Cuối năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt thời kỳ ngàn năm bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc. Tuy nhiên không giống Phùng Hưng, Mai Thúc Loan hay Lý Bí, Ngô Quyền không phải đơn giản là từ một cuộc khởi nghĩa đơn độc mà nổi lên. Sự thành công của Ngô Quyền có một phần là kế thừa từ nền tảng mà Khúc Thừa Dụ xây dựng, trải suốt 3 đời, sau truyền đến Dương Đình Nghệ.

Khúc Thừa Dụ: Người đặt nền tảng chấm dứt thời kỳ bắc thuộc
Khúc Thừa Dụ. (Ảnh tổng hợp)

Không giống các cuộc khởi nghĩa trước, Khúc Thừa Dụ lựa chọn con đường khác

Năm 907, Chu Toàn Trung soán ngôi nhà Đường lập ra nhà Hậu Lương, Trung Nguyên bước vào thời kỳ Ngũ đại Thập quốc.

Trước khi soán ngôi nhà Đường, Chu Toàn Trung đã ra lệnh tiêu diệt các đại thần có xuất thân quý tộc. Rất nhiều người bị hại chết, Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân là Độc Cô Tổn cũng bị buộc phải tự sát. Nước Việt lúc bấy giờ được gọi là Tĩnh Hải Quân.

Năm 906 là năm cuối cùng của nhà Đường, khắp nơi đều loạn. Lúc này có Khúc Thừa Dụ là người Hồng Châu (Hải Dương ngày nay), mấy đời là hào tộc giàu có, được dân chúng tin tưởng.

Cuốn “Việt sử thông giám cương mục” viết rằng: “Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ”.

Khúc Thừa Dụ là người bản địa đầu tiên làm Tiết độ sứ. Là người ở đất Giao Châu, đương nhiên ông muốn người Việt có thể độc lập với phương bắc. Tuy nhiên ông không tiến hành giống các cuộc khởi nghĩa trước đó, vì ông nhận thấy các cuộc khởi nghĩa trước đó dù thành công nhưng chỉ tồn tại thời gian ngắn ngủi.

Khúc Thừa Dụ quyết định làm một Tiết độ sứ cho nhà Đường để giữ độc lập cho dân tộc, nhân đó mà xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, đủ sức đương đầu với phương bắc.

Khúc Thừa Dụ chọn thành Đại La (thành Thăng Long cũ) làm Kinh đô, rồi khéo léo dùng danh nghĩa “xin mệnh nhà Đường” để nhà Đường đồng ý cho mình làm Tiết độ sứ.

Triều đình nhà Đường ở xa, sắp sụp đổ không thể chú ý đến việc ở Tĩnh Hải Quân, liền đồng ý phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ và gia phong Đồng bình Chương sự. Bước đầu tiên trong kế hoạch của Khúc Thừa Dụ thành công.

Khúc Thừa Dụ năm ấy đã già yếu, ông phong cho con là Khúc Hạo làm “Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu” chỉ huy toàn bộ quân đội và sẽ kế thừa chức Tiết độ sứ của mình sau này.

Khúc Hạo đặt nền tảng vững chắc

Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất thọ 77 tuổi, người đời sau yêu quý mà gọi ông là Khúc Tiên chúa. Khúc Hạo lên kế vị chức Tiết độ sứ, kế tục sự nghiệp của cha, xây dựng Tĩnh Hải Quân hùng mạnh hơn để tương lai có thể đối đầu với phương bắc.

Lúc này nhà Đường vừa mất, Trung Nguyên bước vào thời kỳ Ngũ đại Thập quốc. Vua nhà Hậu Lương là Chu Toàn Trung muốn thôn tính Tĩnh Hải Quân, liền phong cho Lưu Ẩn làm Tiết độ sứ vùng Lưỡng Quảng, kiêm thêm Tĩnh Hải Quân tiết độ.

Tĩnh Hải Quân chỉ mới giành tự chủ không lâu, nếu chống lại sẽ thất bại như các cuộc khởi nghĩa trước đây. Trước tình thế đó Khúc Hạo mềm mỏng đưa lễ vật đến nhà Hậu Lương xưng làm bề tôi, dùng ngoại giao để nhà Hậu Lương công nhận mình nhằm giữ yên bờ cõi.

Ở trong nước Khúc Hạo cải tổ chính quyền đến các quan lại địa phương, giúp dân chúng ấm no, an cư lạc nghiệp. Các chính sách mà Khúc Hạo đưa ra nhằm đạt được “Cốt khoan dung giản dị, nhân dân đều được yên vui”.

Không theo con đường của cha ông, Khúc Thừa Mỹ phạm sai lầm

Sau 10 năm đặt nền móng vững chắc, năm 917 Khúc Hạo mất, con trai là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Tiếc thay Khúc Thừa Mỹ lại không tiếp tục theo chính sách của cha ông, ban hành thuế khóa và lao dịch nặng nề khiến dân chúng oán thán.

Lúc này Tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Nghiễn muốn tách khỏi nhà Hậu Lương thành lập một nước riêng, sang năm 918 thì thành lập nhà Nam Hán, một trong 10 nước thời Ngũ đại Thập quốc.

Khúc Thừa Mỹ vì ỷ được lòng nhà Hậu Lương, nên chủ quan xem thường nhà Nam Hán, tỏ thái độ bất phục bất hợp tác. Năm 923, nhà Nam Hán tức giận sai các tướng Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận tiến đánh Tĩnh Hải Quân.

Tĩnh Hải Quân bị tấn công nhưng nhà Hậu Lương sắp mất, không thể giúp gì được. Trong nước dân chúng bất mãn không ủng hộ họ Khúc, khiến Khúc Thừa Mỹ đơn độc không chống nổi, bị bắt giải về Phiên Ngung. Vua Nam Hán cho Lý Tiến làm Thứ sử, cùng Lý Khắc Chính giữ thành Đại La.

Thừa hưởng nền tảng của họ Khúc

Tuy nhiên Tĩnh Hải Quân đã có nền tảng vững chắc. Một tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ nối tiếp chí lớn của chủ nhân, tập hợp binh lính, rèn luyện binh mã chuẩn bị tiến đánh vào thành Đại La.

Năm 931, Dương Đình Nghệ tìm kiếm nhân tài trong nước, chọn 3.000 người làm giả tử tức con nuôi, trong đó có Kiều Công Tiễn và Ngô Quyền.

Dương Đình Nghệ đưa quân tiến đến thành Đại La, đánh bại quân Nam Hán. Vua Nam Hán được tin liền sai Trần Bảo đem quân sang cứu. Nhưng Dương Đình Nghệ đưa quân đánh bại cả viện binh của quân Nam Hán, giết chết chủ tướng Trần Bảo.

Dương Đình Nghệ tự xưng Tiết độ sứ, đóng quân ở thành Đại La, nhưng không may bị Kiều Công Tiễn phản bội giết chết.

Ngô Quyền kéo quân đến thành Đại La tiêu diệt kẻ phản bội Kiều Công Tiễn. Sau đó ông đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt thời kỳ bắc thuộc.

Có thể thấy Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo đã đặt nền móng tự chủ cho dân tộc. Khúc Thừa Mỹ dù phạm sai lầm, nhưng với nền tảng đặt ra trước đó, Dương Đình Nghệ vẫn kịp sửa sai đánh bại quân Nam Hán. Ngô Quyền kế tục ông lại tiếp tục đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt ngàn năm bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài cho dân tộc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: