Xưa nay rất nhiều người khi nhắc đến Kinh Dịch đều cho rằng đó chỉ đơn thuần là cuốn sách về bói toán, đoán mệnh. Nhưng kỳ thực, Kinh Dịch còn là cuốn sách hàm chứa đạo lý làm người sâu sắc. Chẳng hạn Kinh Dịch giảng: “Đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhâm trọng, tiên bất cập hĩ”, tức là đức hạnh kém mà nhận địa vị tôn quý, trí tuệ thấp mà lại mưu sự lớn, sức lực yếu ớt mà nắm giữ trọng trách, người như vậy không có mấy người là không gặp tai họa.

Kinh Dịch: Đời người có 3 sai lầm không thể phạm
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Đức mỏng mà địa vị tôn quý

Thừa tướng thời Tống là Tư Mã Quang từng tổng kết: “Đức không xứng với địa vị, tất có tai ương”. Nếu một người mà phẩm đức thấp kém nhưng thân lại ở địa vị cao quý thì nhất định sẽ có tai ương giáng xuống, nhẹ thì đối với họ, nặng thì đối với những người mà họ trị vì. Nếu người này là vua thì thiên tai nhân họa đến, thậm chí triều đại sụp đổ. Nếu người này là quan thì dân chúng bên trong khu vực họ chịu trách nhiệm sẽ bị ảnh hưởng. Nếu đây là chủ gia đình thì người thân của họ sẽ gặp khổ nạn, trắc trở.

Thời Xuân Thu, nhà Tấn có một giai đoạn quyền của quốc vương bị lục khanh lấn át, nổi lên có họ Trí. Tông chủ thứ năm của họ Trí là Trí Tuyên tử muốn chọn lựa người kế vị mình. Người con Trí Dao có thân hình cao lớn, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, dũng cảm, giỏi hùng biện, kiên nghị quả quyết. Trí Tuyên tử rất yêu thích Trí Dao và muốn Trí Dao là người kế thừa. Nhưng Trí Dao lại là người không đủ nhân hậu, tính tình tàn bạo.

Trí Quả biết được ý định thì can ngăn, nói rằng năm điều tốt không đủ để sánh với một điều xấu. Trí Tuyên tử không nghe, đem địa vị truyền lại cho Trí Dao.

Trí Dao lên nắm quyền, không chỉ vô nhân đức, mà còn làm mất lòng các họ tộc khác, lại phế vua động binh, muốn độc chiếm quyền lực. Cuối cùng Trí Dao bị hai họ Hàn, Ngụy phản, họ Triệu lại hợp binh cùng đánh úp. Cuối cùng không chỉ bản thân Trí Dao bị giết mà còn khiến cả gia tộc đều bị diệt. Duy có Trí Quả tiên liệu trước, đổi họ mà thoát chết.

Kinh Dịch giảng: “Hậu đức tái vật”, tức là đức dày có thể nâng đỡ được vạn vật. Vị trí càng cao càng là khảo nghiệm phẩm đức của một người. Phẩm đức của người quân tử dày rộng như đại địa nên mới có thể chịu tải được vạn vật.

Trí tuệ thấp mà mưu sự lớn

Trí tuệ của một người nằm ở khả năng bảo trì trí óc thanh tỉnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật. Người có trí tuệ lớn có thể đặt chí ở nơi cao xa, ở chuyện lớn mà không bị kiêu ngạo làm che mờ đôi mắt.

Tống Tương Công được Sử ký coi là một trong Ngũ Bá (5 bá chủ) thời Xuân Thu. Ông là người nhiều tham vọng, từng may mắn kêu gọi được chư hầu giúp dẹp loạn nước Tề. Điều này khiến Tương Công ảo tưởng về sức mạnh của Tống, mang tham vọng hội họp chư hầu, xưng bá thiên hạ.

Tuy nhiên trong lần hội họp chư hầu đầu tiên, Tương Công bị Sở Thành Vương lừa bắt được, sau phải nhờ người xin hộ mới được về nước.

Tuy bị bắt một lần nhưng tham vọng bá chủ của Tống Tương Công không dừng lại. Ông muốn báo thù, bèn hội binh Vệ, Hứa, Đằng đánh Trịnh là nước cùng phe với Sở. Sở Thành Vương mang quân cứu, hai bên giáp trận ở Hoằng Thủy.

Khi Tống Tương Công bày trận xong thì quân Sở vẫn chưa sang sông hết. Quan tướng khuyên Tương Công đánh ngay vì quân Sở đông hơn nhưng ông không nghe theo. Khi quân Sở qua sông xong chưa kịp bày trận, Tương Công vẫn không đánh. Khi quân Sở bày trận xong xông tới giáp chiến rất mạnh mẽ, quân Tống không chống nổi, bị thua tan tác, chết rất nhiều. Bản thân Tống Tương Công bị thương ở đùi. Sau này ông qua đời vì chính vết thương này.

Có thể thấy rằng Tống Tương Công mưu sự lớn, nhưng tầm nhìn của ông lại nhỏ bé, hơn nữa lại kiêu ngạo tự mãn, khiến cho bản thân gặp thất bại.

Sức lực yếu mà mang trọng trách

Trang Tử từng kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Tề Trang Công trong một lần ra ngoài đi săn thú, dọc đường đi, xe ông gặp một con bọ ngựa ở trước xe cứ giơ chân lên như thể đang chuẩn bị đọ sức với xe của ông. Người đánh xe thấy vậy nói: “Giống bọ này thật kỳ lạ, chẳng biết sức mình khỏe hay yếu, cứ thấy đối thủ là liều thân xông lên không hề chịu.” Từ đó mới có câu thành ngữ “châu chấu đá xe”, để hình dung ra người không biết lượng sức mình.

Trong cuộc sống, có người rõ ràng biết rằng thực lực của mình không cho phép, nhưng lại cố tình gắng gượng đảm nhận, gắng gượng gánh vác, cuối cùng chỉ có thể gặp phải tai ương. Một cái bàn có thể gánh chịu được khối lượng nặng 10 kg mà chúng ta nhất định muốn đem trọng lượng 15, 20, 50 kg đặt lên nó, vậy thì chúng ta hãy xem cái bàn này sẽ ra sao? Nó sẽ bắt đầu run lên, bắt đầu biến dạng, xuất hiện điềm báo trước khi bị đổ sập nứt vỡ.

Khi phát hiện ra khả năng của bản thân chưa đủ, cần lặng lẽ bồi dưỡng thêm, bởi vì tùy tiện làm việc không chỉ khiến bản thân bị suy sụp vì áp lực mà còn rất dễ dàng xảy ra tai họa không đáng có.

Một người khiêm tốn, tìm được đúng vị trí của mình, tìm được đúng việc phù hợp năng lực của mình thì cũng là tìm được hạnh phúc lớn trong cuộc đời. Cuộc sống của họ như vậy mới có thể thong dong tự tại, không lo lắng phiền muộn. Đây chính là một bài học thâm sâu mà Kinh Dịch trao cho hậu thế.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: