Đất Gò nổi – Phù Kỳ thuộc phủ Điện Bàn, Quảng Nam vào thế kỷ 19 được xem là “đất học”, “đất khoa bảng”. Thời điểm này có rất nhiều người đỗ đạt được Triều đình bổ nhiệm làm quan khắp nam – bắc. Trong số những người con của Gò nổi – Phù Kỳ, phải kể đến Lê Đình Đỉnh.

Le Dinh vi quan muon canh tan dat nuoc 02
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Xuất thân

Lê Đình Đỉnh (còn gọi là Lê Đỉnh) sinh năm 1847 ở làng Thạnh Mỹ, tổng Phú Khương Thượng (Gò Nổi – Phù Kỳ), huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Lê Đỉnh sinh ra trong dòng họ danh giá, theo gia phả thì ông là “cháu tám đời của nhà tiền hiền Lê Đình Lang (còn có tên Lê Lang), là cháu nội của Trung nghị Đại phu Thị độc Học sĩ, hàm Tứ phẩm Lê Đình Tỳ và bà Cung nhơn tùng tứ phẩm Trần Thị Tư, là con thứ sáu của quan Tam phẩm Thái hầu Tự khanh Lê Đình Thức và bà chánh thất Phan Thị Nại (còn có tên Phan Thị Đảnh), bà thuộc dòng dõi danh gia khoa bảng họ Phan ở Xuân Đài, đất Gò Nổi – Phù Kỳ.”

Thuở nhỏ Lê Đỉnh theo học ở trường Đốc Thanh Chiêm và là khóa sinh ưu tú của trường. Khoa thi năm 1870, Lê Đỉnh tham gia kỳ thi Hương và đỗ Cử nhân. Ông trải qua 18 năm quan lộ với các chức vụ như Biện lý Bộ Công, Phó chủ khảo trường thi Hương Nghệ An khoa Nhâm Ngọ (1882), Binh Bộ Thượng Thư sung Đông Các Đại Học Sĩ, Tổng đốc Hà Yên (Hà Nội- Hưng Yên), Hữu đô Ngự sử sung Cơ mật viện Đại thần.

Dâng kế sách cải cách canh tân

Năm 1858, liên quân Pháp, Tây Ban Nha nổ súng ở Đà Nẵng, bắt đầu tấn công Đại Nam. Sang nam sau 1859 thì liên quân tấn công thành Gia Định. Trước sự xâm lược của phương Tây, Lê Đỉnh luôn trăn trở về sự tụt hậu và bất lực của Triều đình. Ông tiếp xúc với những người có tư tưởng canh tân như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, v.v.. Từ đó ông chủ trương khuyến khích du học nhằm học hỏi được kỹ thuật nước ngoài để vựng dậy nhà Nguyễn.

Năm 1881, Lê Đỉnh được cử làm Chánh sứ đi Hương Cảng, sau đó ông đến các nước khác như Indonesia, Malaysia, Myanmar. Ông học hỏi được nhiều từ những chuyến đi này và khi về nước trình lên Vua:

“Các nước Thái Tây mà phú cường là chỉ cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy binh lính mà bênh vực việc buôn bán, lấy việc buôn bán mà nuôi binh lính. Gần đây Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người ngoại quốc ra vào buôn bán. Nước ta, người khôn ngoan, lại có lắm sản vật, nên theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ được quyền độc lập của nước nhà”.

(Theo “Việt Nam sử lược”)

Tuy nhiên tấu trình của ông có số phận giống như tấu trình của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ trước đó, Triều đình xem xét nhưng không có thay đổi nào.

Năm 1882, Lê Đỉnh lại được cử đi Sứ đến Tân Gia Ba (Singapore). Lúc trở về ông lại dâng tấu trình mô tả trung thực lại những kiến thức đã thấy được tại xứ người để mong Triều đình chấp nhận thay đổi. Thế nhưng Triều đình cũng không có hành động thay đổi kịp thời. Mặt khác, việc chủ hòa hay chủ chiến đang khiến cho Triều đình nhà Nguyễn tập trung nhiều tinh lực.

Chống Pháp không thành

Cũng trong năm 1882, đại tá Henri Rivière chỉ huy quân Pháp tiến đánh thành Hà Nội lần 2. Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình) Hoàng Diệu quyết chiến giữ thành. Tuy nhiên Việt gian làm nổ kho thuốc súng trong thành giúp quân Pháp tràn được vào trong. Hoàng Diệu để lại di biểu tạ tội rồi tuẫn tiết cùng thành.

Noi gương Hoàng Diệu, người dân Hà Nội đứng lên chống Pháp. Vì Triều đình đang nghị hòa và không muốn chống Pháp nên lần lượt cử 2 người khác lên làm Tổng đốc Hà Ninh, nhưng không sao ổn định được dân chúng.

Thượng thư bộ Hộ là Phạm Phú Thứ tiến cử người đồng hương Lê Đỉnh ra bắc làm Tổng đốc Hà Ninh và được Triều đình chấp thuận. Đồng thời Lê Đỉnh được giữ chức Binh bộ Thượng thư, rồi thăng làm Hữu Đô ngự sử sung Cơ mật viện Đại thần hàm nhị phẩm.

Năm 1883, vua Tự Đức mất, lợi dụng tình hình này quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An. Các chiến hạm pháp nã pháo vào pháp đài phòng thủ nhà Nguyễn. Quân Triều đình với vũ khí thô sơ không thể chống trả, 2.500 tướng sĩ tử trận và bị thương.

Thất bại tại Thuận An buộc Triều đình nhà Nguyễn phải ký hòa ước công nhận sự bảo hộ của Pháp.

Từ quan

Lê Đỉnh làm quan nhị phẩm nhưng cảm thấy khó lòng thay đổi thời thế, các chủ trương canh tân không được quan tâm đúng mức, nên năm 1884 ông mượn cớ phụng dưỡng cha mẹ dâng biểu từ quan, rồi dạy học ở quê nhà.

Năm 1890, vua Thành Thái ra sắc chỉ triệu Lê Đỉnh về Triều giữ chức Binh bộ Thượng thư, nhưng ông lấy cớ chăm sóc cha mẹ già để từ chối.

Bên cạnh việc hiếu thảo chăm sóc cha mẹ, Lê Đỉnh cũng dạy dỗ con cái chu đáo. Các con ông đều thông hiểu kinh nghĩa Nho gia, giỏi Hán văn, lại giỏi cả Pháp văn.

Theo “Các nhân vật họ Lê trong lịch sử”, những lúc vui vầy bên con cháu, ông thường dạy rằng:

“Đất Quảng Nam địa linh nhân kiệt, sông núi điệp trùng, nên người Quảng Nam học giỏi, tài cao, mưu sâu, mẹo hiểm. Nhưng phải cái tội tự cao, hay lý sự, tiết tháo nóng nảy, ngang tàng. Do đó, ra đời được nhiều người nể mà không thương, được nhiều người trọng mà không phục, nên mỗi khi làm lớn, nắm quyền trực tiếp thường hay gãy đổ. Nếu được làm mưu sĩ thì khó có ai sánh bằng”.

Hai con trai là những nhân vật đáng chú ý

Hai con trai của Lê Đỉnh là Lê Đình Dương và Lê Đình Thám, thuở nhỏ học đạo Nho với cha ở nhà, lớn lên thì theo học tiếng Pháp. Cả hai anh em rấ thông minh, luôn đỗ thủ khoa trong các kỳ thi từ tiểu học đến đại học.

Năm 1915, Lê Đình Dương tốt nghiệp thủ khoa y sĩ Đông Dương tại trường Cao đẳng y Hà Nội. Ông là người tiên phong của “Việt Nam quang phục hội” và giữ vị trí nòng cốt.

Lê Đình Thám tốt nghiệp thủ khoa y sĩ Đông Dương năm 1916, sau đó tốt nghiệp y khoa bác sĩ ngạch Pháp quốc khoá 1930 tại y khoa Đại học đường Hà Nội. Ông cũng là người yêu nước, nhưng khi người anh Lê Đình Dương bị bắt, mật thám Pháp theo dõi ông rất sát, khiến ông không thể làm được gì. Lê Đình Dương tự tử trong tù.

Năm 1928, Lê Đình Thám về Huế, làm Y sĩ trưởng tại Viện bào chế và vi trùng học Pasteur, cộng tác với bác sĩ Normet, giám đốc y tế Trung phần cùng Normet sáng chế ra Sérum Normet, được giới y khoa Pháp Việt đương thời rất trọng vọng.

Sau này Lê Đình Thám theo Phật giáo, có địa vị cao, lại đi theo chính phủ miền Bắc, dẫn đầu việc kết hợp Phật giáo với triết lý cộng sản vô thần. Điều này cuối cùng đã dẫn đến tình trạng Phật giáo tại Việt Nam mà chúng ta biết đến ngày nay.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: