Cổ nhân rất chú trọng tới giấc ngủ, còn để lại một lịch sử văn hoá lâu đời về chiếc giường ngủ.

Văn hoá truyền thống Á Đông là nền văn hoá bác đại tinh thâm, thấm sâu vào lòng người, và còn thấm nhuần vào trong cả từng vật dụng gia đình. Mỗi một vật dụng cổ điển của người xưa đều là tải thể văn hoá truyền thống, cũng là kết tinh trí huệ cao độ của người xưa. Đơn cử như văn hoá của chiếc giường ngủ Trung Hoa cổ điển.

Vào thời cổ đại, giường không chỉ là nơi nghỉ ngơi, mà đơn giản còn là một chỗ ngồi. Giường tại Trung Quốc có nguồn gốc sớm nhất vào thời nhà Thương. Truyền thuyết kể lại rằng họ Thần Nông thời thượng cổ đã phát minh ra chiếc giường. Trong xã hội nguyên thuỷ, con người sinh sống vô cùng đơn giản, khi ngủ chỉ cần lót là xong. Sau khi chiếu xuất hiện thì giường cũng dần theo đó mà sinh ra. Trong chữ Giáp Cốt Văn thời nhà Thương, giường không chỉ dùng để ngủ, nó thường được kiêm dùng, có các công dụng khác. Mọi người viết chữ, đọc sách, ăn uống đều ở trên giường.

Văn hoá truyền thống Á Đông đã đưa lại một quan niệm lễ nghi đặc định cho việc ngủ nghỉ. Giường cũng cần có những lễ nghi nhất định: “Giường không được loạn, những người khác nhau ngủ giường khác nhau, mỗi chiếc đều có ngụ ý riêng của nó”.

Trong “Thuyết Văn” có câu rằng “Sàng, an thân chi toạ dã” (Giường là nơi ngồi an thân). Theo “Lễ Ký” ghi lại: Chiếc chiếu trúc trên giường Tằng Tử không phù hợp với lễ, nên khi sắp lâm chung ông vẫn yêu cầu phải thay chiếu khác rồi mới nhắm mắt. Có thể thấy rằng thời đó giường đã rất được cổ nhân coi trọng.

Lịch sử văn hoá lâu đời của giường ngủ Trung Hoa
Giường hoa thời nhà Thanh, tỉnh Triết Giang hoặc tỉnh Giang Tô. Gỗ khảm sơn và mạ vàng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bảo tàng mỹ thuật Montréal Canada (Ảnh: Sandstein, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Trong “Đoan Cư” của Lý Thương Ẩn viết rằng: “Viễn thư quy mộng lưỡng du du, chỉ hữu không sàng địch tố thu” (Thư nhà xa vắng mộng rầu rầu, chỉ chiếc giường không với nỗi sầu) để thể hiện nỗi nhung nhớ quê hương. Platon, một triết gia Hy Lạp cổ đại từng dùng chiếc giường để nói ngụ ý về tư tưởng của mình: “Loại thứ nhất là thứ vốn có sẵn trong tự nhiên, ta nghĩ có lẽ là Thần tạo ra, bởi lẽ không có người nào khác tạo ra nó; loại thứ hai là do thợ mộc tạo ra; loại thứ ba là do hoạ sỹ tạo ra.”

Giường ngủ cho con cháu

Thời xưa, chiếc giường ngủ của trẻ vị thành niên và những thành viên khác trong gia đình có sự khác biệt rất lớn. Từ chiếc giường cổ nhân chuẩn bị cho con cháu, có thể thấy được triết học giáo dục của người xưa.

“Giường con cháu” đa phần là “Giường giá đỡ”, cũng có loại “Bạt bộ sàng” (hay còn gọi là giường bát bộ). Trong đó “giường giá đỡ” được cổ nhân cho là thích hợp nhất cho con cháu đang trưởng thành nghỉ ngơi. Thời xưa, phòng ở của con cháu chưa thành niên (hoặc chưa kết hôn) khá hẹp, nên đặt một chiếc giường giá đỡ đơn giản là thích hợp nhất. Thân giường đa phần là những tấm mặt cứng, không chỉ có lợi cho sự phát triển của bộ xương, đồng thời còn dạy trẻ làm người phải ngay thẳng. Cách thể hiện hàm xúc và không lời này cũng là sự kỳ vọng khẩn thiết của cổ nhân với con cháu.

Lịch sử văn hoá lâu đời của giường ngủ Trung Hoa
(Ảnh: LungSanLau, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Ngoài ra, loại giường giá đỡ này thường đơn giản, trang nhã, đa phần đều trảm khắc một vài bông hoa mai, hoa lan, hoa cúc và cây trúc. Những đề tài về tứ bảo nơi thư phòng (như bút mực, giấy nghiên), nhằm hun đúc thói quen dụng công đọc sách của con trẻ. Do đó, có thể thấy được nỗi nhọc tâm của những bậc cha mẹ. Cha mẹ không chỉ lo lắng về sức khoẻ, mà còn bận tâm tới chí hướng và tương lai của trẻ. Tất cả điều này đều được thể hiện trên chiếc giường, quả thực là hiếm có.

Giường ngủ khi kết hôn

Dẫu là thời cổ đại hay hiện đại, kết hôn vẫn luôn là một việc vô cùng quan trọng. Do đó, chiếc giường tân hôn cũng rất được cổ nhân coi trọng. Có nhà vẫn dùng giường giá đỡ làm giường tân hôn, nhưng đa phần những gia đình giàu có lại đồng ý tiêu một khoản tiền lớn để đóng một chiếc giường “Bạt Bộ Sàng”.

Lịch sử văn hoá lâu đời của giường ngủ Trung Hoa
Giường tân hôn được cổ nhân gửi gắm khát vọng nối dõi tông đường, và khát vọng kế thừa truyền thống lễ giáo. (Ảnh: Deror Avi, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Trên giường Bạt Bộ trạm khắc và vẽ những chủ đề mang hàm nghĩa khác nhau. Đó là những hình ảnh tượng trưng cho sự cát tường như ý, đông con nhiều phúc, và những câu chuyện hý kịch, truyền thuyết dân gian. Nó mang hàm ý ký thác khát vọng nối dõi tông đường của cha mẹ dành cho con cái, và còn ký thác cả khát vọng truyền thừa truyền thống lễ giáo.

Giường ngủ của người già

Giường Trường Thọ là cách nói lưu hành ở khu vực Giang Nam, là giường ngủ của chủ nhà, thường là chỉ người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà.

Sau khi chủ của gia đình mất đi, thì con cháu trong nhà phải ngủ trên giường đó một lần, ngụ ý là cũng được mạnh khoẻ, trường thọ như người đã khuất. Sau đó họ mới mang chiếc giường trường thọ này truyền lại cho chủ nhân mới của gia đình, cứ truyền thừa như vậy từ đời này qua đời khác. Ngụ ý là hương khói nối tiếp từ đời này qua đời khác, con cháu đời sau trường thọ trăm tuổi, cũng có ngụ ý chỉ gia nghiệp hưng thịnh.

Lịch sử văn hoá lâu đời của giường ngủ Trung Hoa
“Bách phúc thiên công sàng” được cổ nhân coi là chiếc giường trường thọ tốt nhất. (Ảnh: Szilas, Jubilee Museum, Brussels, Wikipedia, Public Domain)

“Giường trường thọ” đa phần là “Bách phúc thiên công sàng”, “Giường Bạt bộ”, “Giường giá đỡ”. Trong đó “Bách phúc thiên công sàng” được cổ nhân coi là chiếc giường trường thọ tốt nhất. Giường này chỉ những gia đình gia thế mới có, đa phần được đóng từ những loại gỗ hồng mộc quý giá như gỗ Tử Đàn, gỗ sưa, vừa bền vừa kiên cố, thời hạn sử dụng rất dài. Thiên công nghĩa là một ngày một công. Một chiếc giường Bách phúc thiên công phải tiêu tốn cả ngàn công, tức là khoảng hơn 3 năm dụng tâm điêu khắc tỷ mỷ mới có thể đóng xong một chiếc. Chiếc giường này được chế tác vô cùng xa hoa. Xung quanh giường đều trạm khắc nhiều chủ đề mang ngụ ý rất tốt như đông con nhiều phúc, cát tường như ý, cát tinh chiếu rọi, tùng hạc trường thọ.

Có thể thấy cổ nhân vô cùng coi trọng đạo hiếu.

Lời kết

Đối với con người, giấc ngủ đã chiếm 1 phần 3 thời gian trong đời người. Từ rất sớm, tổ tiên của chúng ta đã vô cùng chú trọng tới văn hoá giường ngủ, không chỉ là tính khoa học, mà còn về dễ chịu về cấu tạo, thiết kế, hơn nữa còn hàm chứa một ý nghĩa sâu rộng. Giường ngủ đã trở thành một vật quý, vật báu trong các đồ gia dụng. Giường ngủ hàm chứa văn hoá giáo dục con người sâu sắc.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: