Kỷ Hiểu Lam là một học giả hàng đầu dưới thời Hoàng đế Càn Long triều Thanh, là người đứng đầu phụ trách biên tập Tứ khố toàn thư, một công trình biên soạn sách nổi tiếng. Trong tác phẩm “Duyệt Vi thảo đường bút ký” của mình, ông có chép lại hai lần trải nghiệm thần kỳ trong việc xem chữ đoán mệnh.

Kỷ Hiểu Lam ghi lại trải nghiệm thần kỳ về việc xem chữ đoán mệnh
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Lần thứ nhất là vào năm Càn Long thứ 19, sau khi Kỷ Hiểu Lam vừa tham gia kỳ thi Đình xong. Lúc ấy triều đình vẫn chưa công bố người thi đỗ. Khi ở nhà của Đổng Văn Khác, Kỷ Hiểu Lam gặp qua một người Chiết Giang biết xem chữ đoán mệnh.

Kỷ Hiểu Lam hiếu kỳ bèn viết một chữ “mặc” (墨) (*). Người ấy nói:

Chức trạng nguyên năm nay sẽ không thuộc về ngài. Chữ “lý” (里) tách ra sẽ thành chữ “nhị giáp” (二甲), bên dưới nó có bốn dấu chấm (灬), ngài chẳng phải sẽ là nhị giáp đệ tứ danh sao? Chỉ là ngài nhất định sẽ vào được Hàn lâm viện. Bốn dấu chấm (灬) là chân chữ của chữ “thứ” (庶), chữ “thổ” (土) là đầu của chữ “cát” (吉), vậy ngài sẽ là “Thứ cát sĩ”.

(*) Vì chữ Hán có cách tạo chữ hội ý, một chữ là do nhiều chữ khác ghép lại với nhau, nên có thể phân tích chữ để đoán mệnh là vậy.

“Thứ cát sĩ” mà người bói chữ nói tới là một vị trí ngắn hạn trong Viện Hàn lâm dưới hai triều Minh, Thanh, do những người đỗ tiến sĩ đương thời chọn ra một người có tiềm lực đảm nhiệm. Về sau sự việc đã xảy ra với Kỷ Hiểu Lam đúng như lời mà người kia tiên đoán.

Sự kiện thứ hai mà Kỷ Hiểu Lam ghi chép lại xảy ra vào mùa thu năm Càn Long thứ 33. Kỷ Hiểu Lam vì tiết lộ tin tức mà bị kết tội, tình tiết vụ án rất nghiêm trọng, mỗi ngày đều có quan quân canh giữ Kỷ Hiểu Lam.

Trong số quan quân đó, có một người họ Đổng nói với Kỷ Hiểu Lam rằng mình biết xem chữ đoán mệnh. Kỷ Hiểu Lam bèn viết một chữ “đổng” (董) để người kia bói cho. Người kia bèn nói: “Tương lai ngài sẽ bị đày đi xa – chữ ‘đổng’ (董) có nghĩa là thiên lý vạn lý (千里万里)”.

Kỷ Hiểu Lam lại viết một chữ “danh” (名). Người kia nói: “Chữ ‘danh’ (名) phần bên dưới là chữ ‘khẩu’ (口), còn phần bên trên của nó là bộ thủ của chữ ‘ngoại’ (外), tương lai ngài sẽ bị đày ra ngoài quan ải. Chữ ‘tịch’ (夕) lại có ý nghĩa là mặt trời ngả về tây, lẽ nào là Tây Vực?”

Bởi Tây Vực là vùng đất xa xôi, Kỷ Hiểu Lam trầm mặc hỏi: “Tương lai có thể quay trở về không?” Người kia đáp: “Chữ ‘danh’ (名) và chữ ‘quân’ (君) gần giống nhau, mà nó lại cũng giống chữ ‘triệu’ (召), tương lai hoàng thượng nhất định sẽ triệu hồi ông về”.

Kỷ Hiểu Lam hỏi tiếp: “Sẽ triệu vào năm nào?” Người kia bảo: “Chữ ‘khẩu’ (口) là phần bên ngoài của chữ ‘tứ’ (四), chỉ là bên trong nó thiếu hai nét bút. Đại khái là không đến bốn năm chăng? Không đến bốn năm nữa ứng với năm Tân mão. Chữ ‘tịch’ (夕) lại là bộ thủ của chữ ‘mão’ (卯), cũng là tương hợp”.

Quả nhiên sau đó Kỷ Hiểu Lam đã tòng quân đến Ô Lỗ Mộc Tề (thủ phủ của Tân Cương ngày nay), đến tháng sáu năm Tân mão thì được trở về kinh thành.

Sự việc này được một học giả uy tín như Kỷ Hiểu Lam ghi lại, xảy ra cách đây hơn 250 năm. Ngày nay, việc xem bói cũng có người tin, và độ chính xác của nó cũng là có đúng có sai, không thể hoàn toàn kiểm chứng theo phương pháp khoa học. Tuy nhiên không thiếu những trường hợp thần kỳ như câu chuyện của Kỷ Hiểu Lam. Trong cuối chương sách, Kỷ Hiểu Lam đã cảm khái nói rằng: “Nói chung là tinh thần hễ động, thì quỷ thần đều tương thông cả; cơ sự vừa mới manh nha thì đã có điềm báo trước rồi”.

Dựa theo “Kỷ Hiểu Lam được đoán chữ”
Đăng trên Chanhkien.org
Tác giả: Cổ Vận

Xem thêm:

Mời xem video “Vì sao người thầy được kính ngưỡng trong văn hóa truyền thống?”: