Lê Quý Đôn là nhân vật lịch sử có nhiều cống hiến cùng những tác phẩm trải rộng trên nhiều lĩnh vực: triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học… Những tác phẩm của ông có đến 40 bộ bao gồm hàng trăm quyển. Ông được xem là nhà bác học lớn, được nhiều người kính trọng. Bên cạnh học thuật, ông cũng có những đóng góp trong việc bang giao giữa Đại Việt với nhà Thanh.

Lê Quý Đôn và hai giai thoại bang giao với nhà Thanh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Đi sứ khiến quan lại nhà Thanh cảm phục

Năm 1759 vua Lê Ý Tông mất, Triều đình cho Sứ sang nhà Thanh để báo tang. Việc đi sứ sang phương bắc rất quan trọng nên triều đại nào cũng chọn những người giỏi nhất lĩnh trọng trách này. Lê Quý Đôn được cứ làm Phó sứ, tước Dĩnh Thành bá cùng đoàn sứ sang nhà Thanh.

Khi đoàn sứ nước Việt đi qua các địa phương của Trung Quốc, họ bị gọi là “Di quan di mục” nghĩa là quan lại tới từ xứ thấp kém phương xa.

Lê Quý Đôn liền viết bức thư gửi đến Tổng đốc Quảng Châu phản đối việc này. Ông sử dụng lời văn chặt chẽ yêu cầu triều đình Mãn Thanh phải ra lệnh bỏ danh từ này khi gọi đoàn sứ Đại Việt. Từ đó nhà Thanh gọi đoàn sứ của Đại Việt là “An Nam cống sứ”.

Danh tiếng của Lê Quý Đôn được các quan lại nhà Thanh biết đến. Trong thời gian đi sứ, ông có đưa một số tác phẩm của mình cho một số quan lại và danh sĩ phương bắc xem, họ rất khâm phục.

Các quan nhà Thanh như Binh bộ Thượng thư Lương Thi Chinh, Công bộ Thượng thư Quy Hữu Quang và nhiều danh sĩ khác đều gặp ông đàm đạo.

Đề đốc Quảng Tây Chu Bội Liên cũng là một học giả có tiếng đã nhận xét rằng: “Nước tôi có nhiều nhân tài, nhưng những người có tài như sứ quân đây chỉ được một vài người”.

Khi làm lễ ở điện Hồng Lô, Lê Quý Đôn gặp đoàn sứ Triều Tiên do Hồng Khải Hi dẫn đầu. Ông cùng làm thơ với họ và giới thiệu cuốn sách của mình là “Thánh mô hiền phạm lục”, “Quần thư khảo biện” và “Tiêu Tương bách vịnh” và nhận được sự khen ngợi (theo “Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1” của Phan Huy Chú).

Một số bài thơ của Lê Quý Đôn với đoàn sứ thần Triều Tiên còn được ghi lại trong cuốn “Tống Triều Tiên quốc sứ”.

Giải câu đố của Sứ thần nhà Thanh

Theo giai thoại thì Lê Quý Đôn còn giúp Triều đình trong một lần đón Sứ thần nhà Thanh. Bấy giờ nhiều quan lại lạm quyền bất chấp pháp luật, Lê Quý Đôn dâng sớ xin thiết lập pháp chế nghiêm minh nhưng Chúa không nghe. Lê Quý Đôn bèn xin được nghỉ hưu không làm quan nữa.

Nhằm lúc Sứ thần nhà Thanh đến, nhưng đến cổng thì dừng lại không chịu vào. Chúa Trịnh cùng các quan chờ mãi không thấy đâu, thì thấy có người mang tấm vải của Sứ thần với cái dấu có chữ rất kỳ lạ, nhìn vừa giống chữ “xa” (xe – 車) nhưng cũng giống chữ “đông” (東), rốt cuộc không ai biết chữ gì, cũng chẳng biết Sứ thần muốn gì.

Triều đình phải tìm đến Lê Quý Đôn nhờ giúp. Ông suy nghĩ một lát liền bảo đưa cho Sứ thần áo cầu (loại áo làm bằng da, dành cho quan lại quý tộc) thì tự khắc sẽ vào.

Quả nhiên khi nhận được áo thì đoàn Sứ nhà Thanh mới chịu vào cổng.

Sau khi tiếp Sứ thần rồi Chúa gặng hỏi, Lê Quý Đôn mới nói rằng trong chữ không ra chữ “xa”, cũng không ra chữ “đông”, nghĩa là “phỉ xa bất đông”.

Trong Kinh Thi có câu: “Hồ cừu mông nhung, phỉ xa bất Đông”, nghĩa là áo hồ cừu rách rưới, chẳng phải không có xe mà không sang phía đông. Sứ nhà Thanh mượn câu này để nói mình không có áo đại lễ nên không vào. Nhờ thông tỏ hơn người mà Lê Quý Đôn hiểu được dụng ý Sứ nhà Thanh.

Nhà sử học Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã đánh giá Lê Quý Đôn rằng:

Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người mà (vẫn) giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh (ông) làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: