Hưng Yên là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với truyền thống hiếu học đã hình thành nhiều làng khoa bảng nổi tiếng đóng góp nhân tài cho đất nước, trong đó có làng Thổ Hoàng được xem là vùng “đất vàng” với nhiều người đỗ khoa bảng.

van mieu xich dang 1
Văn miếu Xích Đằng, nơi ghi danh các bậc đại khoa tỉnh Hưng Yên.. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

“Đất lành chim đậu”

Làng Thổ Hoàng hình thành cách đây gần 2.000 năm, nay là Thổ Hoàng Cả thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên. Nơi đây được xem là đất lành chim đậu, các xóm trong làng quây quần theo thế “thất tinh quần tụ”.

“Thổ Hoàng” có nghĩa là “đất vàng”, mà “đất lành chim đậu”, người dân trong làng tự hào là nơi duy nhất ở xứ Nhãn có “đảo Cò”, đây là đảo rộng một sào bắc bộ (1.000 m2) nằm giữa hồ nước, cây cối sum suê, cò đậu trắng xóa. Xung quanh đảo cứ sớm hay chiều tà là lại có những cánh cò trắng bay lượn tô điểm cho ngôi làng thêm phần thơ mộng.

Đây là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên với hàng trăm người đỗ đạt từ tiến sĩ đến cử nhân tú tài. Nhiều người đỗ tiến sĩ nên các nguồn sử liệu không thống nhất, có nguồn cho rằng làng có 18 người đỗ tiến sĩ, nhưng cũng có tư liệu cho rằng có 14 người đỗ tiến sĩ.

Theo sự tích của làng truyền lại thì trước kia làng có 3 chùa lớn, 9 giếng, 8 cổng cùng nhiều nhà thờ họ lớn nhỏ. Các sĩ tử làng bên hay các sĩ tử tiện đường đi thi đều ghé qua đây để ôn tập và ghé các chùa cầu nguyện mong đỗ đạt.

Người đỗ khai khoa và là Hoàng giáp trẻ nhất nước

Người tiêu biểu nhất cũng là người đỗ khai khoa của làng là Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn. Ông đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) năm 12 tuổi, đỗ Hoàng giáp năm 1304 lúc mới 15 tuổi, trở thành người đỗ Hoàng giáp trẻ nhất nước.

Cả đời từ khi làm quan cho đến khi được thăng làm Nhập nội Đại hành khiển (tương đương Tể tướng), tước Thân Quốc công, Nguyễn Trung Ngạn đều là quan thanh liêm, một lòng vì dân vì nước.

Nguyễn Trung Ngạn được đánh giá rất cao, nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông trong 10 danh thần lỗi lạc nhất của thời Trần. Còn Trần Nguyên Đán thì ca ngợi: “sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vời vợi như núi Thái Sơn”.

Tiếp theo Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn, làng Thổ Hoàng có nhiều người đỗ đại khoa, đặc biệt có những dòng họ nhiều người đỗ đạt.

Họ Hoàng có 5 người đỗ đại khoa, người đỗ khai khoa cho họ Hoàng là Hoàng Tuân đỗ Bảng nhãn năm 1553, sau đó cháu của ông là Hoàng Chân Nam đỗ tiến sĩ 1571, Hoàng Công Chí đỗ tiến sĩ năm 1670. Hoàng Công Bảo là con của Hoàng Công Chí, đỗ tiến sỹ năm 1710. Hoàng Bình Chính là cháu nội Hoàng Công Bảo, đỗ tiến sỹ năm 1775.

Bên cạnh họ Hoàng, các họ khác như họ Vũ và họ Nguyễn, mỗi họ cũng có 3 người đỗ đại khoa.

Tiến sĩ Lê Trọng Thứ (cha của Lê Quý Đôn) từng đến làng Thổ Hoàng, sau này vì mến cảnh nơi đây đã cho con trai là Lê Quý Thái đến làng Thổ Hoàng lập nghiệp và sinh ra xóm Vườn Hồng.

Chuyện phong thủy phá vượng khí?

Về sau này số người đỗ đạt trong làng Thổ Hoàng không còn nhiều nữa. Dân làng vẫn lưu truyền câu chuyện về việc vượng khí của làng bị phá như vậy.

Cánh đồng của làng trước đây gọi là  cánh đồng Nhạn (vì có hình dáng giống con chim Nhạn), nằm ở phía Tây Nam của làng. Đây là nơi có phong thủy tốt, Thành Hoàng của làng và những người đỗ đạt cao đều được an táng tại đây, đời sau nối tiếp đời trước mà đỗ đạt.

Bấy giờ có thầy địa lý Trung Quốc thấy làng Thổ Hoàng nhiều người đỗ đạt khoa bảng, nên tìm cách phá đi vượng khí. Người ấy thuê người đào một con kênh lớn và sâu chạy từ đầu làng về phía nam, nói đào kênh vè phía nam để dẫn nước, nhưng khi đến gần khu cánh đồng Nhạn thì cho thợ đào vòng sang phía tây sát cánh đồng Nhạn nhằm phá đi vượng khí. Con kênh này đâm trước mặt làng, đâm sang hướng tây để triệt luôn long mạch của làng.

Con kênh này hiện người dân quen gọi là con Cừ. Không rõ câu chuyện này thực hư ra sao, nhưng từ khi có con kênh này thì quả là người dân trong làng không có người đỗ đại khoa nữa.

Bảo tồn truyền thống

Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học xưa, làng Thổ Hoàng lập quỹ khuyến học nhằm động viên khen thưởng, khuyến khích con cháu trong làng học tập có hiệu quả.

Còn trện đảo Cò vẫn có đến hàng nghìn cò trắng. Dù nhiều vậy nhưng không có cảnh săn trộm, người dân luôn ý thức giữ gìn đảo này, xem như viên ngọc quý mà thiên nhiên ban cho vùng “đất vàng”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: