “Tự cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lập”, nghĩa là con người phải chết đã là đạo lý vốn có ở đời, và cũng giống như vậy, dân mà mất niềm tin thì đương nhiên sẽ không thể thành tựu được gì cả.

Mạnh Tử nói: “Thành giả, thiên chi đạo dã; tư thành giả, nhân chi đạo dã”, nghĩa là thành tín là lẽ trời, biết thành tín là đạo làm người.

Lý Bạch từng viết trong lời thơ “Hiệp khách hành” rằng: “Tam bôi thổ nhiên nặc, ngũ nhạc đảo vi khinh”, nghĩa là uống ba chén rượu vào rồi chân thành hứa hẹn, Ngũ Nhạc cũng xem nhẹ như không. Đây là nói về chuyện hai vị ẩn sĩ nhận ơn tri ngộ của Tín Lăng quân, sau này vì ơn tri ngộ mà đồng ý giúp Tín Lăng quân đánh quân Tần cứu nước Triệu. Dưới sự giúp sức của hai vị ẩn sĩ này, Tín Lăng quân đã thật sự đại phá quân Tần.

Lý Bạch cũng từng viết câu thơ thế này trong “Trường can hành”: “Thường tồn bão trụ tín, khởi thượng Vọng Phu đài”, nghĩa là ôm cột giữ niềm tin, dựng nên đài Vọng Phu. Trong hai câu thơ này hàm chứa hai câu chuyện đẹp.

“Bão trụ tín” là câu chuyện về một chàng trai có tên Vỹ Sinh. Vỹ Sinh ước hẹn với một người con gái. Không may thay, hôm đó bão, cô gái không đến được, nước sông bắt đầu dâng lên. Vỹ Sinh vẫn kiên trì đợi vì không muốn thất hứa, cuối cùng ôm lấy cột cầu cho đến khi bị chết chìm.

“Đài Vọng Phu” thì kể về câu chuyện một người vợ chờ chồng, người chồng hẹn ngày quay về, nhưng đến ngày vẫn không thấy bóng. Người vợ luôn đứng trên lầu cao ngóng về phương xa chờ chồng quay về, cuối cùng hóa thành một bức tượng đá đứng sừng sững chờ đợi.

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Ngụy không phải là một nước lớn trong số các chư hầu, nhưng lại tập hợp người tài từ khắp nơi, đứng vững trong suốt mấy trăm năm. Điều này bắt đầu từ việc Ngụy Văn Hầu, quân chủ khai quốc của nước Ngụy, trọng tín nghĩa.

Theo sách sử ghi chép, có một lần Ngụy Văn Hầu và quần thần uống rượu, đang lúc yến tiệc vui vẻ, trời đột nhiên đổ mưa. Nhưng Ngụy Văn Hầu đột nhiên ngừng uống, sai người đánh xe đi, nói là muốn ra ngoại ô. Mọi người thắc mắc, Ngụy Văn Hầu nói: “Ta có hẹn đi săn với người Sơn Lâm, không được thất hứa.” Ngụy Văn Hầu chữ tín ngay cả đối với những việc nhỏ nhặt, chẳng trách người tài từ khắp nơi đều vui vẻ cống hiến.

Thời nhà Thanh có người tên là Thái Lân, bạn ông ký gửi ngàn vàng nơi ông, mà không hề lập bất kỳ giấy tờ gì. Chẳng bao lâu sau, người bạn mất đi, Thái Lân gọi con của bạn tới, trả lại tiền cho cậu ta.

Con trai của người bạn vô cùng kinh ngạc nói: “Sao có thể ký gửi ngàn vàng mà không viết giấy gì làm bằng được? Hơn nữa, phụ thân của con cũng không hề nói chuyện này cho con biết.” Thái Lân cười đáp rằng: “Chứng ở trong tâm, không nằm trên mặt giấy. Cha cậu hiểu ta, nên mới không nói cho cậu biết.”

Tạo niềm tin cho mọi người chính là xây dựng nên danh dự và đức độ của bản thân, nhất định sẽ được mọi người kính trọng.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
Tiểu Minh biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: