Sau vụ việc tháng 7 năm 1885, các vị Vua nhà Nguyễn chẳng có thực quyền mà chỉ quyết định các việc dưới sự hướng dẫn của người Pháp. Lúc này Vua cũng không còn chú ý tế lễ ở Đàn Nam Giao nữa.

Bỏ bê việc tế lễ

Sau khi vua Hàm Nghi chạy đến Tân Sở, người Pháp đưa vua Đồng Khánh lên ngôi tháng 9/1885. Đến mùa xuân năm 1886, theo lệ phải làm lễ tế ở Đàn Nam Giao, nhưng các quan lại tâu lên rằng: “vừa mới loạn xong, chuẩn cho đình tế một lần” (Quốc sử quán triều Nguyễn). Vua chuẩn tấu.

Đến khi mất vào năm 1889, vua Đồng Khánh chưa hề làm lễ tế Nam Giao một lần nào.

Các đời Vua nhà Nguyễn sau đó 3 năm mới tổ chức làm lễ một lần. Đến năm 1945 thì vị Vua cuối cùng là Bảo Đại phải thoái vị trước sức ép của Việt Nam Độc lập Đồng minh. Đàn Nam Giao cũng chấm dứt vai trò làm lễ tế Trời đất của mình.

Đàn Nam Giao bị phá

Sau năm 1945, đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh tàn khốc, Đàn Nam Giao bị hư hại, khu rừng thông xanh ngát bị đốn ngã. Các công trình ở vòng tường ngoài cùng các tòa nhà Thần trù, Quan cư, Binh xá bị phá hủy. Dù thế vẫn có các nhóm tín ngưỡng hay trường học tổ chức đến đây để sinh hoạt tập thể khiến nơi đây vẫn còn sinh khí.

Sau năm 1975, chính quyền cũng không chú trọng khôi phục lại các quần thể di tích ở cố đô Huế. Thậm chí một số nơi còn bị sử dụng bừa bãi, như khu vực Đại Nội bị biến thành làm nơi sinh sống, làm việc của Xí nghiệp truyền thanh và Xí nghiệp in tỉnh Bình Trị Thiên; Tàng Thư Lâu là nơi lưu trữ các tài liệu lớn nhất thời nhà Nguyễn bị biến thành khu nhà ở khiến bị hư hại nặng

Năm 1977, Đàn Nam Giao bị phá để xây dựng lại thành Đài tưởng niệm liệt sĩ, việc xây dựng ở ngay chính giữa Viên đàn. Còn khu vực Trai cung bị biến thành nơi đặt máy xay xát của công ty Lương thực thành phố Huế. Sự việc này khiến người dân Huế rất bất bình.

Trong sách “Huế – Triều Nguyễn: một cái nhìn” (NXB Thuận Hóa, Huế năm 2004), Trần Đức Anh Sơn có phản ánh rằng:

“Khu Trai cung trở thành nơi đặt máy xay xát của Công ty Lương thực Thành phố Huế. Trong vòng tường cổ kính rêu phong, người ta đã dựng nên những nhà kho kiên cố, to cao sừng sững, che lấp những bờ nóc, đầu đao chắp hình rồng phụng đã bị chiến tranh làm cho sứt mẻ, què quặt. Trong dư luận nhân dân xuất hiện một câu ca dao bày tỏ sự bất bình về việc đàn Nam Giao bị biến dạng một cách kinh ngạc”.

Việc Phá Đàn Nam Giao gây xôn xao trong dư luận một thời, dù nhà Nguyễn không còn nhưng Đàn Nam Giao vẫn được dân chúng cho là quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong quần thể di tích nhà Nguyễn.

Đặc biệt nơi đây có phiến đá thanh vô cùng đặc biệt và trân quý, theo các vị bô lão ở Huế thì những phiến đá thanh này khi được sắp xếp theo đúng phương pháp bí truyền sẽ giúp khuếch đại âm thanh. Chính vì thế mà xưa kia khi làm lễ tế người dân Huế dù ở xa nhưng vẫn nghe rất rõ tiếng Vua cùng lời nhạc.

Phục hồi Đàn Nam Giao

Việc phá Đàn Nam Giao để xây Đài tưởng niệm liệt sĩ làm mất lòng dân Huế. Phải mãi đến sau 15 năm, vào năm 1992, để làm dịu lòng dân, tỉnh Thừa Thiên Huế mới di dời Đài tưởng niệm liệt sĩ đến vị trí khác, trả Đàn Nam Giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để phục hồi lại.

Tạp chí “Huế xưa và nay” số 2 (tháng 2/1993) đưa tin “Ngày 15/9/1992, UBND Thừa Thiên – Huế có một việc làm hợp lòng người, trước hết là người dân xứ Huế và du khách đến Huế: khôi phục đàn Nam Giao”. Tuy nhiên việc phục hồi Đàn Nam Giao lại không được thực hiện ngay, nên nơi đây bị tận dụng làm bãi tập lái ô tô, hay biến thành thao trường của quân đội.

Đến tháng 12/1993, Đàn Nam Giao được xếp trong danh sách quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Lúc này Đàn mới được chú ý để trùng tu phục hồi.

Thế nhưng việc phục hồi vẫn dậm chân tại chỗ. Đến tháng 8/2003, Trai cung mới được trùng tu bước đầu để chuẩn bị cho Festival Huế năm 2004.

Lịch sử Đàn Nam Giao nhà Nguyễn (P2)
Di tích Đàn Nam Giao triều Nguyễn tại Huế. (Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, Public Domain)

Đầu năm 2004, tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức, các cơ quan chức năng lên tiếng rằng khu di tích này trở thành tụ điểm xã hội đen. Tháng 3/2004, báo Thừa Thiên – Huế và trang web Cố đô có đăng bài về tệ nạn xã hội ở Đàn Nam Giao.

Đến tháng 6 năm 2005 Bộ Văn hóa và Thông tin phê duyệt dự án tôn tạo đàn Nam Giao với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng, từ đấy việc trùng tu mới được tiến hành. Nhưng đây là dự án nhỏ, chủ yếu là dọn dẹp sạch sẽ để tổ chức lễ hội Festival Huế.

Đến năm 2018 Huế mới phê duyệt dự án “Bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao” giai đoạn 1 với kinh phí 24 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm: thực hiện tu bổ, bảo tồn công trình Trai Cung chính điện; hệ thống tường thành, cổng, sân nền khuôn viên Trai Cung và la thành hai mặt Đông, Tây; thiết kế mới hệ thống điện chiếu sáng và tôn tạo cảnh quan sân vườn…

Đến nay việc trùng tu giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn thành, nhưng dự kiến kết thúc trong năm 2023. Việc trùng tu đã giúp cho Đàn Nam Giao có bộ mặt khác, ngày nay không chỉ là di tích văn hóa lịch sử, mà còn là điểm đến tham quan du lịch ở Huế.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Có bao giờ bạn tự hỏi nhà tù nào lớn nhất đời người?”: