Khổng Tử được tôn là “Vạn thế sư biểu”, nhưng cũng bị búa rìu dư luận, bị dè bỉu và bị nhét chữ vào miệng nhiều nhất. Có điều ít ai chịu nghiền ngẫm Luận Ngữ, được cho là ghi chép lại những lời nói của ông. Đọc lại bài viết cách đây 23 năm, tôi vẫn không thay đổi quan điểm. Có lẽ tôi là người bảo thủ tệ hại. Dù sao, tìm được kẻ sĩ thời nay theo khuôn mẫu của Khổng Tử là điều hiếm hoi, nhưng vẫn có rải rác. Tôi kính trọng họ.

Vũ Thế Thành

Khổng Tử phải chết
để nền kinh tế cất cánh?

Tốc độ phát triển kinh tế ổn định của con rồng Châu Á, Hàn Quốc trong suốt 30 năm qua được xem là phép lạ. Nhưng rồi phép lạ chẳng còn thiêng nữa, khi nền kinh tế Hàn Quốc suy trầm vào cuối năm 1997.

Trong bối cảnh đó, Hawang Jang-Jin, một nhà nghiên cứu Hàn Quốc, trong bài viết đăng trên tờ Le Courier de la Corée (*) đã dẫn ra tựa đề của một hợp tuyển gây nhiều tranh cãi “Khổng Tử phải chết nếu Hàn Quốc muốn sống”. Vị “Vạn thế sư biểu” đã không còn là của vạn đời nữa chăng?

Tác giả của hợp tuyển, Kim Kyong-il đã lên án gay gắt “Khổng giáo là một thứ virus hủy hoại tư tuởng của người Hàn Quốc hàng trăm năm nay”. Ông cho rằng, quá trình hiện đại hoá Hàn Quốc đã bị làm què quặt bởi những con quỷ giáo điều Khổng giáo: nạn sùng bái mù quáng, độc đoán và những bậc cao niên, sự phụ thuộc vào những giá trị tập thể bóp nghẹt đi tính sáng tạo cá nhân.

Tôi nêu vấn đề này với ông Il Hyung Chang, phó chủ tịch Samsung Electronics. Ông nói:

“Trước khi xảy ra khủng hoảng Châu Á, cách quản lý của Samsung cũng dựa trên tinh thần Nho giáo. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã thay đổi. Ý thức hệ gia trưởng (fatherlism) đã được thay bằng chủ nghĩa cá nhân hơn (individualism). Đánh giá năng lực của nhân viên, vấn đề không còn là bạn đã làm cho Samsung được bao lâu, mà là kiến thức của bạn tới đâu so với công việc bạn đang làm.”

Samsung vừa được tạp chí Kinh Tế Viễn Đông bình chọn là doanh nghiệp Hàn Quốc thành công nhất trong những doanh nghiệp hàng đầu của năm 1999 tại Châu Á… Chỉ riêng Samsung Electronics, lãi ròng năm 98 được 313 triệu USD, và năm 99 lên tới 3 tỉ USD, tăng gần gấp 10 lần. Samsung đang dẫn đầu thế giới về DRAM, màn hình vi tính, màn hình tinh thể lỏng TFT, lò vi ba,… Thành quả “chóng mặt” này phải chăng là do họ đã chấp nhận cách quản lý phương Tây, và ly khai Khổng giáo?

Giá trị Châu Á, mà đặc trưng là Khổng giáo, từng được xem là bệ phóng cho những con rồng châu Á đã bị phá sản? Thực ra, từ lâu đã có nhiều phản ứng về bệ phóng này. Tiến sĩ Lee Yuen Tshe, thuộc học viện Academia Sineca (Đài Bắc) nhận định: Chính sự thành công của nền kinh tế Đông Á đã tạo ra danh tiếng cho Khổng giáo. Ông hàm ý, Khổng giáo không phải là nguyên nhân, mà chỉ là… “ăn theo”.

Nhà nghiên cứu Hwang thừa nhận “có một điều chắc chắn là người Hàn Quốc chẳng còn xem đạo Khổng như trước nữa”. Brenda Bahng, một hướng dẫn viên du lịch ở Seoul nói: “Ở môi trường phương Tây, phụ nữ có nhiều cơ hội tiến thân hơn.” Brenda năm nay khoảng 26 tuổi, cử nhân vi sinh học, nói tiếng Anh lưu loát. Cô chọn hướng đi khác, chứ không theo đuổi ngành nghề mình đã học.

Học thuyết Khổng giáo đưa ra hai phạm trù: chính trị và luân lý. Triết lý chính trị nhấn mạnh đến thuyết chính danh (vua ra vua, quan ra quan). Còn tư tưởng luân lý là hiếu đễ. Đó là gốc của đức trung, lòng nhân.

Liệu có thể đem một học thuyết chính trị ra đời cách đây cả 2500 năm, khi mà Internet hay một nữ thủ tướng lừng lẫy cỡ “Iron Lady” chưa trở thành khái niệm trong đầu Không Tử, để áp dụng vào quản trị nhà nước hay doanh nghiệp?

Dù sao, không thể phủ nhận, Khổng giáo nhắm đến một xã hội trật tự, được xây dựng từ dưới lên trên: đạo đức cá nhân, gia đình, và đến xã hội. Và chính những giá trị này: nhân, nghĩa, lễ , trí, tín đã tạo ra bản sắc riêng cho Châu Á.

Ông Il Hyung Chang của Samsung, trong bữa cơm thân mật, vừa gắp miếng Kim Chi, vừa nói: “Samsung chú trọng đến giáo dục để nâng cao năng lực của nhân viên, và chúng tôi cũng cần đến lòng trung thành của họ. Không có công đoàn ở Samsung. Công nhân không cần, và Samsung cũng không cần đến công đoàn. Chúng tôi biết cách cư xử với nhau”. Ông Il Hyung tốt nghiệp MA về kinh tế ở đại học Yale (Mỹ). Năm ngoái, cô con gái của ông đã phải trải qua cái gọi là “địa ngục thi cử” (Exam Hell) ở Hàn Quốc để vào được đại học.

Nói như thế, ông Il Hyung hàm ý vẫn còn đâu đó tinh thần Khổng giáo chứ không tuyệt đối ly khai đến chủ nghĩa cá nhân như ông đã nói trong phòng họp. Điều cần là loại bỏ quan điểm “sống lâu lên lão làng” trong tổ chức. Mà quả thật, tôi không tìm thấy trong sách Luận Ngữ (ghi chép lời Khổng Tử), có câu nói nào về trật tự gia đình, xã hội liên quan tới quan điểm “sống lâu lên lão làng”. Người đời sau suy diễn cho mục đích lợi ích của họ chăng?

Tiến sĩ Daeje Chin, tổng giám đốc đơn vị truyền thông kỹ thuật số (Digital Media), tầm sản phẩm “mũi nhọn” của Samsung Electronics, không giấu nổi tự hào: Tôi tốt nghiệp ở Mỹ, và đã làm việc cho Samsung 15 năm.

Nếu hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 của phương Tây được xây dựng trên những quy định, cần phải thoả mãn, thì khái niệm Quản lý Chất lượng Toàn diện (TQM – Total Quality Management) của Nhật lại nhắm đến chinh phục niềm tin nơi người tiêu dùng, và không một chỉ tiêu nào trong TQM có thể được xem là đáp ứng hoàn hảo. TQM của Nhật đã vượt lên trên những quy định và yêu cầu đáp ứng quy định. TQM mang tính triết lý nhiều hơn.

Tất cả đâu đó vẫn bàng bạc, những níu kéo trong tâm tưởng Khổng giáo nơi người Châu Á.

Trở về mái trường xưa, ai trong chúng ta lại chẳng bồi hồi khi nhìn thấy dòng chữ “Tiên học lễ hậu học văn”. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vẫn là một nền tảng khó phủ nhận để con người ở mọi giai cấp soi lại bản thân. Người Châu Á đâu ai nỡ báo hiếu bằng cách gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão, dù rằng nơi đó các cụ được chăm sóc bởi các điều dưỡng chuyên nghiệp. Chúng ta thấm được nỗi cô đơn của người già…

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Việt Nam,.. đều chia sẻ với nhau về những giá trị Khổng giáo. Có nước đã hoá rồng, có nước đang nỗ lực để hoá rồng. Vấn đề là thích nghi những giá trị nào của cả Đông lẫn Tây cho việc hiện đại hoá và phát triển, chứ không nghĩa là phủ nhận mọi giá trị, dù đó là những “con quỷ giáo điều Khổng giáo”.

Vũ Thế Thành
Sài Gòn, tháng 8/2000

(*) “Cuộc tranh luận về Khổng giáo ở Hàn Quốc”, bản dịch của N.H.H trên tạp chí “Xưa và Nay” số tháng 1/2000.

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành có bổ sung ảnh minh họa

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: Người không có tiền thì 3 lời không nên nói, 3 việc không nên làm