Với 10 người đỗ đại khoa, hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài, Liêu Xá đã trở thành làng khoa bảng nức tiếng, nơi sản sinh ra những nhân tài, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, vị danh y của nước Việt.

Làng khoa bảng Liêu Xá, quê hương của Hải Thượng Lãn Ông
Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thuộc dòng họ Lê Hữu Liêu Xá. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh)

Người đỗ khai khoa của tỉnh Hưng Yên

Làng Liêu Xá thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là làng cổ còn giữ lại được nhiều tư liệu về truyền thống văn hóa lịch sử. Từ thời nhà Lý, ngôi làng trù phú này nổi tiếng với truyền thống hiếu học.

Hưng Yên là nơi có tiếng về khoa bảng, người đỗ đầu khai khoa cho tỉnh lại ở làng Liêu Xá. Số là năm 1185 dưới thời vua Lý Cao Tông, Triều đình tổ chức khoa thi nhằm chọn nhân tài cho đất nước. Đỗ Thế Diên ở làng Liêu Xá đỗ đầu cùng Bùi Quốc Khái, Đỗ Nghiêm và 30 người khác. Lúc ấy chưa có học vị Trạng nguyên, sau này người dân Hưng Yên xem Đỗ Thế Diên là Trạng nguyên khai khoa của tỉnh, đánh dấu mốc son khoa bảng cho tỉnh.

Sau khi thi đỗ, Đỗ Thế Diên làm quan đến chức Triều nghị Đại phu, kiêm Thẩm phán Viện Thẩm hình. Khi về hưu ông được ban tặng Thượng trụ quốc, thưởng cho đai vàng. Sau khi mất, ông được triều đình phong Phúc thần, cho dân chúng lập đền thờ trên nền nhà cũ.

Hiện nay trong đền thờ ông vẫn còn nhiều di văn quý giá, trong đó có bức đại tự: “Đông Hải văn khôi” nghĩa là đỗ đầu đạo văn vùng Đông Hải.

Đền thờ ông có đôi câu đối:

Tứ hải dương đạo học chi nguyên, Cổ Liêu khai địa mạch,
Lý Triều trúng giáp khoa chi tuyển, Đông thổ phá thiên hoa.

Có nghĩa là:

Khơi nguồn học bốn biển, Cổ Liêu khai mạch đất,
Trúng khoa giáp Lý triều, xứ Đông tỏ đạo văn.

Nơi địa linh sinh nhân kiệt

Dân gian cho rằng làng Liêu Xá là nơi địa linh, làng có hình dáng như hồ lô do được bao bọc bởi dòng sông Lô. Trong đó xóm Văn Xá nằm trên mảnh đất hình con rùa, hai bên cánh đồng trải ra rất đẹp như hai cánh phượng, tạo nên linh địa cho vùng đất này.

Liêu Xá nằm trong vùng đất “ngũ Liêu” nổi tiếng: Liêu Xá và Liêu Xuyên có truyền thống hiếu học, nhiều người thành danh. Liêu Hạ mang đậm nét văn hóa với những tích xưa như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Liêu Trung rộn ràng với lễ hội Tứ Pháp, như lễ hội Pháp Vũ Bồ Tát.

Làng Liêu Xá có nhiều di sản văn hóa như chùa Bà Sinh, chùa Từ Vân, chù Vũ Xá, cầu Văn, các nhà thờ họ. khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và dòng họ Lê Hữu…

Làng có 10 người đỗ đại khoa thì riêng dòng họ Lê Hữu đã chiếm 6 người là Lê Hữu Danh, Lê Hửu Hỷ, Lê Hữu Mưu, Lê Hữu Kiều, Lê Hữu Kiển (Lê Trọng Tín) và Lê Hữu Thư (Lê Hữu Dung ) thuộc 3 thế hệ liên tiếp, vì thế mà có câu:

Lịch triều phong tặng công, hầu, bá,
Kế thế đăng khoa phụ, tử, tôn.

Ngoài ra dòng họ Lê Hữu còn có 48 người đỗ cử nhân và tú tài. Trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là thầy thuốc đóp góp to lớn cho nền y học nước nhà.

Họ Trần ở làng có 2 người đỗ đại khoa là Trần Uyên và Trần Thu, cùng 70 người đỗ cử nhân, tú tài. Họ Nguyễn và họ Vương mỗi họ có 1 người đỗ đại khoa. Các họ khác cũng có nhiều người đỗ cử nhân và tú tài.

Ngôi mộ thiên táng của dòng họ Lê Hữu

Dù dòng họ Lê Hữu có nhiều người đỗ đại khoa nhất làng, nhưng theo gia phả của dòng họ này thì 6 đời đầu dù nhiều người giỏi chữ nghĩa, được giới khoa bảng và quan lại đánh giá cao, nhưng hễ đi thi là không đỗ đạt gì hết. Vì thế mà con cháu dòng họ rất nghèo khó.

Đến đầu thế kỷ 18, nhờ ngôi mộ thiên táng của cụ Vũ Thị Yêm mà con cháu mới bắt đầu đỗ đạt. Dù mộ được thiên táng nhưng lại ở vị trí hiếm có, dựa được vào thế đất hồ lô của làng nên long mạch táng ở đáy, “thế đất có hình thiên mã, có ngựa lớn, ngựa nhỏ chầu về. Bên ngoài thì có kim quy ngưỡng ngọa, bên trong thì có thượng thư án, bên thì tả tượng, bên thì hữu mã cùng chầu”.

Kể từ đó dòng họ Lê Hữu bắt đầu phát đường khoa bảng, mở đầu là Lê Hữu Thời đỗ kỳ thi Hương, vào thi Hội thì đỗ qua tam trường, được bổ nhiệm làm Tri huyện Chí Linh. Em trai ông là Lê Hữu Danh đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1670.

Đến đời vua Lê Dụ Tông có Lê Hữu Mưu đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, làm quan đến Tả thị lang. Ông sinh ra Lê Hữu Trác được suy tôn là đại danh y.

Tại nhà thờ tiến sĩ dòng họ Lê Hữu có tấm bia “Lê triều Lê Tướng công mộ chí” dựng năm 1738 ghi chép lại ý chí học tập của những vị đại khoa dòng họ Lê Hữu.

Trong nhà thờ có đôi cấu đối như sau:

Vạn cổ huân lao triều quận trọng,
Thiên thu hương hỏa miếu đường long.

Nghĩa là:

Công lao to lớn muôn đời được coi trọng trong triều ngoài quận,
Hương khói ngàn thu vẫn rực rỡ ở miếu đường.

Cổng nhà thờ tiến sĩ còn đôi câu đối ca ngợi danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:

Hiển đạt Đông y danh quốc sử,
Lưu truyền Nam dược tế dân sinh.

Nghĩa là:

Làm rạng rỡ khoa thuốc phương Đông để tên tuổi trong quốc sử,
Lưu truyền lại ngành thuốc Nam cứu độ cuộc sống nhân dân.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: