Ba mình bệnh tim từ khi mình còn rất nhỏ. Những năm cuối đời, ba nằm viện suốt, thỉnh thoảng mới được bác sĩ cho về nhà. Cái thời bao cấp thiếu đủ thứ, nhất là thuốc men. Ba nằm viện nhưng thuốc giảm, cắt cơn đau cho ba mẹ phải toàn đi mua ngoài chợ đen. Viên thuốc hình như màu xanh, ngậm dưới lưỡi, lớn hơn đầu chân nhang chút thôi mà đắt lắm. Mẹ phải lặn lội tìm mua mỗi lần được có vài viên.

Mình chín tuổi, thay mẹ quán xuyến hết việc nhà từ nấu cơm chẻ củi tới gánh nước. Hè năm đó, bạn cùng đi học với anh ở nước ngoài về phép, ghé qua thăm đưa quà anh gởi về cho mình là cái đồng hồ điện tử bằng nhựa xinh xinh. Mình mê mẩn. Cứ mỗi khi hết việc là ngồi ngắm nghía không hiểu vì sao nó có thể tự nhảy số được. Mình đeo được chục hôm, hãnh diện khoe khắp xóm vì con nít cả xóm không đứa nào có cái đồng hồ điện tử oách như của mình. Mỗi khi được tụi bạn trầm trồ khen đồng hồ đẹp, môi mình cười tủm tỉm cố giấu niềm sung sướng tự hào.

Không tự hào sao được khi đó là thứ mới mẻ và giá trị nhất mà từ nhỏ tới lớn mình mới được sở hữu, là của riêng. Tụi bạn thèm muốn được đeo thử, được sờ vào. Mình nhất quyết không cho vì sợ tụi nó làm hư mất. Tối đi ngủ, mình để cái tay đeo đồng hồ lên gần mắt ngắm những con số chuyển động rồi lại kê sát vào tai để cố nghe xem nó có nhảy tích tắc như cái kim đồng hồ quả lắc nhà bà Sáu hay không. Mình không biết làm sao người ta có thể làm ra cái quả lắc để gắn vào cái đồng hồ bé xíu như vậy được, chắc là nó phải nhỏ lắm và xinh xinh như đầu con kiến thôi. Hồi đó mình nghĩ cái đồng hồ nào cũng phải có quả lắc và nhờ quả lắc lắc qua lắc lại nên đồng hồ mới chạy được.

Một bữa sáng tầm 8 giờ, mẹ từ bệnh viện về, mình đang rửa chén ở sàn nước. Mẹ ngồi xuống phụ mình rồi nói, “Ba con nói ba thèm ăn cháo cá lóc.” Nhìn cái lỗ thủng rách nơi vạt áo bà ba màu tím của mẹ, mình chợt nhớ mấy ngày trước mẹ đem một bọc quần áo của mẹ đi bán. Như một cái máy, mình tháo cái đồng hồ mình đang đeo ở tuốt trên cánh tay cho khỏi ướt ra đưa mẹ không một chút do dự, băn khoăn, “Mẹ bán đi lấy tiền nè mẹ!”

Mẹ đi như chạy. Cái nón lá lúp xúp khuất sau hàng rào dâm bụt. Một loáng mẹ đã về, nồi cháo cá được bắc lên bếp. Mẹ lại tất tả cho vào cặp lồng xách vào viện. Trưa, đang giặt đồ bờ sông, anh Tư tất tả chạy về, kêu, “Út, bỏ đó đi cưng. Em chạy vô nhà mấy cô báo mấy cô ba mất rồi.” Mình đứng bật dậy, chạy lẹ vòng vòng nhà mấy người họ hàng cách đó vài trăm mét thuật lại lời anh dặn. Khi trở về nhà đã thấy người ta tháo vách cửa ra để cho rộng chỗ đặt quan tài.

Mẹ mình mặc cái áo bà ba tím lủng một lỗ ở vạt áo suốt mấy ngày đám tang, cái áo duy nhất khả dĩ lành lặn còn lại của mẹ. Sau này, mẹ kể, hôm đó mẹ đem cháo cá vô, ba ăn được phân nửa rồi ép mẹ ăn phần còn lại. Sau đó mẹ đi đổ bô cho ba, khi quay lại đã thấy bác sĩ đông nghẹt quanh giường, ba đi.

Hôm trước, chị nói với mình với vẻ vừa trách vừa yêu, “Mình không thương mình là có tội!” Câu nói đó làm mình nhớ tới cái hồi 9 tuổi đầu, tới cái đồng hồ, tô cháo cá cuối cùng và cái áo bà ba tím bị thủng lỗ…

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: