Thời Hậu Lê, mọi quyền hành nằm hết vào trong tay chúa Trịnh, thậm chí ngay cả ngôi vua cũng là do nhà Chúa quyết định. Điều này phản ánh rất rõ qua câu chuyện lên ngôi của vua Lê Hiển Tông.

Năm 1727, chúa Trịnh Cương ép vua Lê Dụ Tông bỏ con trưởng là Duy Tường, lập con thứ là Duy Phường lên ngôi Thái tử, rồi lên ngôi Vua. Tuy nhiên sau khi chúa Trịnh Giang lên lại thay đổi ngược lại, truất Duy Phường để đưa Duy Tường lên ngôi Vua, tức vua Lê Thuần Tông.

Đến năm 1735 vua Thuần Tông mất sớm, Trịnh Giang thấy con trưởng của Vua là Duy Diêu 19 tuổi đã lớn và trưởng thành, e có thể gây khó khăn cho mình, nên chọn em của vua Thuần Tông là Duy Thận 17 tuổi lên ngôi Vua, gọi là Lê Ý Tông.

Lúc này ở trong cung, chúa Trịnh Giang không nghe lời các đại thần, trọng dụng thái giám, lại cho tăng các khoản thuế để quốc khố có tiền cho mình ăn chơi. Hơn nữa, chúa còn bắt dân phục dịch xây nhiều cung quán như Hồ Thiên, Hành cung Quế Trạo, Từ Dương, phủ đệ ở các làng ngoại Tử Dương, Mi Thử.

Phu chua Trinh 01
Phủ chúa Trịnh thế kỷ 17. (Tranh: Samuel Baron, Royal Society Collection, Wikipedia, Public Domain)

Các chính sách chèn ép khiến người dân oán thán, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật. Ông là con vua Lê Dụ Tông và là chú ruột của Duy Diêu. Cuộc khởi nghĩa này cũng quy tụ nhiều hoàng thân nhà Lê cùng tham gia.

Cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật khiến quân chúa Trịnh thiệt hại lớn. Duy Diêu vì là cháu ruột của Lê Duy Mật liền bị chúa Trịnh Giang cho bắt giam lại, số phận thật bi thảm, tưởng như phải sống như vậy đến chết.

Trước tình hình Đàng Ngoài suy thoái bởi Trịnh Giang, Trịnh thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa Trịnh Doanh (em Trịnh Giang) lên ngôi Chúa. (Xem bài: Vị Chúa phải chui nhủi dưới hầm suốt 20 năm cuối đời)

Trịnh Doanh lên ngôi chúa năm 1740, cố gắng cải thiện mối quan hệ với nhà Lê để ổn định lòng người.

Tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí miêu tả rằng để tránh điều tiếng, chúa Trịnh Doanh cho chuyển Lê Duy Diêu đến vương phủ của cậu mình là Vũ Tất Thận. Trùng hợp là ngay tối hôm trước khi đưa Lê Duy Diêu đến, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình”.

Sáng hôm sau quân lính đưa hoàng tử Duy Diêu đến nhà, Vũ Tất Thận ngạc nhiên cho là ứng vào điềm giấc mộng của mình, nên sau đó kể lại sự việc với Chúa. Trịnh Doanh cũng cho là điềm báo nên cho đón hoàng tử Lê Duy Diêu ra cho lên ngôi Vua. Vua cũ là Lê Ý Tông bị ép nhường lại ngôi, nhưng được tôn làm Thái Thượng Hoàng.

Chính sử thì cho rằng vì Trịnh Doanh là chúa có tài, muốn hòa hoãn với nhà Lê nên đã trả lại ngôi vua cho ngành trưởng cho hợp với khuôn phép.

Lê Duy Diêu lên ngôi Vua, hiệu là Hiển Tông. Chúa Trịnh Doanh quan tâm cải thiện tốt mối quan hệ với nhà Lê để làm yên lòng dân, vì thế mà Vua Hiển Tông không phải lo lắng hay bị đe dọa phế truất như các đời Vua trước đó. Vua cũng được nhà Chúa coi trọng ở mức độ nhất định dù chỉ là hình thức.

Năm 1767, Trịnh Doanh mất. Năm 1769, Chúa Trịnh Sâm vì hiềm khích sâu với thái tử Duy Vĩ nên bắt giam, lập con thứ của Lê Hiển Tông lên ngôi. Sau đó không lâu, Trịnh Sâm giết Duy Vĩ trong sự bất lực của Lê Hiển Tông. Từ đó, nhà Lê lại gặp phải cảnh bị họ Trịnh lấn quyền.

Lạ lùng Lê Hiển Tông: Từ bị giam một bước lên thẳng ngôi Vua
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Tháng 7 năm 1786, nhà Tây Sơn với chiêu bài “phù Lê diệt Trịnh” kéo quân ra Thăng Long đánh đổ Trịnh Khải. Bấy giờ vua Lê Hiển Tông đã rất yếu rồi. Sau khi sắp xếp truyền ngôi cho Lê Chiêu Thống, vua mất tại điện Vạn Thọ vào ngày 17/7.

Dù một bước từ bị giam lên thẳng ngôi vua, nhưng Lê Hiển Tông ở ngôi vua đến 47 năm, thọ 70 tuổi. Đây là vị Vua ở ngôi lâu nhất và sống thọ nhất trong tất cả các Vua thời Hậu Lê. Dù là thời Lê Sơ, được xưng là thời hoàng kim của chế độ quân chủ Đại Việt, cũng không có được một vị Vua ở ngôi lâu đến vậy.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: