Hồi nhỏ tính tôi khá hướng nội, hễ thấy trong nhà có khách là trốn mất tiêu. Cho nên căn bản là tôi sợ gặp người khác, nếu chẳng may chạm mặt khách trong nhà, dẫu là họ hàng thân thích, tôi cũng không dám cất tiếng chào hỏi, cũng không ý thức được đó là phép lịch sự.

Sau này mẹ đã thay đổi triệt để thói quen này của tôi. Gặp các chú, các dì, tôi phải chào hỏi, chỉ cần một lần không mở miệng hoặc không để tâm tới người khác về nhà chắc chắn tôi sẽ bị một trận đòn. Đương nhiên chiếc roi này chỉ là một cái thước nhỏ, đánh không đau chút nào. Mẹ sẽ đánh vào tay, vừa đánh vừa giáo dục tôi, một câu để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là: “Nếu con đi trên đường, người con quen nhìn thấy con, nhưng họ lại giả bộ không nhìn thấy mà cứ thế bước đi, con có cảm thấy khó chịu không? Nếu đó lại là cô dì chú bác của con, chẳng phải con sẽ càng buồn hơn hay sao?”

Lúc đó tôi không hiểu, giờ ngẫm lại, mẹ tôi chắc chắn là một triết học gia. Quả không sai, từ khi thôi thay đổi thói quen này, hễ gặp ai là liền cất tiếng chào hỏi, gặp ai cũng cười, thì tôi phát hiện ra các bậc trưởng bối trong sân nhà chúng tôi đều rất thích tôi. Thi thoảng mọi người lại tặng tôi những món quà nhỏ, hay đồ ăn ngon, dường như cứ đi một vòng là tôi sẽ có được thứ gì đó. Nhưng mẹ tôi không thích tôi tuỳ tiện nhận quà của người khác, có cô dì chú bác còn mang đồ ăn ngon tới hỏi mẹ cho tôi được phép nhận.

Trưởng thành rồi, tôi mới dần hiểu được rằng, lễ độ và lịch sự sẽ mang tới cho mình nhiều điều tuyệt vời hơn cả đồ ăn ngon.

Lịch sự là giáo dưỡng, là tài sản quan trọng của đời người
Lính Pháp và người dân đứng chờ những học sinh Hà Nội trong trang phục truyền thống đang khoanh tay xin đi qua đường. (Ảnh: Robert Capa)

Không lịch sự thì vĩnh viễn không đạt tiêu chuẩn

Còn nhớ lần đầu tiên gặp mặt con của một người bạn của tôi, ông bố của đứa trẻ phân bua: “Con mình xưa nay chẳng chào hỏi ai.” Nhưng lại nói quanh: “Ai da, chỉ cần thành tích học tập của nó tốt, thì mình cũng lười quản nó!”

Người cha khoan dung này không hiểu rằng nếu con mình sớm đã hình thành thói quen được mọi người xung quanh lượng thứ, thì dẫu đi học hà tất cũng đã hiểu rõ lễ nghĩa. Lịch sự mới là giấy thông hành quan trọng nhất!

Những đứa trẻ không hiểu phép lịch sự, thì thế giới của chúng cũng khép lại một cánh cửa, chỉ có một tấm bằng và một kỹ năng thì khó có thể bước vào đại nhã đường.

Trước kia tôi dạy một cô bé môn ngữ văn. Vì ở chung một toà nhà, nên chúng tôi thường gặp nhau ở thang máy, nhưng cô bé chưa bao giờ chủ động chào hỏi tôi. Tôi cho rằng trẻ nhỏ thường hay xấu hổ, nên chủ động bắt chuyện với cô bé: Chào con! Con ăn gì chưa? Con đi chơi à…

Một lần nọ vừa thi xong, tôi lại gặp cả nhà cô bé đang đi dạo, mẹ cô bé kéo tôi vào hỏi điểm thi. Cô bé theo thói quen vẫn không để ý gì tới tôi, mà tiếp tục tán gẫu với cha mình như chốn không người. Và lúc đó với tôi, điều đáng sợ hơn việc trẻ nhỏ không lễ phép là sự thờ ơ vô cảm của cha mẹ.

Tôi nghĩ, dạy con chào thầy cô một câu còn quan trọng hơn việc nghe ngóng điểm số cho con gấp vạn lần. Dẫu được điểm tối đa, nhưng nếu đứa trẻ không hiểu phép lịch sự thì cả đời chúng vĩnh viễn cũng không đạt tiêu chuẩn!

Khi bạn không quan tâm đến thế giới

Tôi còn nhớ, có một cô giáo dạy nhạc tới thực tập ở một ngôi trường tư thục. Cùng tới xin việc có 4 thầy cô, nhưng lúc đó chỉ có thể giữ lại 3 người. Cô ấy chơi đàn rất hay, hát cũng rất tuyệt, nhưng 3 tháng sau, cô ấy lại là người duy nhất bị sa thải, cô ấy cảm thấy mình bị oan ức dữ lắm.

Sau này, giám đốc nhân sự mời cô ấy uống cà phê, mới tiết lộ cho cô một bí mật nhỏ: Nhà trường sa thải cô, không phải vì cô không ưu tú, mà là vì cô không hiểu phép lịch sự!

Tới nay, cô bạn này của tôi đã mở một trường mẫu giáo tại địa phương. Cô ấy thường cười nói về chuyện năm xưa mà tự trào lộng mình: Năm ấy tôi còn trẻ nên rất ngạo mạn, chưa từng chào hỏi ai bao giờ, cứ hiên ngang bước đi và vùi đầu làm việc. Tôi cứ cho rằng: “Mình có tài thì mình cần gì quan tâm tới ai”. Giờ tôi mới hiểu ra rằng bạn không quan tâm tới thế giới, thì thế giới cũng sẽ không quan tâm tới bạn.

Lịch sự là sự giáo dưỡng, cũng là một thói quen. Đôi khi cha mẹ vì yêu con mà vô tình che dấu khuyết điểm của con, thường cho rằng con mình còn nhỏ, nên những hành vi không lịch sự luôn được bao dung, lượng thứ hết lần này tới lần khác. Những bậc cha mẹ thông minh sẽ dưỡng dục con mình thành người hiểu phép tắc, thấu tình đạt lý, như vậy mới khiến chúng được mọi người chào đón.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: