Trong quá trình hoạt động khuyến đọc tôi gặp gỡ rất nhiều nhân viên thư viện trường học. Trên Facebook có cả một nhóm mấy nghìn người tập hợp các anh chị em làm nghề này. Gần đây tôi nhận được một ý kiến của người trong cuộc như thế này. Tôi xin trích tóm lược:

Em là một nhân viên thư viện ở trường học. Ở vùng nông thôn có rất nhiều phụ huynh đi xuất khẩu lao động và thu nhập của gia đình phụ thuộc vào đó.

Học sinh thường ở nhà với ông bà, cô, bác… Điều kiện kinh tế của các gia đình này có thể tốt hơn ngay cả so với công nhân viên chức như chúng em.

Tuy nhiên em thấy việc đọc sách ở trường chưa đúng với bản chất của nó.

Thứ nhất, hiện nay hầu như bố mẹ đều mua sắm điện thoại cho con. Trẻ con chơi điện thoại rất nhiều.

Thứ hai, tư tưởng của người lớn là học, đọc sách rồi cũng đi nước ngoài lao động nên việc tuyên truyền về sách, kêu gọi đọc sách, góp sách rất khó khăn.

Thứ ba, ở các trường học hiện nay có trường đã có 01 tiết đọc sách do giáo viên dạy nhưng thực tế thì tiết đó thường là cho học sinh chơi hoặc học môn khác.

Thứ tư, nhà trường, địa phương nên cho nhân viên thư viện đi tập huấn và học thêm nghiệp vụ sư phạm về dạy tiết đọc sách sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Thứ năm là phải đưa vào chấm điểm như các môn học thì dần dần học sinh mới có thói quen đọc.

Thứ sáu là người ta chưa coi trọng nhân viên thư viện, bắt nhân viên làm nhiều việc khác nhau. Lương nhân viên lại rất thấp. Có những người làm việc 10-15 năm mà lương chỉ 4, 5 triệu.

Đọc ý kiến của nhân viên thư viện nói trên tôi có thêm hai bình luận.

Một là tâm lý “học làm gì, đọc làm gì rồi cũng chỉ đi lao động” là tư duy rất phổ biến ở người Việt. Như tôi đã từng kể trong tự truyện 3000 ngày trên đất Nhật, trong số 200-300 thực tập sinh kĩ năng (người xuất khẩu lao động) mà tôi tiếp xúc, hướng dẫn học tiếng Nhật, tôi chưa thấy bạn nào tích cực học mà chỉ lặp đi lặp lại câu nói trên để viện lý do cho việc… lười. Trên thực tế thì cho dù là lao động chân tay, xuất khẩu lao động nếu biết tiếng Nhật đời sống cá nhân và việc lao động sẽ dễ chịu hơn nhiều. Cái này liên quan đến căn tính lười biếng và chủ nghĩa đầu hàng của người Việt. Cần nhiều thời gian và nỗ lực để sửa.

Hai là chuyện phụ huynh mua điện thoại cho con. Cái này thì thực sự khó hiểu vì nó không chỉ diễn ra ở nông thôn. Tôi thấy rất nhiều phụ huynh than phiền về chuyện con lười học, con không đọc sách… Nhưng tôi lại thấy các trẻ đó tự do sử dụng điện thoại tùy thích và bố mẹ có vẻ… khoái với việc mua điện thoại cho con. Nếu trẻ dưới 18 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định trong việc mua hay không, mua cho thì dùng thế nào cơ mà. Thậm chí khi mua cho con phải có giao ước, cam kết nếu vi phạm sẽ thu lại điện thoại như thường. Đằng này…

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: Nói chuyện phải cùng người hiểu biết, làm việc phải cùng người kiên định