Trong “Kinh Dịch” nêu ra rất nhiều đạo lý về kinh doanh, kết giao bạn bè, tế lễ, hôn nhân gia đình… Chúng ta thông qua những đạo lý ấy có thể cảm nhận được trí tuệ của người xưa, học hỏi được rất nhiều điều để áp dụng vào cuộc sống thực tế, tránh những sai lầm đáng tiếc trong cuộc đời.

Kinh Dịch: 3 đạo lý vợ chồng để gia đình hòa thuận, lâu bền
(Ảnh minh họa: Interstid, Shutterstock)

Rất nhiều quẻ trong “Kinh Dịch” đề cập đến vấn đề hôn nhân gia đình, như quẻ Hàm, quẻ Hằng, quẻ Gia nhân, quẻ Tiệm, quẻ Quy muội, quẻ Đại quá, quẻ Cấu…  Mỗi một quẻ này đều miêu tả về hôn nhân gia đình với những đạo lý khác nhau.

Từ xưa đến nay, đối với bất kỳ ai, gia đình luôn có tầm quan trọng rất lớn. Một gia đình hòa thuận, hưng thịnh luôn là mong ước của hầu hết mọi người. Để một gia đình hòa thuận, thịnh vượng thì vai trò của người chồng và người vợ có lẽ là chủ đạo nhất, quan trọng nhất. Họ bên trên thì phụng dưỡng cha mẹ, bên dưới thì dưỡng dục con cái. Nếu như mối quan hệ vợ chồng mà rạn nứt thì cha mẹ không được phụng dưỡng chu toàn, con cái không được dạy dỗ đúng mực, gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ. Vậy, vợ chồng cần tuân thủ những đạo lý nào? Quẻ thứ 44 trong “Kinh Dịch”, quẻ Cấu (gặp nhau) đưa ra 3 đạo lý vợ chồng như sau.

Nam nữ gặp gỡ phải hợp lễ, thủ chính

Trong quẻ Cấu đề cập đến ý chính là “âm dương tương ngộ”, giống như sự gặp gỡ của nam nữ vậy. Nhưng sự gặp gỡ của nam nữ không phải là tùy tiện mà gặp. “Kinh Dịch” nhấn mạnh, nam nữ gặp gỡ nhau cần phải hợp lễ và thủ chính, tức là hành vi lời nói của đôi bên phải phù hợp với lễ nghi và giữ được đạo lý đúng đắn.

Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Cho nên, nam nữ xưa khi gặp gỡ, tìm hiểu yêu thương lẫn nhau phải có sự cho phép của cha mẹ đôi bên. Khi làm lễ kết hôn, vợ chồng phải bái lạy dưới sự chứng giám của Trời Đất, tổ tiên và cha mẹ.

Vào thời đại mà con người còn xem trọng đạo đức truyền thống thì nam nữ khi chưa bái lạy Trời Đất, tổ tiên, chưa được sự đồng ý của cha mẹ (của người ban ơn) đã sinh sống cùng nhau thì bị coi là hành vi trái với luân thường đạo lý, không được ai thừa nhận cả.

Ngày nay rất nhiều nam nữ có quan hệ tình cảm bất chính, trái với luân thường đạo lý. Người ta tưởng rằng như vậy là được lợi một chút, được thỏa mãn về tình cảm nhưng đó lại là điều vi phạm Thiên lý, làm tổn hại phúc đức và vận khí của bản thân.

Nữ không thể quá cường mạnh

Quẻ Cấu có điều đặc thù chính là bao gồm có 1 Hào Âm nằm dưới 5 Hào Dương. Một người phụ nữ mà có bản lĩnh đương đầu với 5 người đàn ông, một người phụ nữ mà tự ý đi tìm gặp 5 người đàn ông thì là người quá phận, hơn nữa hành vi còn bất chính, không nên lấy người ấy làm vợ, tình cảm khó duy trì được lâu dài. Trong quẻ Cấu viết: “Nữ tráng, chớ dùng thủ nữ”, Nữ mà quá mạnh mẽ thì không nên lấy làm vợ.

Đối với người phụ nữ mà nói, nên dùng quẻ này làm điều nhắc nhở bản thân. Là một người phụ nữ, cần phải giữ được tính cách nhu hòa thùy mị. Người đàn ông mà chọn được người phụ nữ hiền dịu làm vợ thì an tâm gây dựng sự nghiệp, người phụ nữ mà giữ được tính cách nhu mì thì cảnh nhà hòa thuận, an vui.

Nam không thể cố chấp, phong lưu

Câu nói “nữ tráng, chớ dùng thủ nữ” ngoài việc nhắc nhở người nữ ra thì cũng nhắc nhở người nam. Hôn nhân gia đình là do đôi bên cùng vun đắp, hơn nữa người đàn ông còn là người trụ cột trong gia đình. Để người phụ nữ không phải “cường mạnh” thì rõ ràng là người đàn ông cũng cần hoàn thành chức trách, bổn phận và đạo đức của mình.

Người chồng cần phải tránh những điều có thể đẩy vợ mình đến chỗ “nữ tráng”. Nếu một người đàn ông quá cố chấp vào ý kiến của mình, không tiếp nhận ý kiến của người khác thì là một loại “cực đoan”, có thể khiến người nữ phải quá phận. Nếu như người đàn ông phong lưu phóng đãng, gặp gỡ nhiều người phụ nữ, thì cũng khiến người phụ nữ gặp u sầu, hoặc giả làm điều tương tự.

Có câu nói rằng: “Cuộc đời con người, thành công lớn nhất không ngoài sự thành công của hôn nhân, hạnh phúc lớn nhất không ngoài hạnh phúc gia đình, tình cảm đẹp nhất không gì ngoài tình cảm vợ chồng”. Bởi vậy, vợ chồng muốn “bách niên giai lão”, gia đình thuận hòa thì tình cảm và ân nghĩa phải được đặt trên nền tảng đạo đức truyền thống.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: