Khương Tử Nha là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và cả trong tiểu thuyết. Tuy ngoài đời, ông không có thần thông quảng đại như trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, nhưng ông thực sự là mẫu người điển hình cho câu “Có tài mà thành công muộn”.

Trí tuệ của cổ nhân: Nước quá trong thì không có cá
Bức “Vị thủy phi hùng đồ” mô tả cảnh Khương Tử Nha ngồi câu cá, Chu Văn Vương đến cầu hiền. (Tranh: Lưu Tùng Niên, thời Tống, Public Domain)

Trong hầu hết cuộc đời mình, Khương Tử Nha đã trải qua rất nhiều trắc trở, mãi cho đến khi hơn 70 tuổi, ông vẫn chỉ là một lão già bên bờ sông Vị, sống lặng lẽ không ai biết đến. Thế mà “Khương Thái Công câu cá, lại có người nguyện ý cắn câu”, Khương Tử Nha lúc đó đã hơn 80 tuổi, gặp được Chu Văn Vương khát khao cầu hiền, cuối cùng cũng có đất dụng võ. Kể từ đó, ông phò tá Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương, thành tựu được sự nghiệp vĩ đại, lưu danh đến hàng ngàn năm sau.

Từ cuộc đời của Khương Tử Nha có thể thấy rằng “Thành công không ở chỗ sớm muộn”, mà đến từ 3 điểm mấu chốt dưới đây.

Chịu được sự trống vắng, tịch mịch

Thi tiên Lý Bạch có câu danh ngôn: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch”, ý nói từ xưa đến nay bậc thánh hiền đều cô đơn, trống vắng. Câu nói này dường như rất phù hợp với Khương Tử Nha. Sau sự suy bại của Triều Ca – kinh đô cuối cùng của nhà Thương, Khương Tử Nha lui về ở ẩn bên bờ sông Vị. Ông sống như vậy cho đến khi 80 tuổi và được Chu Văn Vương mời về.

Thời gian đó, trong mắt thế nhân, Khương Tử Nha chỉ là một lão già vô danh. Hơn nữa, thoạt nhìn bề ngoài ông cũng không quá thông minh. Không ai ngờ được rằng, ông lão vô dụng mà họ nghĩ ấy, kỳ thực là một người vô cùng kiên nhẫn. Đức tính này của Khương Tử Nha được thể hiện thông qua việc thả câu hết ngày này qua ngày khác. Không chỉ vậy, ông còn là người tinh thông văn thao võ lược.

Những năm tháng sống ẩn cư, Khương Tử Nha dù cô độc trống vắng, nhưng không hề nhàn rỗi, mà lại không ngừng bồi đắp bản thân, chuẩn bị cho lúc được sử dụng có thể thuận lợi mà tiến bước.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những người thành công thông thường cũng đều là người có thể chịu đựng sự cô độc tốt. Người có khả năng chịu đựng sự cô độc thường có mục tiêu lớn trong tâm, có chí hướng cao xa vĩ đại, tư duy rõ ràng. Để thực hiện mục tiêu, họ sẽ không ngừng học tập và không ngừng làm giàu kiến thức cho bản thân mình. Nhờ đó, khi thời cơ tới, họ sẽ có thể bộc lộ được hết tài năng của bản thân, nắm chắc lấy cơ hội mà không do dự, tiến bước đến thành công.

Hết lòng theo đuổi

Trong “Khương Tử Nha. Khí Phục” có câu: “Không si không cuồng thì cái danh không hiển chương, không cuồng không si thì việc không thành”. Nói cách khác, làm người làm việc cần phải có nhiệt tâm, “si cuồng” một chút.

Cái gọi là si, nghĩa là phải thật sự kiên định giữ vững tín niệm. Đối với mục tiêu mà mình đã đặt ra thì cần phải có sự siêng năng chăm chỉ, không dễ dàng buông lơi, từ bỏ. Một khi đã thực sự bỏ công bỏ sức, chuyên tâm làm thì nhất định sẽ có được hồi báo.

Còn cái gọi là cuồng, nghĩa là chúng ta phải có sự tự tin đối với mơ ước của bản thân, sự theo đuổi của bản thân, tài năng của bản thân. Bởi vì tự tin là bí quyết quan trọng bậc nhất để đạt được thành công. Chính tự tin giúp một người giữ vững mục tiêu, không dễ dàng bị dao động trước ánh mắt của người khác.

Cũng giống như Khương Tử Nha, trong khi những người khác sử dụng lưỡi câu cong để câu cá, thì ông lại sử dụng lưỡi câu thẳng để câu cá. Đối với một người bình thường mà nói, đó chẳng phải là có chút điên cuồng sao?

Người khác cười nhạo, giễu cợt ông, ông chỉ cười mà không nói lời nào. Bởi vì thứ mà ông đang câu không phải là cá, và ông tin rằng người ông mong chờ chắc chắn sẽ nhìn ra ông. Và điều này thực sự đã được Chu Văn Vương nhìn thấu.

Cẩn thận lời nói

Trong “Thái Công Kim Quỹ”, khi Khương Tử Nha khuyên nhủ Chu Vũ Vương đã nói: “Tam giam kỳ khẩu, thận ngôn ngữ dã”, ý tứ là nói năng cần phải cẩn thận. Câu nói này đã được lưu truyền cho đến tận ngày nay, trở thành danh ngôn truyền thế.

Rất nhiều người có thành tựu đều chú trọng đến cách giao tiếp cẩn thận không sai lệch. Ngay cả Khổng Tử cũng nói rằng: “Nột vu ngôn nhi mẫn vu hành”, nói thì nên chậm còn làm thì nên nhanh nhạy.

Cổ nhân cũng nói: “Họa từ miệng mà ra”, nói năng không cẩn thận, sẽ không chỉ làm tổn thương người khác mà còn tự chuốc lấy phiền phức cho chính mình. Vì vậy, những người có tu dưỡng đều sẽ không loạn ngôn. Họ sẽ suy nghĩ cẩn thận, sẽ kiềm chế, không thao thao bất tuyệt. Họ cũng không nói lời phóng túng khoe khoang.

Trước mỗi cuộc nói chuyện, chúng ta nên suy nghĩ kỹ về những gì nên nói, những gì không nên nói, nói khi nào và nói như thế nào. Bởi vì một lời chúng ta nói ra có khả năng sẽ thành tựu chúng ta, cũng có khả năng sẽ hủy hoại chúng ta.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: