Thời cổ đại, lễ chúc thọ là hoạt động chúc mừng, thể hiện lòng tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với người bề trên. Đồng thời đó còn là cách người xưa dâng hương điểm chúc, đền đáp Thần, khẩn cầu Thần linh ban cho người bề trên được thọ vận, phù hộ cho người bề trên vốn đã già yếu có thể vượt qua được những cửa ải khó khăn của quá trình sinh mệnh. Hoạt động này được tổ chức rất long trọng và cũng thể hiện ra lễ nghi của người xưa.

Lễ chúc thọ trong đời sống tinh thần của người xưa
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Public Domain)

Từ thời nhà Hạ, người ta đã rất coi trọng và tôn kính đối với ngày sinh nhật và ngày chúc thọ của người lớn trong gia đình. Tuy nhiên, không phải ngày sinh nhật nào cũng là ngày chúc, quy định tổ chức cũng khác nhau. Tục ngữ nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, cho nên tiệc chúc thọ người bề trên mà được tổ chức không đủ lễ nghi, không đủ long trọng thì sẽ là một thiếu sót rất lớn.

Từ sau thời nhà Chu, vô luận là trong cung đình hay ở dân gian, cứ đến ngày chúc thọ của người bề trên thì mọi người đều sẽ mua lễ vật để chúc mừng. Đến thời nhà Đường, chúc thọ đã trở thành một nét đặc sắc không thể thiếu trong văn hóa truyền thống.

Thời cổ có câu: “Sinh nhật niên niên hữu, thọ đản lục thập thủ”, ý nói sinh nhật thì hàng năm đều có thể tổ chức nhưng chúc thọ thì phải đủ 60 tuổi mới được. Thông thường cứ mười năm hoặc vào một con số may mắn sẽ tổ chức chúc thọ một lần. Hơn nữa, càng ở tuổi cao hơn thì nghi thức của hoạt động chúc thọ cũng càng long trọng hơn.

Quy mô và hình thức tổ chức chúc thọ có rất nhiều nhưng nhìn chung sẽ được căn cứ vào hoàn cảnh và địa vị gia đình. Tuy nhiên, cách trang trí, tế lễ và các hoạt động giải trí trong ngày chúc thọ đều không thể tùy tiện theo sở thích của cá nhân hay gia đình mà phải theo nghi thức chung.

Khi làm lễ chúc thọ tại nhà, nơi gian chính được trang hoàng làm “thọ đường”, có dán chữ “Thọ” và giăng đèn kết hoa. Trong buổi lễ, trước tiên phải tế bái Thần linh và tổ tiên để thể hiện tấm lòng biết ơn, cảm tạ Thần linh và tổ tiên đã che chở phù hộ. Sau đó người được chúc thọ sẽ ngồi ở vị trí chính giữa phòng và nhận những lời chúc mừng, bái lễ từ người thân bạn bè. Nếu là người ngang hàng đến chúc mừng, người nhận lễ đứng dậy, nếu là trẻ nhỏ khấu bái, người nhận lễ phải thưởng cho một ít tiền.

Sau khi nghi thức tổ chức xong, mọi người sẽ cùng nhau ăn tiệc. Trong các món ăn thì mì sợi gọi là “thọ miến” là món không thể thiếu, lấy ý nghĩa “phúc thọ miên trường”. Thọ đào cũng là vật không thể thiếu, tuy nhiên có thể dùng đào làm từ bột mì thay cho quả đào thật. Bà con bạn bè đến chúc mừng thường mang theo tặng vật là quả đào, bức chướng, câu đối, tranh, tác phẩm điêu khắc…

Nếu đó là ngày chúc thọ của cha mẹ thì con gái đã xuất giá cũng phải về chúc mừng. Ở một số nơi, con gái xuất giá sẽ tặng người bề trên giày mới do tự tay mình làm để mừng thọ, còn có cả vải, mì sợi, rượu… Nếu cả cha mẹ vẫn còn mạnh khoẻ thì bất luận là hai người có cùng tuổi hay không cũng đều là “song thọ”, cho nên lễ vật tặng phải là hai phần.

Ở những gia đình giàu có người ta còn mời cả đoàn kịch, gánh hát đến biểu diễn. Các tác phẩm được biểu diễn đều mang ý nghĩa vui mừng, viên mãn. Kết thúc vở diễn đều là cảnh đoàn viên sum vầy để cầu tốt lành, may mắn. Khi ngồi xem cũng phải có trên dưới, trật tự lớn bé. Sau ngày chúc thọ, người trong nhà sẽ phân chia những đồ ăn trong buổi tiệc như đào mừng thọ, mì thọ, trái cây… cho con cháu, họ hàng, bạn bè như để đáp lễ và chia sẻ may mắn, phúc lộc, trường thọ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: