Làng Hoằng Nghĩa xưa kia, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá, nằm cách thành phố Thanh Hóa 8 km về hướng đông, được xem là chiếc nôi học hành, nơi sản sinh nhiều nhân tài trong lịch sử. Vùng đất học thanh bình này được mô tả qua đôi câu thơ:

Hoằng Lộc quê ta cảnh hữu tình,
Rừng dừa bát ngát ánh trăng xinh.

12 vị tiến sĩ

Nếu đứng ở đỉnh Châu Phong nhìn xuống làng Hoằng Nghĩa thì thấy giống như một cái nghiên mực, còn con đường qua cánh đồng vào làng giống như một cây bút đang chấm vào nghiên mực. Theo người dân nơi đây thì có nhà phong thủy khi đi qua đã nói rằng hình thế cây bút này như dẫn nước từ sông Mã về, ví như mực không bao giờ cạn. Chả thế mà nhiều người tấm tắc khen nơi đây là đất học, đất phát khoa bảng.

Trong lịch sử khoa bảng của làng, người đỗ khai khoa là Nguyễn Nhân Lễ, đỗ tiến sĩ năm 1481 thời vua Lê Thánh Tông. Làng có tổng cộng 12 người đỗ đại khoa, trong đó có 7 người được khắc bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngoài ra còn có gần 200 người đậu cử nhân, hương cống, hàng trăm người đỗ sinh đồ.

Về những danh nhân trong làng có thể kể đến Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất làm Thượng thư 6 bộ, trải qua 3 đời vua Lê, được đánh giá là người văn võ song toàn.

Ngoài ra còn có Nguyễn Quỳnh là danh sĩ thời vua Lê Hiển Tông, thường dùng văn chương châm biếm tham quan trong Triều đình. Dân gian gọi ông là Trạng Quỳnh và có rất nhiều giai thoại về ông. Dù Trạng Quỳnh không đỗ đại khoa nhưng nổi tiếng tài học xuất sắc, vì thế mà có câu “Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam”. Ông cũng được xếp đứng đầu trong tứ hổ Tràng An “nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn”. Chính vì tài năng nên dù không phải Trạng nguyên nhưng dân chúng vẫn gọi ông là Trạng Quỳnh.

Làng khoa bảng, đất học Hoằng Nghĩa, Thanh Hóa
Nhà thờ Nguyễn Quỳnh ở Hoằng Lộc. (Ảnh: Nga-Việt Nguyễn, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Đại tướng quân Nguyễn Tuyên: Thành hoàng làng

Mảnh đất Hoằng Nghĩa cũng là nơi sinh ra đại tướng quân Nguyễn Tuyên, có công đánh bại quân Chiêm Thành thời vua Lý Thái Tông, giữ yên ổn vùng đất phía nam.

Theo “Thần phả Thành hoàng” được Hàn Lâm viện, Đông các đại học sĩ, tiến sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào thời Lê Trung Hưng thì Nguyễn Tuyên là con trai độc nhất của một nhà Nho nghèo làng Hoằng Nghĩa, thuở trẻ đã có cốt cách của một vị tướng.

Thời vua Lý Thái Tông, Chiêm Thành hay quấy nhiễu vùng biên giới, vua Lý Thái Tông cùng Thái tử đi đánh dẹp, đến làng Hoằng Nghĩa thì nghỉ lại. Đêm ấy Vua mơ thấy có ánh hào quang cùng thần linh hiển hiện, đoán biết nơi đây có người tài, liền lệnh hiệu triệu mở cuộc thi kén người theo Vua đánh Chiêm.

Nguyễn Tuyên năm ấy 21 tuổi xin yết kiến Vua, nêu rõ tình thế, dâng lên kế sách phá giặc. Vua mừng rỡ phong cho Nguyễn Tuyên làm đại tướng quân, cầm quân tiên phong tiến đánh Chiêm Thành. Nguyễn Tuyên cầm quân thắng lớn, vua Chiêm là Sạ Đẩu bị thuộc hạ chém chết.

Do lập công lớn, Nguyễn Tuyên được ban cho đặc ân về thăm nhà. Về đến gần làng thì bỗng mây trời đen tối, chớp giật mưa tuôn, Nguyễn Tuyên hóa tại chỗ. Thương tiếc tướng tài, Vua ban cho ông là Thượng đẳng đại vương linh thần. Dân làng Hoằng Nghĩa thương tiếc phong ông làm Thành hoàng và thờ trong làng.

Đình Bảng Môn

Ngay ở trung tâm của làng Hoằng Nghĩa là Đình Bảng Môn, nơi tôn vinh các vị đỗ khoa bảng của làng. Đình Bảng Môn được xây dựng vào thế kỷ 15 thời nhà Lê, quay về hướng nam, ban đầu chỉ có 3 gian thờ Thành hoàng và là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng.

Làng khoa bảng, đất học Hoằng Nghĩa, Thanh Hóa
Di tích lịch sử văn hóa Bảng Môn Đình, biểu trưng cho vùng đất học Hoằng Nghĩa. (Ảnh: Nga-Việt Nguyễn, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Dần dần Đình Bảng Môn trở thành nơi tu dưỡng, bình giảng tập của các môn sinh, là nơi dặn dò tiễn các sĩ tử lên đường dự các kỳ thi, và cũng là nơi đón các sĩ tử vinh quy trở về.

Thông thường Đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng, nhưng riêng ở Hoằng Nghĩa, Đình Bảng Môn lại nghiêng về giáo dục học tập, truyền thống khoa bảng. Tất cả các hoạt đông về giáo dục và vinh danh những người đỗ đạt đều diễn ra tại đây. Đó là điểm khác biệt giữa Đình Bảng Môn và các đình làng khác.

Đến thời vua Lê Hiển Tông, Đình Bảng Môn được sửa sang, tôn tạo lại. Đến năm 1932 thì Đình được xây thêm với quy mô lớn, với 3 mặt xây gạch, bên trong dựng bằng gỗ lim.

Đến nay trong Đình Bảng Môn vẫn còn tấm đại tự “Địa linh nhân kiệt” do nhà Vua ban tặng để tưởng nhớ đến Thành hoàng Nguyễn Tuyên. Cửa vào có kiến trúc độc đáo với những nét chạm khắc tinh xảo như hình ảnh Trạng nguyên cưỡi voi vinh quy bái tổ hay các linh vật như rồng, phượng…

Khuôn viên của Đình Bảng Môn có bia ghi công 12 vị tiến sĩ của làng, hầu hết đều là những người làm quan chính trực, thanh liêm.

Sau này làng còn có nhiều người đỗ đạt cao, gồm 2 giáo sư, 37 phó giáo sư và 40 tiến sĩ. Nhiều học sinh nơi đây đoạt giải quốc gia và quốc tế, như Nguyễn Ngọc Long đoạt Huy chương vàng Quốc tế và Huy chương vàng châu Á Thái Bình Dương môn Vật lý năm 2018, Nguyễn Phi Lê đoạt Huy chương bạc Quốc tế môn Toán năm 2000, Nguyễn Lê Đức Hoàng đoạt Huy chương đồng Olympic Thiên văn và Vật lý Thiên văn Quốc tế năm 2020.

Tinh thần hiếu học của làng đã đi vào ca dao, thành lời ru điệu hát qua bao thế hệ:

Trai mỹ miều gắng công đèn sách,
Gái thanh tân chăm mạch cửi canh.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: