Vào những năm đầu Công Nguyên, ở phương Tây có đế quốc La Mã oai phong, thống trị lãnh thổ rộng khắp quanh Địa Trung Hải ở châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Lịch sử Đế quốc La Mã trải dài suốt 1.480 năm, khởi đầu từ năm 27 TCN khi Augustus lên ngôi Hoàng đế và kết thúc vào năm 1453. Sau khi Tây La Mã sụp đổ, Đông La Mã đã tồn tại thêm nghìn năm nữa.

Tiếp theo kỳ trước, sau khi Tây La Mã sụp đổ, Đông La Mã vẫn phát triển thành Đế chế hùng mạnh, thường gọi là Đế chế Byzantine. Dù là đế chế rộng lớn đa sắc tộc, nhưng việc cùng chung một tín ngưỡng, ngôn ngữ đã gắn kết các sắc tộc với nhau. Byzantine lại nằm ở vị trí giữa châu Âu, châu Á và châu Phi nên Đông La Mã thành nơi trung chuyển chính của con đường tơ lụa và là trung tâm thương mại lớn của thế giới.

Nằm ở vị trí tốt, đất nước giàu có, lại là một trong những chiếc nôi của văn minh thế giới, Đông La Mã dễ bị dòm ngó, vì thế các Hoàng đế chủ trương tránh chiến tranh, xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc, điều này gúp Đông La Mã giữ được sức mạnh và tồn tại lâu dài.

Phát triển cực thịnh, thu hồi một phần vùng đất phía tây

Năm 527, Justinian I lên ngôi Hoàng đế, có ý định thu phục lại các vùng đất ở Tây La Mã trước kia. Ông cùng với vị tướng tài năng Belisarius chinh phục Vương quốc Vandal ở Bắc Phi, mở rộng sự kiểm soát của La Mã đến Đại Tây Dương. Sau đó Đông La Mã đánh chiếm được nước Ý, đưa thành Rome trở về. Những chiến dịch này giúp biên giới Đông La Mã mở rộng, tăng thêm của cải.

Để trị vì được tốt, Justinian I ban hành bộ luật dân sự. Bộ luật sau này được rất nhiều nước châu Âu dựa theo. Hoàng đế Justinian I còn cho xây dựng rất nhiều công trình nổi tiếng như Thánh đường St. Sophia và Cung điện hoàng gia.

Đông La Mã
Lãnh thổ cực thịnh của Đông La Mã dưới thời Justinian I. (Ảnh: Tataryn, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Tuy nhiên dịch bệnh vẫn chưa buông tha cho La Mã. Năm 540, một trận dịch hạch tràn đến khiến ¼ dân số La Mã bị chết, kết thúc thời đại huy hoàng dưới thời Justinian I. Sau dịch bệnh, Đông La Mã suy yếu và không đủ sức giữ được phần lãnh thổ được mở rộng phía tây, thành Rome cũng không còn giữ được.

Đến năm 867, Basíleios I lên ngôi Hoàng đế, đánh dấu thời kỳ khôi phục và phát triển thịnh vượng của Đông La Mã. Triều đại này kéo dài đến 2,5 thế kỷ, và nhờ phục hồi sức mạnh mà thu hồi về nhiều vùng đất bị mất. Với những chiến thắng liên tục trước người Ả Rập, Bulgaria. Đến năm 1025, biên giới của Đông La Mã trải dài từ Armenia ở phía đông cho tới tận Calabria ở miền nam Ý.

Lịch sử 1480 năm của Đế quốc La Mã (P3)
Đại Thánh đường Hagia Sophia (nay là một viện bảo tàng). (Ảnh: AlexAnton, Shutterstock)

Constantinopolis trở thành thành phố lớn nhất và giàu có nhất ở châu Âu với số dân là 400.000 ngưởi. Kitô giáo phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến cả các dân tộc và các nước lân bang, khiến nhiều nước khác cũng theo Kitô, làm thay đổi bản đồ tôn giáo ở châu Âu, ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Hoàng đế Basíleios II được xem là người đưa Đông La Mã đến thời hoàng kim. Năm 1025, Basíleios II mất, để lại một La Mã giàu có và hùng mạnh, quốc khố đầy ắp vàng bạc.

Giai đoạn suy thoái

Các Hoàng đế sau này không ai có được tài năng như trước. Điều đó khiến Đông La Mã đi vào giai đoạn suy thoái, quyền lực rơi dần vào tay quan lại.

Kinh tế suy sụp khiến Đông La Mã không có đủ tiền để duy trì quân đội, buộc phải giải tán, thay vào đó là lính đánh thuê.

Ngoại bang bắt đầu xâm lấn và Đông La Mã cũng mất dần các vùng đất của mình. Năm 1065, người Thổ Seljuk tấn công, Hoàng đế La Mã Romanos đích thân cầm quân chống cự. Trong trận đánh trận Manzikert nổi tiếng lịch sử, Hoàng đế Romanos đại bại và bị bắt sống.

Người Thổ Seljuk tiếp đà chiến thắng đánh chiếm các nơi, đến năm 1081 thì chỉ còn cách Kinh đô Constantinopolis 90 km.

Thời kỳ “Komnenos trung hưng”

Năm 1081, Alexios I Komnenos lên ngôi Hoàng đế. Trong hoàn cảnh La Mã bên bờ sụp đổ, ông đã thực hiện cuộc khôi phục toàn diện, đặc biệt là về quân sự và kinh tế, giúp Đông La Mã không những không bị sụp đổ mà còn trên đà phục hưng. Hoàng đế Alexios I cũng là người mở đầu cho thời kỳ mới gọi là “Komnenos trung hưng”.

Alexios nhờ đến Tây Âu giúp đỡ nên đẩy lùi được người Thổ. Quan hệ giữa Đông La Mã và Tây Âu ngày càng tốt đẹp, địa vị Đông La Mã ngày càng được củng cố, ảnh ưởng đến châu Âu, vùng Địa Trung Hải, Tiếu Á.

Đông La Mã
Chân dung của Hoàng đế Alexios I từ một bản thảo Hy Lạp. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Sau giai đoạn suy sụp, thời kỳ Komnenos từ năm 1081 đến 1185, La Mã bước vào đỉnh cao phát triển mới. Kinh đô Constantinopolis vẫn là trung tâm văn hóa, giữ ngôi đầu về sự giàu có, hoa lệ ở châu Âu. Rất nhiều tác phẩm triết học ra đời vào thời kỳ này, truyền rộng ra Tây Âu, Đông La Mã trở thành trung tâm văn hiến lúc đó.

Đông La Mã suy yếu

Năm 1185 kết thúc thời kỳ Komnenos, Hoàng đế Isaac Angelos lên ngôi đánh dấu thời kỳ mới. Nhà Angelos lạm dụng ngân khố quốc gia với những chính sách tài chính không minh bạch, quan lại cũng hùa theo vơ vét ngân khố. Đế quốc suy yếu không cách nào vực dậy được.

Lúc này ở châu Âu liên tục diễn ra các cuộc thập tự chinh do Giáo Hoàng, người đứng đầu Công giáo ở Rome, kêu gọi. Giáo hội Công giáo Rome chống lại người Hồi giáo và Kitô giáo ở Đông La Mã. Quân Thập tự chinh đến từ khắp Tây Âu nghe theo lời kêu gọi của Giáo Hoàng.

Năm 1203, quân Thập tự chinh đánh Đông La Mã. Năm 1204, quân Thập tự chinh tiến đến Kinh đô Constantinopolis. Quân La Mã không chống đỡ nổi, Constantinopolis bị tàn phá, rất nhiều biểu tượng văn hóa vô giá cùng báu vật bị lấy đưa đến Tây Âu. Khi các Hoàng thân của Đông La Mã từ các nơi đến giải cứu, quân Thập tự chinh mới rút khỏi Constantinopolis.

Sụp đổ

Khi Đông La Mã suy kiệt, các chư hầu trung thành cũng nổi dậy. Cuối cùng lãnh địa Nicaea đã đánh bại các lãnh địa khác, tiến vào làm chủ Constantinopolis, Mikhael lên ngôi Hoàng đế.

Mikhael muốn khôi phục nhanh chóng Kinh đô Constantinopolis bị tàn phá. Tuy nhiên ông ta không chọn cách bảo vệ và phục hồi sức dân nhằm khôi phục kinh tế, mà chọn cách đánh sưu cao thuế nặng nhằm nhanh chóng có tiên khôi phục lại Constantinopolis. Các Hoàng đế sau này cũng thực hiện tương tự.

Điều này khiến dân chúng căm ghét Triều đình và Constantinopolis, nổi dậy chống lại Triều đình, dẫn đến cuộc nội chiến suốt 6 năm tàn phá Đông La Mã.

Nhân cơ hội này, Đế quốc Ottoman đưa quân tấn công Đông La Mã. Năm 1422, Kinh đô Constantinopolis bị Ottoman tấn công nhưng đã đẩy lui được. Mặc dù vậy, Ottoman chiếm hoàn toàn xứ Makedonia và thành Thessalonica. Constantinopolis lúc này trở nên hoang tàn, dân số giảm sút.

Năm 1453, Đế quốc Ottoman đưa 8 vạn quân chính quy cùng hàng chục vạn quân không chính quy bao vây Constantinopolis. Đông La Mã chỉ còn 7 ngàn quân cùng 2 ngàn quân La-tinh đồng minh chống lại.

Sau 2 tháng công thành, cuối cùng quân Ottoman tràn được vào trong Constantinopolis, Đông La Mã cũng chấm dứt từ đây.

Suốt 1.480 năm tồn tại của mình, Đế quốc La Mã ghi đậm dấu ấn đối với văn hóa và lịch sử châu Âu. Đây là một trong những chiếc nôi của nền văn minh thế giới, nhiều tác phẩm kinh điển về triết học, khoa học, y học, luật pháp đều bắt nguồn từ đây.

Ngày nay nhìn lại lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng La Mã như một bức tường thành vững chắc bảo vệ châu Âu trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của người Ba Tư, Ả Rập và Thổ Seljuk.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: