Dù muốn dù không, tất cả chúng ta, không kể nam nữ, giàu sang hay nghèo hèn rồi cuối cùng cũng chết. Vấn đề là chết như thế nào và cuộc sống đã có mang lại một ý nghĩa như thế nào cho chính bản thân và những người sống tiếp.

Hầu hết chúng ta đều muốn mình có con, có cháu và mong chúng sống sung sướng, hạnh phúc. Vấn đề là chúng ta có thể làm gì để tạo ra điều đó?

Hãy đọc “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” ( Tác giả: Svetlana Alexievich, người dịch: Nguyễn Bích Lan, NXB Phụ nữ, 2016) để suy ngẫm về những câu hỏi ấy.

Lời nguyện cầu từ Chernobyl hay lời nguyện cầu cho tất cả chúng ta?

Cuốn sách là tập hợp lời kể “độc thoại” của những chứng nhân – nạn nhân đã chứng kiến, đã trải nghiệm cuộc sống kinh hoàng khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986. Đấy là lời kể của những người phụ nữ mất chồng, những người lính mất đồng đội, những người thanh niên chết trong đau đớn hoặc phải sống tiếp cuộc đời bệnh tật.

Sự thật qua lời kể của nhân chứng quá tàn khốc. Tàn khốc đến độ, cho dù đã đọc không ít những cuốn sách viết về những nạn nhân bị bom nguyên tử ở Nhật Bản, tôi vẫn bàng hoàng, toàn thân lạnh cứng.

Xin trích vài đoạn:

“Hai ngày cuối cùng ở bệnh viện – tôi nhấc cánh tay anh lên thấy xương cốt của anh lủng lẳng hết. Những mảnh phổi, mảnh gan trôi ra miệng anh. Anh bị nghẹt thở vì nội tạng của chính mình” (tr.35).

“Chúng tôi cô đơn. Ở đây chúng tôi là những kẻ xa lạ. Họ thậm chí chôn những người đã từng ở Chernobyl trong một khu riêng biệt, không giống như chôn những người khác.” (tr.134)

“Đứa con gái nhỏ của tôi – nó khác biệt. Nó không giống những đứa trẻ khác.

Nó còn nhỏ và nó hỏi tôi: ‘Tại sao con không giống những người khác?’

Khi chào đời, nó không phải là một đứa trẻ, nó là một cái bao tải nhỏ bị khâu vá chằng chịt, không có chỗ mở nào, chỉ có đôi mắt. Trong số y bạ của nó ghi: ‘Bé gái, sinh ra với nhiều bệnh lý phức tạp: không tạo hình hậu môn, không tạo hình âm đạo, không phát triển thận trái’. Đó là nói theo ngôn ngữ y học, nhưng nói đơn giản thì con tôi sinh ra như thế này: không có hậu môn, không có bướm, không có thận. Tôi chứng kiến con mình phải lên bàn mổ vào ngày thứ hai của cuộc đời nó,…

Trong vòng bốn năm, con gái tôi trải qua bốn lần phẫu thuật… Tôi yêu con gái vô cùng” (tr.138)

Có vô vàn những sự thật tàn nhẫn và tàn khốc như thế được kể lại trong sách.

Nhưng mặt khác, thần chết lại tìm đến người dân ở Chernobyl trong khuôn mặt vô hình thậm chí là khuôn mặt thiên thần. Phóng xạ là kể địch “vô hình”. Người dân và người lính ở đây không nhìn thấy kẻ địch. Vì thế những người lính gan dạ nhất đã từng chiến đấu ở Afganistan cũng hoảng sợ khi thấy đồng đội chết dưới tay thần chết và mình đang chết dần. Người dân thì sửng sốt không hiểu tại sao mình phải bỏ nhà cửa mà đi, phải đổ sữa đi, không được ăn hoa quả trong vườn trong khi quả vẫn chín, khoai tây vẫn được mùa…

Phóng xạ lan tràn khắp nơi. Nhiều tài xế không hiểu được tại sao chim lại đâm sầm vào cửa kính xe và cho rằng chúng muốn “tự sát”, họ đâu biết lũ chim đã bị mù mắt vì phóng xạ. Nhà đạo diễn phim đã vô cùng ngạc nhiên khi ông đứng trước vườn táo nở hoa mà không hề ngửi thấy hương thơm. Cả đoàn làm phim cũng không ai ngửi thấy. Sự thật là trong môi trường phóng xạ cơ thể con người đã “đóng lại” khứu giác.

Sự cố hạt nhân cũng nổ ra vào thời điểm Liên Xô tan rã. Vì thế cướp bóc, hãm hiếp, ly khai và trả thù bùng phát triền miên. Những người đàn ông bịt mặt vũ trang nhảy lên xe buýt dồn những người đàn ông khác sắc tộc xuống đường và xả súng bắn chết trước mặt trẻ em và phụ nữ. Những toán lính có vũ trang lùng sục người Nga khắp nơi. Một y tá đã vĩnh viễn không thể sống bình thường khi tận mắt chứng kiến một toán đàn ông vũ trang súng máy ném một đứa bé vừa mới sinh xuống dưới đất qua cửa sổ tòa nhà cao tầng chỉ vì y tá không chịu trả lời “Nó là giống người gì?”.

Từng đoàn lính vác súng vào khu vực cách ly bắn hạ cả thú rừng lẫn vật nuôi và chính họ phải ăn những thức ăn được nhuộm trong phóng xạ.

Khu vực cách ly trở thành một vùng đất chết.

Những ai đã từng ở Chernobyl vĩnh viễn không sống được cuộc đời bình thường dù không chết. Người khác xa lánh họ, sợ hãi họ và tránh mặt họ. Những người đã sống trong khu vực cách ly đều bị cách ly vĩnh viễn và bị “giam cầm” ngay khi đã nằm sâu dưới lòng đất với quan tài bọc chì.

Đọc sách, tự nhiên tôi nhớ đến những dòng thơ của nhà thơ Waga Ryoichi, một thầy giáo dạy lịch sử sống ở ngay khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima của nước Nhật. Khi sự cố xảy ra, ông đã dùng mạng xã hội phát đi những vần thơ tha thiết:

“Nhà ga nơi khu phố anh có đổ nghiêng không? Đồng hồ có chỉ đúng thời gian hiện tại? Chúc ngủ ngon. Không đêm tối nào không gọi đến bình minh. Kẻ du hành, người đưa tiễn, người đón đưa, người trở về. Đi nhé, mừng anh trở lại. Chúc ngủ ngon. Xin hãy trả lại nhà ga cho khu phố của tôi.”

“Chúng tôi từng người để lại những chú mèo hoảng sợ. Khi viết tới đây, thì bưu thiếp tới. ‘Sẽ không đọc nữa’. Nhân loại hoảng sợ. ‘Có cái gì đó thật kinh hãi’.

Khi khó khăn thì bóp trán chau mày, khi thất vọng thì căm ghét và ném bỏ. ‘Sẽ xé bỏ’. Vì thế hãy đọc đi. ‘Dù có đọc thì cũng ích chi đâu’. Xé.

Hãy trả lại phố xưa, hãy trả lại làng, hãy trả lại biển hãy trả lại gió. Tiếng chuông, tiếng thư đến, tiếng thư đi. Hãy trả lại sóng, hãy trả lại cá, hãy trả lại tình yêu, hãy trả lại ánh mặt trời. Tiếng chuông, tiếng thư đến, tiếng thư đi. Hãy trả lại chén rượu, hãy trả lại bà, hãy trả lại lòng tự hào, hãy trả lại Fukushima. Tiếng chuông, tiếng thư đến, tiếng thư đi.

Nếu có giấc mơ tôi sẽ không từ bỏ nó. Đừng từ bỏ tôi sẽ không bao giờ từ bỏ. Tôi sẽ không từ bỏ bản thân mình. Không được phép từ bỏ đi sinh mệnh. Tôi đã từng nhận rất nhiều những cái chết đầy thương tiếc. Cho chính chúng tôi.”

“Phóng xạ đang rơi.
Đêm khuya yên tĩnh.”

“Với bạn quê hương là gì?
Với tôi quê hương là tất cả.
Tôi sẽ chẳng bao giờ từ bỏ quê hương.”

Gấp sách lại rồi, đầu tôi hiện lên những dòng sông đen, những ngọn đồi nham nhở, những kênh rạch bốc mùi, những cánh đồng rau mù mịt thuốc trừ sâu…

“Tôi sợ con người” – một nhân chứng trong sách đã đau đớn kêu lên như thế! Đấy là tiếng kêu thảm thiết mong chúng ta thức tỉnh lương tâm tự vấn: “Chúng ta đang làm gì với trái đất này và với chính cuộc sống của mình?”

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tìm mua sách qua Nhà sách Vương gia

Xem thêm: Câu chuyện Minamata

Mời xem video: