Bị liên quân Minh – Lan Xang đông và mạnh hơn rất nhiều vây chặt, nghĩa quân Lam Sơn lâm đường cùng buộc phải đánh cảm tử và đã lập kỳ tích đến khó tin trong trận Sách Khôi.

Vua Lan Xang vốn là đồng minh, nhiều lần tận tình giúp nghĩa quân Lam Sơn, nhưng rồi nghe lời gièm pha mà cắt đứt, thậm chí còn cho quân bất ngờ tấn công khi nghĩa quân không phòng bị. Sau khi đưa 3 vạn quân đánh úp nghĩa quân Lam Sơn, tưởng giành được chiến thắng, nào ngờ thảm bại, Mãn Sát đã liên kết cùng quân Minh để tiến đánh nghĩa quan Lam Sơn. 

Lâm vào tử địa buộc phải đánh cảm tử, nghĩa quân Lam Sơn lập kỳ tích
Bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn nói về cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. (Ảnh: Rungbachduong, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Quân Minh và Lan Xang hợp tác

Sau những trận đánh chống quân Lan Xang và quân Minh, năm 1422, Lê Lợi thu quân từ Lan Xang về đóng ở Quan Da để dưỡng quân và ngăn quân Minh đến từ thành Tây Đô.

Quân Minh và Lan Xang cũng củng cố lực lượng. Tổng binh quân Minh là Lý Bân chết vì bệnh, Tham tướng Trần Trí lên thay giữ chứ Tổng binh chỉ huy toàn bộ quân Minh.

Quân Lan Xang và quân Minh có điều kiện hồi phục và phát triển nhanh hơn nghĩa quân Lam Sơn. Cuối năm 1422, liên quân Minh và Lan Xang lên kế hoạch mới tấn công nghĩa quân Lam Sơn: Trần Trí và Mã Kỳ đem quân từ Đông Quan đến Thanh Hóa rồi tấn công vào đại bản doanh nghĩa quân ở Quan Da. Quân Lan Xang từ phía tây nam cũng phối hợp tấn công.

Quân Minh có lợi thế kỵ binh, trong khi đó quân Lan Xang có đội tượng binh rất mạnh.

Trước tình thế bị hai phía tiến đánh, nghĩa quân Lam Sơn quyết diệt Lan Xang trước. Nghĩa quân chọn đánh Lan Xang vì quân Lan Xang không mạnh và thiện chiến bằng quân Minh. Nguyễn Chích được Lê Lợi trao nhiệm vụ cầm quân đánh Lan Xang.

Nguyễn Chích cầm quân đánh với Lan Xang trận nào cũng thắng. Tuy nhiên quân Lan Xang không thắng được thì tạm rút lui để bảo toàn, rồi cùng với quân Minh tổ chức tấn công vào Quan Da như kế hoạch. Nghĩa quân cũng phải chia làm hai để chặn quân Minh và Lan Xang.

Thấy không thể chống cự lâu dài, nghĩa quân Lam Sơn muốn rút đi để bảo tòan lực lượng. Tuy nhiên quân Lan Xang đã chặn mất lối rút đi của nghĩa quân về núi Chí Linh hướng tây nam. Liên minh Minh – Lan Xang cho rằng nghĩa quân sẽ chạy về hướng nam đến núi Chí Linh nên quân Lang Xang ở hướng này vây rất chặt không cho nghĩa quân chạy.

Trong tình thế hiểm nghèo, lợi dụng lúc trời tối, nghĩa quân bí mật rút ra ngoài theo hướng bắc khiến cho quân Minh bất ngờ. Nghĩa quân đến Sách Khôi (thuộc Nho Quan, Ninh Bình ngày nay).

Rơi vào tử địa trong trận Sách Khôi

Nghĩa quân đến Sách Khôi được 7 ngày thì liên quân Minh và Lan Xang cùng kéo đến. Liên quân không tấn công ngay mà vây chặt nghĩa quân từ 4 phía nhằm tránh nghĩa quân chạy thoát, quyết tiêu diệt hoàn toàn. Nghĩa quân rơi vào tử địa không lối thoát.

Thanh Hóa
Tượng đài Lê Lợi ở Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Thanh Quang, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

“Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi rằng:

Mùa đông, tháng 12, vua tiến quân đóng ở Quan Da. Ai Lao với quân Minh đánh vào trước mặt và sau lưng quân ta, nhiều người chết và bị thương. Vua bèn bí mật lui về Sách Khôi. Mới được 7 ngày, giặc Minh lại đem đại binh đến vây. Vua bảo các tướng sĩ:

“Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là “tử địa” mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết”.

Vua nói xong chảy nước mắt. Các tướng sĩ đều xúc động, tranh nhau liều chết quyết chiến.

Nghĩa quân thấy chỉ còn một cách là liều chết đánh ra ngoài phá vây mà chạy. Các tướng Lê Lộng, Lê Lĩnh, Phạm Vấn, Lê Hào, Lý Triện… dẫn đầu nghĩa quân xông ra đánh cảm tử với liên quân Minh và Lan Xang.

Chỉ thoáng chốc Tham tướng quân Minh là Phùng Qúy cùng hơn 1.000 quân bị chém chết tại trận, nghĩa quân thu được 100 ngựa chiến, rồi cùng nhắm thẳng vào chỉ huy cao nhất quân Minh là Tổng binh Trần Trí cùng Nội quan Mã Kỳ mà đánh gấp.

Lối đánh cảm tử như xẻ núi của nghĩa quân Lam Sơn khiến quân Minh không sao chống đỡ nổi. Trần Trí và Mã Kỳ kinh hoàng chạy vội về thành Đông Quan. Quân Minh còn rất đông nhưng thấy tướng chỉ huy đều đã chạy thì nối nhau tự tan vỡ.

Tướng Lan Xang là Mãn Sát nhìn thấy lối đánh cảm tử của nghĩa quân và sự tan rã của quân Minh thì cũng vội cho quân rút nhanh.

Nghĩa quân Lam Sơn dù có chiến tích phi thường nhưng bị thiệt hại khá nặng nề. Hơn nữa Sách Khôi là nơi nằm trên đường từ Đông Quan đến Tây Đô nên dễ bị vây đánh từ 2 hướng. Vì thế nghĩa quân quyết định rút về vùng núi Chí Linh nhằm củng cố xây dựng lực lượng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: