Chúng ta luôn thích đưa ra lời khuyên cho người khác và cũng rất thích nghe những lời khuyên. Nhưng trên thực tế, những lời khuyên có tác dụng về mặt củng cố tâm lý hơn là có giá trị ảnh hưởng đến quyết định của người được khuyên. Sau đây là một số sự thật về lời khuyên mà bạn cần hiểu.

1. Những nghiên cứu tâm lý học cho thấy khi chúng ta chấp nhận làm theo lời khuyên của một ai đó, điều đó không có nghĩa là lời khuyên đó là đúng mà là lời khuyên đó củng cố suy nghĩ rằng lựa chọn ban đầu của chúng ta là đúng. Ví dụ nếu một người khuyên bạn đừng làm một việc gì đó mà bạn nghe theo không làm thì điều đó có nghĩa là trong thâm tâm bạn đã quyết định không muốn làm điều đó, bạn chỉ cần một người củng cố niềm tin về quyết định của mình mà thôi.

2. Những yếu tố ảnh hưởng tới việc chúng ta nghe theo lời khuyên của một người theo thứ tự bao gồm:

a. Tình cảm của người khuyên đối với người được khuyên,

b. Uy tín của người khuyên đối với được khuyên,

c. Trình độ hiểu biết về chủ đề khuyên của người khuyên,

d. Hiểu biết chuyên môn của người đươc khuyên về chủ đề được khuyên.

Điều này chứng tỏ các yếu tố cảm tính (a. và b.) đóng vai trò quan trọng hơn các yếu tố lý tính (c. và d.) trong việc chấp nhận lời khuyên.

3. Một người càng hỏi ý kiến và xin lời khuyên từ nhiều người cho một vấn đề thường khó đưa ra quyết định hơn là những người chỉ hỏi ý kiến của 1-2 người. Những người cần lời khuyên từ nhiều người thường không có tinh thần trách nhiệm về hành động của mình và đổ lỗi cho người khác nếu hành động của mình có kết quả không mong muốn.

4. Khi thành công, con người thường hay nhận đó là kết quả của quyết định của bản thân, còn khi thất bại người ta thường đổ lỗi cho lời khuyên của người khác. Đây gọi là hiện tượng tâm lý có tên là thoái thác trách nhiệm rất phổ biến. Trên thực tế, cho dù thành công hay thất bại thì quyết định đó cũng là do chúng ta đưa ra mà thôi.

5. Những lời khuyên đúng đắn thường chỉ có giá trị khi người bỏ qua chúng gặp thất bại và gánh hậu quả.

6. Một trong những nguyên tắc đưa ra lời khuyên của các chuyên gia tâm lý học là đưa ra nhiều lựa chọn và phân tích những mặt tốt và mặt xấu của từng lựa chọn và cho người được khuyên thời gian tự cân nhắc chọn lựa.

Người Việt Nam chúng ta hầu như không được dạy cách chịu trách nhiệm về những hành động của mình và cũng ít khi dám suy nghĩ độc lập để đưa ra quyết định cho bản thân mình. Điều này dẫn đến sự lệ thuộc vào tư duy của người khác và đồng hành với nó là văn hóa đổ thừa.

Nhân mùa dịch corona virus, tôi muốn các bạn hiểu những điều này để đưa ra những quyết định đúng đắn bảo vệ sự an toàn của chính bản thân và gia đình. Bất cứ kết quả như thế nào thì bạn cũng phải chịu trách nhiệm về nó. Đôi khi bạn cần phải trả giá cho quyết định sai lầm của mình để có thể trưởng thành.

Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)

Theo Facebook Vien Huynh
Đăng dưới sự đồng ý của tác giả