Vua Lê Thần Tông là một vị vua khá đặc biệt trong sử Việt, khi 2 lần lên ngôi vua, có 4 con trai đều lần lượt làm vua. Tuy nhiên, điều này lại đều xuất phát từ bi kịch đáng buồn của thời Lê Trung Hưng, khi vua chỉ là bù nhìn, còn quyền hành đều nằm trong tay chúa Trịnh.

Lê Thần Tông: Vị vua lên ngôi 2 lần, 4 con đều làm vua
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hai lần lên ngôi vua

Sau khi vua Lê Kính Tông ủng hộ Trịnh Xuân tranh ngôi Chúa bất thành thì thắt cổ mà chết. Con trưởng là Lê Duy Kỳ lên nối ngôi, hiệu là Thần Tông.

Sau 24 năm ở ngôi, đến năm 1643 thì Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trai mới 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) rồi lên làm Thái thượng hoàng.

Tuy nhiên Lê Chân Tông ở ngôi được 6 năm thì bị bệnh mà qua đời năm 1649. Do vua Chân Tông không có con nên chúa Trịnh Tráng liền đưa Thần Tông trở lại ngôi vua. Đây là trường hơp hy hữu trong lịch sử khi một người lên ngôi vua 2 lần.

Thời kỳ vua Lê Thần Tông trị vì cũng là thời kỳ mà thực quyền đều nằm trong tay của chúa Trịnh, vua chỉ còn là bù nhìn. Cũng trong thời kỳ này, có đến 3 lần chúa Trịnh tiến đánh chúa Nguyễn, cả 3 lần này vua Thần Tông đều phải ra trận. Mục đích chúa Trịnh để vua ra trận là để lấy danh nghĩa “phò Lê” nhằm tiến đánh chúa Nguyễn.

Phải lấy vợ phương Tây

Thời kỳ này cảng Hội An của chúa Nguyễn nổi tiếng khắp thế giới, thu hút được phương Tây đến trao đổi mua bán. Nhờ giao thương với phương Tây mà chúa Nguyễn có được đại bác lợi hại của Bồ Đào Nha, nhiều lần đẩy lui quân Trịnh.

Chúa Trịnh thấy vậy bèn tìm cách kéo người Hà Lan đến khu cảng sầm uất ở Phố Hiến (thuộc Hưng Yên), đồng thời muốn có được vũ khí từ họ.

Để có được quan hệ tốt với người Hà Lan, chúa Trịnh đã yêu cầu vua Lê Thần Tông cưới một người Hà Lan làm vợ. Năm 1630, Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan cùng cô con gái là Orona đến Thăng Long. Theo lời khuyên của bố, cô con gái đã đồng ý lấy vua Lê Thần Tông và làm vương phi.

Nhà sử học Charles Robequin trong cuốn “Le Thanh Hoa” (xứ Thanh Hoa) có viết rằng với cuộc hôn nhân này, vua Lê Thần Tông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên lấy vợ là người châu Âu.

Chúa Trịnh Tráng vì mưu lợi mà sẵn sàng nhượng cả đất đai cho người Hà Lan. Điều này được thể hiện qua bức thư chúa Trịnh Tráng gửi cho Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan vào năm 1637:

“Các ông có thể cho chúng tôi 2 hoặc 3 chiếc tàu, hoặc 200 lính thiện xạ… Thêm vào đó, xin gởi cho chúng tôi 50 chiến thuyền cùng với số lính tuyển chọn và những khẩu súng mạnh, và chúng tôi sẽ gửi một số lính tin cậy đến hướng dẫn các chiến thuyền của các ông tới Quảng Nam. Đồng thời đạo quân của chúng tôi sẽ tấn công Thuận Hóa… Sau khi chiến thắng chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính các ông 20.000 tới 30.000 lạng bạc. Về phần các ông, chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị. Các ông có thể chọn một số lính để xây dựng và canh gác thành, chúng tôi sẽ truyền lệnh cho người dân ở đó làm lao dịch cho các ông. Các ông có thể thu hoạch các sản phẩm trong vùng và gởi một phần cho triều đình chúng tôi, như thế cả hai đều được hưởng lợi…”

Bấy giờ công ty Đông Ấn Hà Lan là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới, là mẫu công ty đầy quyền lực, sở hữu gần như toàn bộ quyền lực của chính phủ như phát động chiến tranh, thay mặt trong các đàm phán hiệp ước, thành lập thuộc địa, v.v..

Với sự mặc cả này, Hà Lan đồng ý giúp chúa Trịnh. 2 đội tàu của Hà Lan đến Đàng Ngoài chuẩn bị tiến đánh chúa Nguyễn. Tuy nhiên đội tàu thứ hai đã bị quân chúa Nguyễn chặn đánh và tiêu diệt trên biển vào năm 1643. Kết quả sự giúp đỡ của người Hà Lan cũng không giúp cho chúa Trịnh xâm chiến được Đàng Trong.

4 người con lần lượt lên ngôi vua

Vua Lê Thần Tông cũng có đến 4 người con được lên ngôi vua. Người con thứ nhất lên ngôi vua là Lê Chân Tông. Năm 1662, vua Lê Thần Tông bị bệnh rồi mất, người con thứ hai lên ngôi là Lê Huy Vũ, hiệu là Lê Huyền Tông.

Phu chua Trinh 01
Phủ chúa Trịnh thế kỷ 17. (Tranh: Samuel Baron, Royal Society Collection, Wikipedia, Public Domain)

Vua Huyền Tông ở ngôi được 9 năm thì mất vào năm 1671 khi mới 17 tuổi và không có con nối dõi. Con của Lê Thần Tông là Lê Duy Cối tiếp tục lên ngôi vua khi mới 11 tuổi, hiệu là Lê Gia Tông.

Tuy nhiên vua Gia Tông chỉ ở ngôi được 4 năm thì mất khi mới 15 tuổi. Chúa Trịnh Tạc lập em của ông và cũng là con của Lê Thần Tông là Lê Duy Hiệp lên ngôi vua, hiệu là Lê Hy Tông. Đây cũng là người con thứ 4 của Lê Thần Tông lên ngôi vua.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: