Vào những năm đầu Công Nguyên, ở phương Tây có đế quốc La Mã oai phong, thống trị lãnh thổ rộng khắp quanh Địa Trung Hải ở châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Lịch sử Đế quốc La Mã trải dài suốt 1.480 năm, khởi đầu từ năm 27 TCN khi Augustus lên ngôi Hoàng đế và kết thúc vào năm 1453.

Danh hiệu người đứng đầu Đế quốc La Mã cũng có thay đổi, imperator, augustus, caesar và princeps, nhưng nếu dịch nghĩa thì tương đương như tên gọi Hoàng đế của phương Đông, vì thế mà sách sử phương Đông gọi chung họ là Hoàng đế. Khác với các Hoàng đế khác, các Hoàng đế La Mã không phải do cha truyền con nối, Hoàng đế có thể chỉ định ra người thay mình làm Hoàng đế, hoặc Hoàng đế có thể do Viện Nguyên lão hoặc quân đội bầu chọn hay chỉ định ra.

Augustus mở ra thời kỳ “Đại thịnh trị”

Năm 44 TCN, Julius Caesar bị ám sát, trước khi chết Caesar chỉ định Octavian là người kế thừa mình. Octavian đánh bại hoàn toàn các đối thủ, rồi trở về Kinh thành La Mã (Rome) để nắm quyền.

Năm 27 TCN, Octavian tuyên bố trao trả quyền hành của mình về tay Viện Nguyên lão. Và Viện Nguyên lão đã quyết định tôn Octavian thành Augustus (nghĩa là người ở địa vị tối cao hoặc thiêng liêng) tương tự như Hoàng đế. Augustus trở thành Hoàng đế La Mã đầu tiên. La Mã cũng chuyển từ chế độ Cộng hòa La Mã sang chế độ nguyên thủ.

Thời kỳ Octavian trị vì được xem là thời kỳ “đại thịnh trị của Augustus”. Ông được xem là vị Hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Đế quốc La Mã, người đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển qua hàng thế kỷ của nó.

Lịch sử 1480 năm của Đế quốc La Mã (P1)
Bức tượng Augustus. (Ảnh: Till Niermann, Wikipedia, Public Domain)

Lúc này chiến tranh đã qua, Octavian giảm thiểu quân đội, chỉ giữ lại ở mức thấp nhất dể bảo đảm hòa bình. Ông chia sẻ quyền đề cử Thống đốc các tỉnh với Viện Nguyên lão và gọi đây là các tỉnh của Viện Nguyên lão. Riêng các tỉnh nơi biên giới thì do Octavian đề cử nhằm bảo vệ biên giới, những tỉnh này được gọi là tỉnh của Hoàng đế.

Tiền thuế từ các tỉnh của Viện Nguyên lão sẽ chuyển vào ngân khố của Viện Nguyên lão, còn tiền thuế các tỉnh của Hoàng đế sẽ chuyển vào ngân khố của Hoàng đế. Các tỉnh ở biên giới như Ai Cập vốn trù phú, Octavian lại quản trị tốt ngân khố của mình nên thường thì tiền bạc trong ngân khố Hoàng đế nhiều hơn so với Viện nguyên lão. Nhờ đó Hoàng đế có đủ tiền bạc nuôi quân, những binh lính La Mã đều trung thành với Hoàng đế.

Địa vị và uy tín của Octavian lên cao đến mức người ta quyết định đổi tên tháng 8 thành August để vinh danh ông. Năm 14 SCN, Octavian mất, những người lên kế vị cơ bản đều thực hiện các chính sách kế thừa từ Octavian giúp Đế quốc La Mã ổn định.

Nero khiến La Mã suy thoái

Đến năm 54 SCN, Nero trở thành Hoàng đế La Mã, ông cho xây nhiều nhà hát và khuyến khích mua vui bằng các đấu trường.

Năm 64 SCN xảy ra vụ “Đại hỏa hoạn Roma” nổi tiếng lịch sử, ngọn lửa suốt 6 ngày 6 đêm thiêu cháy vô số nhà cửa. Sau này nhà sử học La Mã là Publius Cornelius Tacitus cùng một số nhà sử học khác cho rằng chính Nero là người tạo ra cuộc hỏa hoạn này thiêu cháy kinh thành La Mã nhằm có đất để mở rộng thêm cung điện của mình. Một số tư liệu lịch sử chép rằng Hoàng đế Nero lúc đó đứng trên tòa tháp cao, vừa đánh đàn ngâm thơ, vừa nhìn đám cháy.

dau truong 1
Phần còn lại của đấu trường La Mã xưa. (Ảnh: Diliff., Wikipedia, CC)

Nero đã đổ oan cho những người theo Kitô giáo gây hỏa hoạn, bịa đặt những lời dối trá, tuyên truyền rằng chính những người Kitô giáo là nguyên nhân gây ra bất ổn. Từ đó đưa ra chính sách đàn áp tàn khốc.

Một số hình thức đàn áp các tín đồ Kitô như hạ lệnh bắt họ ném vào trong các đấu trường thú dữ để giới quyền quý mua vui. Nero còn sai thuộc hạ bắt rất nhiều người Kitô giáo cột chung vào bó cỏ khô, làm thành những ngọn đèn xếp thành hàng trong hoa viên, để khi trời tối đốt lên, chiếu sáng khắp hoàng cung. Nhiều người La Mã tin theo những lời vu khống của Nero mà đàn áp tín đồ.

Lịch sử 1480 năm của Đế quốc La Mã (P1)
Tín đồ Kitô bị đem cho sư tử xé xác trong đấu trường như một trò mua vui trước sự chứng kiến của người dân La Mã. (Tranh: The Christian Martyrs’ Last Prayer, Họa sĩ Jean-Léon Gérôme, 1863-1883, Walters Art Museum, Public Domain, Wikipedia)

Trong lịch sử Nero được ví là một bạo chúa, không chỉ đàn áp Kitô giáo, ông ta còn giết chính mẹ của mình để củng cố quyền lực. La Mã bắt đầu thời kỳ suy thoái.

Nội chiến

Một năm sau trận hỏa hoạn và đàn áp tín đồ Kitô, La mã phải hứng chịu dịch bệnh khiến đế quốc rối loạn, bạo động nổ ra. 3 năm sau, vào năm 68 SCN, quân đội nổi loạn ở Roma khiến Nero phải lẩn trốn. Tuy nhiên đối mặt với phán quyết của Viện Nguyên lão, Nero đã phải tự sát.

Sau khi Nero chết, La Mã bước vào cuộc nội chiến tranh giành ngôi báu, 4 vị tướng nắm giữ quân đội ở 4 vùng quyết đấu với nhau. Đến năm 69 SCN thì Vespasian chiến thắng, ông buộc Viện Nguyên lão phải công nhận mình lên ngôi, mở ra thời kỳ gọi là vương triều Flavia, thời kỳ này kéo dài đến năm 96 SCN.

Thời kỳ từ năm 96 đến 180 là thời kỳ “5 vị minh quân”, thời kỳ này chứng kiến sự nối ngôi êm ả không có tranh chấp. Hoàng đế không truyền ngôi cho con hay người trong gia tộc, mà thấy ai có phẩm chất tốt thì nhận làm con nuôi rồi sau đó truyền lại ngôi.

Năm 192, Hoàng đế Commodus đã bị võ sĩ Narcissus siết cổ tới chết trong một âm mưu liên quan tới Đội vệ sĩ của Hoàng đế La Mã và các thành viên Viện Nguyên lão. Sau đấy La Mã bước vào cuộc chiến tranh giành ngôi báu khốc liệt gọi là “Năm của 5 vị Hoàng đế” tức chỉ tính trong năm 193 có tới 5 người lên ngôi Hoàng đế.

Sau đó La Mã tiếp tục thời kỳ nội chiến liên miên, đỉnh điểm là năm 238 có 6 người xưng Hoàng đế. Nhận thấy La Mã bất ổn, liên tục nội chiến, các nước ngoại bang đưa quân tấn công khiến La Mã càng thêm khó khăn. Đến năm 260, La Mã bị bại trận trước Đế chế Sassanid, Hoàng đế Valerian bị bắt rồi bị giết.

Phân chia thành Đông La Mã và Tây La Mã

Năm 284, Diocletian lên ngôi Hoàng đế La Mã, giúp ổn định lại đất nước. Ông nhận thấy La Mã quá rộng lớn với nhiều văn hóa sắc tộc, rất khó trị vì, dẫn đến nhiều áp lực từ bên trong cũng như bên ngoài. Vì thế Diocletian chia sẻ ngôi vị với bạn mình là Maximian.

La Mã được chia làm Đông La Mã và Tây La Mã, ranh giới nằm ở vùng phía đông nước Ý ngày nay. Tây La Mã bao gồm phần lớn Tây Âu ngày nay và tây bắc Châu Phi. Đông La Mã bao gồm Đông Âu, một phần Châu Á và đông bắc Châu Phi.

Hai người đều là Hoàng đế với Đế hiệu là Augustus. Diocletian trở thành Augustus (Hoàng đế) của Đông La Mã và Maximian là Augustus của Tây La Mã.

Đến năm 293 thì quyền lực được chia nhỏ hơn nữa, mỗi Augustus sẽ chọn ra một hoàng đế trẻ hơn gọi là Caesar để giúp mình trị quốc, khi Caesar lên thay Augustus thì sẽ lại chọn ra một người mới làm Caesar, thể chế này được gọi là “Tứ đầu chế”.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: